1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Dân bất an vì nguy cơ “núi đè” sau mưa lũ

(Dân trí) - Tiên Phước là một trong những huyện miền núi của Quảng Nam bị sạt lở nặng trong cơn mưa lũ hồi đầu tháng 11 vừa qua. Đến nay, trên địa bàn một số xã, hàng chục hộ dân vẫn đang sống trong lo âu bởi nhà cửa có nguy cơ núi đè bất cứ lúc nào.

Tại khu dân cư (KDC) đồi Dương Lách (ở thôn 5 xã Tiên Hiệp) có 40 hộ, trong đó đến 19 hộ nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt rất cao vì KDC này đã và đang bị sạt lở. Đất đá đã đổ xuống sát nhà dân.

Quả đồi Dương Lách (ở thôn 5 xã Tiên Hiệp) sau nhà ông Quang đang bị trụt đất, sạt lở
Quả đồi Dương Lách (ở thôn 5 xã Tiên Hiệp) sau nhà ông Quang đang bị trụt đất, sạt lở

Ông Huỳnh Văn Quang (53 tuổi, hộ dân sinh sống tại KDC này) cho biết: “Tôi có 6 người con và lên đây lập nghiệp đã lâu, thời gian qua xảy ra sạt lở núi, đất đá đã đổ xuống sát nhà, tôi lo quá. Trận mưa lũ vào đầu tháng 11 vừa qua, quả núi sau nhà sạt lở xuống trong đêm, cả gia đình chúng tôi vô cùng hoảng sợ. Hiện con trai tôi có nhà mà không dám ở phải đi thuê, sợ lắm”.

Ông Quang là một trong hàng chục hộ dân ở đây sống trong lo sợ vì sạt lở. Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Long - Chủ tịch xã Tiên Hiệp – cho biết, thôn 4 và 5 của xã có 40 hộ sống trong vùng có nguy cơ sạt lở nhưng có 19 hộ có nguy cơ sạt lở cao nằm bìa đồi, sát nhân núi đồi Dương Lách. Hiện toàn xã có 28 hộ có nguy cơ sạt lở.

Sạt lở đất đã đẩy xuống tận tường nhà ông
Sạt lở đất đã đẩy xuống tận tường nhà ông

“Xã đã làm hồ sơ quy hoạch xen ghép các hộ có nguy cơ sạt lở đến các khu ở an toàn và gởi về huyện, tỉnh để xem xét giải quyết”, ông Long nói.

Tại xã Tiên An, một số điểm sạt lở cũng đe dọa cuộc sống của người dân. Chị Nguyễn Thị Thủy (32 tuổi, ở khu tái định cư 3 thuộc thôn 1, xã Tiên An) cho biết, gia đình chị có 4 nhân khẩu được tái định cư tại đây từ năm 2014.

Quả đồi ở khu tái định cư 3 thuộc thôn 1 (xã Tiên An) bị trụt đất đá
Quả đồi ở khu tái định cư 3 thuộc thôn 1 (xã Tiên An) bị trụt đất đá

“Trước đây gia đình tôi ở khu vực sạt lở của núi Đồi Voi được chính quyền cho tái định cư ở đây. Cứ nghĩ gia đình đã thoát nạn sạt lở núi, không ngờ trận lũ vừa qua, quả đồi sau nhà ập xuống đẩy luôn cả khu bếp ra khỏi vị trí xây dựng ban đầu. May mắn gia đình đã di chuyển đi lúc đó chứ không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, chị Thủy nói.

Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch huyện Tiên Phước - cho hay, không thể lường hết sự việc sạt lở núi do thiên tai mang đến. Ông Minh cho biết, trước đây bên núi Đồi Voi sạt lở nặng phải đưa bà con qua đây ở, không ai nghĩ quả đồi này sạt lở vì nó không có một dấu hiệu báo trước nào.

Nhiều hộ dân bị hư hỏng nhà cửa do đất đá sạt lở
Nhiều hộ dân bị hư hỏng nhà cửa do đất đá sạt lở

“Khi núi Đầu Voi bị sạt lở, huyện bố trí tại đây 10 hộ. Tầng đất cũng an toàn nhưng cơn mưa do bão số 12 lớn quá nên sạt lở tại đây quá nặng. Huyện cũng đang tính toán bỏ một nguồn kinh phí để múc hết đống đất đá này, tạo độ an toàn lớn nhất cho bà con”, ông Minh nói.

Trong cơn bão số 12 vừa qua, địa bàn huyện Tiên Phước bị thiệt hại nặng do mưa lũ cộng với thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ với lưu lượng lớn nên hầu hết các xã đều bị ngập chìm trong nước. Hơn một ngàn ngôi nhà phải di dời khẩn cấp, hàng chục ngôi nhà và gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn. Lũ lớn cũng làm gần 60.000 ha ruộng bị bồi lấp khiến người dân không thể canh tác. Tổng ước tính toàn huyện Tiên Phước thiệt hại khoảng 24,7 tỷ đồng.

Người dân lo âu với sạt lở núi

Ngày 22/12, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã đi thị sát vùng sạt lở ở một số xã của huyện Tiên Phước. Chứng kiến cảnh sạt lở khu tái định cư 3 thuộc thôn 1 (xã Tiên An) và khu dân cư đồi Dương Lách (thôn 5 xã Tiên Hiệp), ông Thu yêu cầu cần nhanh chóng tổ chức khảo sát, kiểm tra tất cả các khu vực có nguy cơ sạt lở núi, nhất là những khu vực có người dân đang sinh sống. Kiểm tra, quy hoạch lại để sớm ổn định đời sống người dân.

“Đây là vấn đề hết sức quan trọng mà toàn tỉnh hiện nay đang tập trung để giải quyết bào toán cho bà con nhân dân yên ổn. Tuy nhiên về mặt lâu dài cần phải rà soát lại toàn bộ tình hình các khu ở, khu dân cư, các công trình ở miền núi để có thể tìm ra một giải pháp để trước nhất đảm bảo điều kiện an toàn về nhà ở cho người dân, thứ 2 là an toàn cho công trình, thứ 3 là an toàn cho sản xuất”, ông Thu nói.

Ông Thu cũng cho hay, tỉnh đang chỉ đạo tập trung các địa phương phải rà soát lại các khu dân cư sạt lở và từng địa phương phải có một phương án căn bản hơn về vấn đề sắp xếp lại dân cư, gắn với ổn định cuộc sống của người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Công Bính