Hà Tĩnh:

Đại tướng và ký ức buồn với 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc

(Dân trí) - “Khi Đại tướng đi qua Ngã ba Đồng Lộc đầy bom đạn, những cô gái tuổi hồn nhiên anh dũng nói với Người: “Đại tướng đi nhanh lên kẻo máy bay địch ném bom”. Đại tướng không ngờ ít ngày sau, chính những cô gái tuổi đôi mươi ấy đã hi sinh”.

Cũng vì ký ức đặc biệt ấy mà sau này Đại tướng đã dành sự quan tâm rất lớn cho Ngã ba Đồng Lộc, để rồi Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại đã trở thành Khu di tích lịch sử cấp quốc gia, là nơi giáo dục không chỉ đối với thanh niên, tuổi trẻ mà còn đối với đồng bào cả nước về truyền thống cách mạng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên Trưởng ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, nay đã là Phó Bí thư huyện ủy huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) nói về ký ức đau buồn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước sự hi sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong và những đóng góp to lớn của Đại tướng trong quá trình xây dựng khu di tích cấp quốc gia Ngã ba Đồng Lộc.  

Là người vinh dự nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù năm tháng qua đi, nhưng ông Thắng không bao giờ quên được nụ cười hiền hậu, ánh mắt sáng ngời của người đại tướng kiệt xuất của cả dân tộc. “Nhiều lần được gặp Đại tướng, lần nào Người cũng có một sức hút lạ kỳ. Nụ cười hiền hậu, ánh mắt Đại tướng sáng ngời.
Video clip "Nghe lời Đại tướng các thế hệ chúng tôi đang giữ gìn Ngã ba Đồng Lộc" do PV Dân trí thực hiện
(Video có sự hỗ trợ của đồng nghiệp tại Đài truyền hình Hà Tĩnh)
 
Ông Thắng thuật lại câu chuyện mà lớp lớp đoàn viên ở nơi ông từng công tác vẫn thường được các bậc cha, chú kể lại: tháng 7 năm 1968 trong một lần vào chỉ đạo chiến trường Bình Trị Thiên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến Hà Tĩnh, đi qua ngã ba Đồng Lộc. Khi biết người đàn ông nhanh nhẹn nhưng rất đỗi hiền hậu, đôi mắt rực sáng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp các anh chị em đang hăng say làm việc tại ngã ba đầy mưa bom của kẻ địch đã ôm chầm lấy Đại tướng khóc nức nở. Những cô gái tuổi còn đôi mươi chỉ kịp ôm chầm lấy Bác trong chốc lát rồi đồng thanh nói với Đại tướng đi nhanh lên kẻo máy bay địch ném bom. Đại tướng không ngờ ít ngày sau đó chính những cô gái xinh tươi, hồn nhiên nhưng đầy dũng cảm ấy đã hi sinh trong trận đánh ngày 24/7/1968”.

Khi nghe tin 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc hi sinh anh dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghẹn ngào. Sau này mỗi lần nhắc đến Ngã ba Đồng Lộc lẫy lừng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn khắc ghi sự hi sinh cao cả của 10 nữ thanh niên xung phong ấy. Đại tướng nói rằng, tấm gương nghĩa hiệp của 10 nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc sẽ đời đời được tổ quốc ghi công.

Cũng vì ký ức đau buồn ấy mà Đại tướng đã dành cho Ngã ba Đồng Lộc một tình cảm đặc biệt. Ông Thắng thuật lại, để chuẩn bị nâng cấp nhà tưởng niệm, nhà truyền thống của lực lượng thanh niên xung phong, chúng tôi bàn là phải ra Hà Nội để xin Đại tướng chỉ đạo quá trình xây dựng Đài tưởng niệm. Đoàn của chúng tôi gồm tôi và anh Đậu Văn Côi, Bí thư Tỉnh đoàn ra nhà Đại tướng. Lúc vào đăng ký với văn phòng nhà Đại tướng, được biết anh em chúng tôi là người Hà Tĩnh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, đặc biệt là Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Bác rất ân cần, rất niềm nở, hỏi thăm sức khỏe, rồi dành cho chúng tôi một cái tính cảm rất là sâu nặng. Khi hỏi về Đồng Lộc thì Bác có nói, có dặn với chúng tôi là, Ngã ba Đồng Lộc là nơi để giáo dục không chỉ đối với thanh niên, tuổi trẻ mà còn đối với đồng bào cả nước về truyền thống cách mạng, vì thế các cháu phải cố gắng gìn giữ và phát huy. Nghe lời Đại tướng dặn lớp lớp các đoàn viên công tác tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc luôn phấn đấu hết sức, góp phần cùng cả nước chung tay xây dựng nên một khu di tích có tầm vóc như hôm nay.

“Dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về cõi vĩnh hằng, đã không còn có thể đặt bước chân đến Ngã ba Đồng Lộc thêm lần nào nữa, người dân Hà Tĩnh nói riêng và người dân cả nước nói chung vẫn luôn trân trọng, không thể nào quên những đóng góp, sự giúp đỡ to lớn của Đại tướng trong quá trình xây dựng, hình thành Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Chúng tôi mãi nhớ đến Người” - ông Thắng nói.

Văn Dũng - Hồng Việt