Đại biểu QH lo ngại việc Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa có kết quả nghiệm thu

(Dân trí) - Trước sự cố Nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, Công ty nước sạch sông Đuống khánh thành khi chưa có kết quả nghiệm thu, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, nhà nước không nên “khoán trắng” cho doanh nghiệp tư nhân làm nước sạch.

Chiều 4/11, phát biểu ý kiến tại hội trường Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, về an ninh nước sạch, theo quyết định của Thủ tướng, nước sạch thuộc lĩnh vực nhà nước không cần nắm quyền chi phối, tỷ lệ sở hữu được giảm xuống còn dưới 50%; đến năm 2020, nhà nước có thể thoái vốn toàn bộ.
 
Số liệu của Hội cấp thoát nước Việt Nam cho thấy, hiện đã có hơn 100 doanh nghiệp nhà nước kinh doanh nước sạch thoái vốn trên 63 tỉnh, thành cả nước. Làn sóng mua bán các doanh nghiệp nước sạch diễn ra rầm rộ với sự vào cuộc của các đại gia trong nước và cả nước ngoài.
 
Ông Bình ví dụ như Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà mua lại Cty TNHH MTV nước sạch Vinaconex thuộc Bộ Xây dựng; hay có đơn vị đã mua hàng loạt Công ty tại nhiều địa phương như ở Hà Nội, Bình Thuận, Tây Ninh, Sóc Trăng, Long An...
Đại biểu QH lo ngại việc Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa có kết quả nghiệm thu - 1

Nhà máy nước mặt sông Đuống. (Ảnh: Đỗ Quân)

“Sự xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp tư nhân, đủ mọi ngành nghề biến thị trường nước sạch được định giá hàng chục tỷ đô la bị giành giật khốc liệt để lại nhiều hệ lụy tiêu cực”, ông Bình nói, đồng thời dẫn chứng chính sự cố nhà máy nước sạch sông Đà vừa qua.
 
Theo ông Bình, sự cố nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải làm đảo lộn cuộc sống, đe dọa sức khỏe của hàng vạn người dân Thủ đô, bộc lộ nhiều yếu kém. Sự việc cũng cho thấy tắc trách của doanh nghiệp cũng như chính quyền từ Trung ương đến địa phương khi đá trách nhiệm cho nhau, lúng túng trong giải quyết hậu quả.
 
“Không chỉ nhà máy nước sạch sông Đà, 4 ngày trước lễ khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1), Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cũng đã gửi văn bản cảnh báo nhà máy này chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, kết quả thử áp, chưa bổ sung đầy đủ các chủng loại ống”, đại biểu Bình lo ngại.
 
Trước thực trạng trên, ông Bình kiến nghị Chính phủ không nên thoái vốn toàn bộ mà cần phải có lộ trình và phải nắm một phần vốn nhất định trong các công ty cấp nước. Bởi theo ông Bình nước sạch là một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người và phát triển kinh tế xã hội.
 
“Đây cũng là quyền con người đã được hiến định trong hiến pháp. Do đó việc đảm bảo nước sạch cho cộng đồng phải là của nhà nước, không thể giao trách nhiệm cho một hay một nhóm doanh nghiệp làm thay”, ông Bình nói.
 
Mặt khác, ông Bình cho rằng, nếu để doanh nghiệp tư nhân kiểm soát toàn bộ hệ thống nước sạch từ sản xuất, phân phối đến bán lẻ cho người dân trong khi khung pháp lý, hệ thống chính sách chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp và còn nhiều lỗ hổng sẽ để lại những hậu quả khôn lường.
 
“Chính vì vậy, đối với các doanh nghiệp trước đã có vốn dưới 50% sẽ giữ nguyên, còn đối với các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa thì nhà nước vẫn nên giữ cổ phần trên 50%. Có như vậy mới đảm bảo an ninh nguồn nước sạch cho người dân”, ông Bình nói.
 
Trước đó, ngày 24/10, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1), Cục Giám định đã tiến hành một số lần kiểm tra công tác quản lý chất lượng, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình và đã thông báo kết quả gửi chủ đầu tư. 
 
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, thời điểm kiểm tra Nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn vận hành bình thường. Tuy nhiên, qua một số lần kiểm tra, chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống...
 
“Chủ đầu tư đang tập hợp, hoàn thiện hồ sơ có liên quan. Do vậy, Cục Giám định chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư”, Cục Giám định nêu rõ quan điểm.
 
Quang Phong