Đại tướng Lê Đức Anh và những trận đánh để đời

(Dân trí) - Trong ký ức của Đại tá Khuất Biên Hoà, trợ lý giúp việc nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và cũng là một người chép sử của Quân đội, Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo có tư duy, tầm chiến lược vĩ đại.

Chia sẻ với Dân trí, Đại tá Khuất Biên Hoà kể về những trận đánh quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh. Thắng lợi của những trận đánh lớn đó đã xoay chuyển cục diện chiến tranh.

Đại tướng Lê Đức Anh và những trận đánh để đời - 1

Đại tá Khuất Biên Hòa kể về những trận đánh lớn và quan trọng của Đại tướng Lê Đức Anh

Theo Đại tá Khuất Biên Hoà, thời kỳ chiến tranh chống Mỹ có 3 trận đánh lớn nhất mà chính tướng Lê Đức Anh (lúc đó là Tư lệnh phó kiêm Tham mưu trưởng của Quân giải phóng) đề xuất ý tưởng chiến đấu và đồng thời được giao chỉ huy trực tiếp.

Ba trận đánh lớn mang đậm dấu ấn của Đại tướng Lê Đức Anh

Trận thứ nhất là mùa khô thứ 2 năm 1966 - 1967. Tướng Lê Đức Anh trực tiếp chỉ đạo đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn-xi-ti của quân đội Mỹ và các nước chư hầu.

Khi đó, quân địch tiến đánh vào vùng giải phóng nhằm tiêu diệt chủ lực và cơ quan đầu não cuộc kháng chiến. Tướng Lê Đức Anh đề ra ý tưởng tổ chức trận đánh và được giao trực tiếp chỉ huy còn các cơ quan cơ bản của ta được yêu cầu sơ tán bên kia biên giới Tây Ninh là Campuchia.

Sau 2 mùa khô và đặc biệt là chiến dịch Gian-xơn-xi-ti thắng lợi, tướng Nguyễn Chí Thanh với bút danh Trường Sơn có bài tổng kết rất hay về 5 bài học tấn công chiến lược mùa khô. Khi TTXVN và Đài Tiếng nói Việt Nam đăng thông tin này thì các nước lớn đề nghị phát lại, mua bản quyền vì họ cho rằng chưa có một quốc gia, tướng quân sự nào mà một trận đánh lớn vừa đánh xong, khói súng chưa tan lại có bài tổng kết hay như thế.

Đại tướng Lê Đức Anh và những trận đánh để đời - 2

Sau đó, tướng Nguyễn Chí Thanh bay ra báo cáo với Cụ Hồ và Bộ Chính trị. Từ cuộc chiến tranh mùa khô thắng lợi, khi Mỹ bắt đầu phát động cuộc chiến tranh cục bộ trực tiếp xâm lược miền Nam thì ta mới đề ra chủ trương Tổng tiến công Mậu Thân để thực hiện vế thứ nhất trong tư tưởng chiến lược của Bác là "đánh cho Mỹ cút".  

Trận thứ 2 là trận phá âm mưu bình địa, tràn ngập lãnh thổ sau khi có Hiệp định Paris của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở địa bàn quân khu 9.

Trận thứ 3, khi tướng Trần Văn Trà (chỉ huy trưởng) ra trung ương họp bàn về vấn đề giải phóng miền Nam thì tướng Lê Đức Anh ở trong này được trao cờ chỉ huy. Dưới sự lãnh đạo của tướng Anh, lần đầu tiên Việt Nam giải phóng hoàn toàn một tỉnh Phước Long và đấy là đòn trinh sát chiến lược.

Đại tướng Lê Đức Anh và những trận đánh để đời - 3

Mỹ lúc đó đã rút và không dám quay trở lại. Nguỵ thì thấy yếu rất rõ. Ngoài kia đang bàn giải phóng miền Nam theo ý tưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn là 2 năm 1975 - 1976 thì được tin có trận thắng Phước Long này. Thấy địch phản ứng yếu ớt, Trung ương liền hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa, tức là trong vòng tháng 4, đầu tháng 5/1975.  

Quả nhiên đúng như thế, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Ngoài 3 trận đánh trên, Đại tá Khuất Biên Hoà cũng phân tích khá kỹ về vai trò, tầm quan trọng của cánh quân do tướng Lê Đức Anh chỉ huy, 1 trong 5 mũi tiến công trong chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào đầu não của địch là Dinh Độc lập.

Khi hình thành và thông qua quyết tâm thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh thì trung ương cử 2 Uỷ viên Bộ Chính trị vào là ông Văn Tiến Dũng (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) trực tiếp làm chỉ huy trưởng chiến dịch và ông Lê Đức Thọ (Trưởng Ban Tổ chức Trung ương) vào trong ban lãnh đạo chỉ huy chiến dịch.

Phương án tác chiến mà ban chỉ huy đề ra là hình thành 5 cánh quân - 5 mũi tiến công.

Vai trò của Đại tướng Lê Đức Anh trong chiến dịch Hồ Chí Minh

Cánh quân Tây Nam là 1 trong 5 hướng tiến công chủ lực nhưng nhiệm vụ của hướng này khó khăn nhất nhưng quan trọng nhất bởi hướng này đánh từ Đồng bằng sông Cửu Long đánh lên. Trong khi đó, địa hình Đồng bằng Sông Cửu Long kênh rạch chằng chịt, sình lầy...

Do tổng tiến công nên phải dùng pháo lớn, xe tăng, vũ khí hạng nặng mà di chuyển trong địa hình sình lầy, kênh rạch rất khó khăn.

Nhận định tình hình lúc đó, một lực lượng lớn quân địch ở Vùng 4 chiến thuật (tức miền Tây đô Cần Thơ) sẽ lên ứng cứu cho Sài Gòn, hoặc khi có nguy cơ thì đó sẽ là hướng di tản của quân đội Việt nam Cộng hoà, nguỵ quân nguỵ quyền sẽ về Tây đô và ra biển và được Mỹ đón sẵn. Nên nhiệm vụ quan trọng của hướng này là phải cắt đứt quốc lộ 4 (Sài Gòn - Cần Thơ) và cùng với các hướng khác tiến công dồn dập, mãnh liệt đúng thời gian.

Do địa hình khó khăn nhất nên cấp trên tin cậy giao cho Tư lệnh Lê Đức Anh chỉ huy. Lúc đó, ông Hai Tưởng, tức Lê Văn Tưởng là Chính uỷ, còn ông Võ Văn Kiệt là Bí thư Đảng uỷ.

Với kinh nghiệm đã trực tiếp chỉ huy Quân khu 9 ở giai đoạn sau Mậu Thân (1969 - 1973), tướng Lê Đức Anh đã chỉ huy quân và dân quân khu 9 đánh bại chiến dịch tràn ngập lãnh thổ của 75 tiểu đoàn nguỵ Sài Gòn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở giai đoạn trước nên tướng Lê Đức Anh rất có kinh nghiệm ở địa bàn này. Do đó, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, địa bàn khó khăn nhất được đặt trọng trách cho tướng Lê Đức Anh.

Có những nơi tướng Anh cảm động khi dân dỡ cả nhà, lấy gỗ, thậm chí là gỗ quý mang ra chắn bùn lầy cho xe tăng đi.

Có những chị như chị Sứ (sau này là anh hùng) lội ngập đến cổ vẫn chỉ huy dân quân suốt một ngày một đêm cùng giải quyết vượt sông cho bộ đội.

Đấy là kỷ niệm mà cánh quân của tướng Lê Đức Anh đánh từ Tây Nam lên, hoàn thành đúng yêu cầu, đúng vị trí các mục tiêu, đúng thời gian quy định.

Hướng của đoàn 232 cũng là một trong những hướng vào Dinh Độc lập của thời điểm trưa ngày 30/4/1975. Chỉ chênh nhau vài phút. Khi xe tăng của Quân đoàn 2 vào thì quân của tướng Lê Đức Anh cũng vào Dinh độc Lập.

Có một kỷ niệm sâu sắc mà trong hồi ký của Đại tá Khuất Biên Hoà viết là buổi sáng 29/4/1975, bình thường tướng Lê Đức Anh đặt hầm Sở chỉ huy của mình ngay sát bờ sông Vàm Cỏ, còn bên trong cách 20m là nhà nửa nổi nửa chìm của Chính uỷ Lê Văn Tưởng.

Sáng hôm ấy, bình thường vào ăn sáng xong thì ông ra sở chỉ huy, chuẩn bị sẵn sàng để chỉ huy đánh trận thì ông Tưởng bảo ông nằm võng của mình nghỉ vài phút rồi hẵng ra.

Tướng Anh nghe lời, vừa ngả lưng xuống thì ở ngoài có một quả bom thả xuống, nổ tung Sở chỉ huy.

"Nếu như hằng ngày, ăn xong ra Sở chỉ huy luôn thì mình cũng tiêu. Sát ngày giải phóng một ngày, chiến tranh có chừa ai. Cái ngẫu nhiên, tất nhiên, chả có quy luật nào cả. Hôm đó, nếu không nghe lời khuyên anh Tưởng và nằm lại võng của anh vài phút thì hôm nay không còn ngồi đây để viết hồi ký", Đại tá Khuất Biên Hoà kể lại lời của Đại tướng Lê Đức Anh.

Những lần thoát chết trong gang tấc của Đại tướng Lê Đức Anh

"Những năm cuối đời, cho đến hôm nay cụ đi về gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các lãnh đạo tiền bối của mình, cụ vẫn thường tâm sự với tôi rằng, cụ rất tin cậy ở lớp trẻ để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Những ngày cuối cùng của đời mình, trăm tuổi rồi nhưng cụ vẫn đau đáu vấn đề biển đảo, chủ quyền của Tổ quốc", Đại tá Khuất Biên Hoà nói.

Công Quang - Nguyễn Quang