Đắk Nông:

Dân bỏ khu định cư mới về lại buôn vì "thèm" nước sạch

(Dân trí) - 7 năm kể từ ngày tái lập bon (buôn), người dân đang sinh sống ở hai bon Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2 vẫn sống trong cảnh thiếu nước sạch. Nhiều hộ dân đã rời bỏ khi định cư mới này để trở về với buôn làng cũ, dù điện, đường, trường, trạm đều đã được xây dựng.

Cuối năm 2012, sau khi cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, UBND xã Quảng Trực (Tuy Đức) công bố tái lập bon Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2 với hơn 150 hộ dân sinh sống. Các hộ dân tại đây được cấp đất định canh, định cư, nhà ở kiên cố để ổn định cuộc sống.

Ông Bùi Minh Hải, Trưởng bon Bu Prăng 2 cho biết, trong tiếng M’Nông, “Bu Prăng” nghĩa là quả đồi nhỏ. Bon hiện có gần 60 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào M’Nông.

Dân bỏ khu định cư mới về lại buôn vì thèm nước sạch - 1
Bon Bu Prăng 2 được tái lập từ 7 năm trước

Trước đây do chiến tranh, họ phải di dời vào rừng sâu hoặc di chuyển chỗ ở đến nhiều nơi thuộc khu vực hiện nay là giáp ranh hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước. Đến năm 2012, sau khi tái thành lập, chính quyền địa phương đã di dời hàng trăm hộ dân gần khu vực trung tâm xã Quảng Trực về đây để ổn định cuộc sống cho người dân.

Cuộc sống dần ổn định, sau khi lập gia đình, nhiều cặp vợ chồng người M’Nông đã tách khẩu đến đây định cư. Người dân được chăm sóc y tế cơ bản, trẻ em được học tại một trường mầm non ngay trung tâm bon.

Dân bỏ khu định cư mới về lại buôn vì thèm nước sạch - 2
Nguồn nước sinh hoạt của người dân thiếu trầm trọng trong mùa khô

Tuy nhiên mấy năm gần đây, nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại bon Bu Prăng 2 ngày càng khó khăn do tình trạng khô hạn kéo dài. Nguồn nước ngầm từ giếng khoan tại công trình cấp nước tập trung của bon ngày càng sụt giảm nhanh chóng và khô kiệt. Nhiều hộ dân trong bon có hướng bỏ lại nhà cửa, quay về trung tâm xã để sinh sống.

Ông Hải cho biết, trước đây, công trình cấp nước tập trung đã bơm đủ nước cho người dân sử dụng quanh năm. Nhưng mấy năm gần đây, cứ tới mùa khô là giếng hết nước. Do đó, người dân phải sử dụng giải pháp tình thế là bơm nước suối lên xử lý để cấp cho người dân. Thế nhưng nguồn nước này lại không đảm bảo chất lượng, vệ sinh.

Dân bỏ khu định cư mới về lại buôn vì thèm nước sạch - 3
Người dân lấy nước suối sử dụng vì nước ngầm hạ thấp

Chị Thị Huê, một người dân sinh sống từ lâu tại đây cho biết, mỗi năm, cứ tới mùa khô là người dân lại lo nước sinh hoạt và sản xuất. Nhiều hộ phải đi xách từng can nước dưới ao, dưới suối lên để nấu nướng, sinh hoạt, tắm giặt. Nước sinh hoạt còn không đủ thì nói gì tới tưới cho cây trồng. Trước tình trạng trên, một số hộ dân đã rời bỏ bon mới lập, trở về nơi sinh sống trước đây.

Ông Điểu Long, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực chia sẻ, việc tìm nguồn nước cho bà con là vấn đề làm “đau đầu” chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng nhiều năm nay. Vấn đề này ngày càng bức thiết do thời tiết có xu hướng diễn biến bất thường, mùa khô hạn ngày càng kéo dài.

Dân bỏ khu định cư mới về lại buôn vì thèm nước sạch - 4
Nhiều hộ dân rời bỏ bon trở về buôn cũ sinh sống

Ông Long cho rằng, việc bảo đảm nguồn nước sinh hoạt để người dân sử dụng, cũng như nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng là điều kiện thiết yếu để đồng bào gắn bó, an cư lạc nghiệp tại đây. Tuy nhiên, xung quanh bon Bu Prăng 2 chưa có hồ đập nào đủ lớn để bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng vào mùa nắng. Trong khi người dân tại đây trồng các loại cây công nghiệp chủ yếu dựa vào nước mưa nên năng suất thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Hiện số hộ thuộc diện nghèo chiếm hơn 70% tổng số hộ của bon.  

Dân bỏ khu định cư mới về lại buôn vì thèm nước sạch - 5
Những ngôi nhà bỏ hoang ngay vùng biên giới

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, hai bon Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2 có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh. Vấn đề bức thiết nhất mà địa phương xác định là phải giải quyết được nguồn nước để sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Huyện ủy, UBND huyện Tuy Đức cũng đã kiến nghị các ngành chức năng tỉnh sớm hỗ trợ xây dựng 2 đập thủy lợi tại đây để bà con ổn định sản xuất, cuộc sống.

Dương Phong