Đại biểu chất vấn Thủ tướng về Biển Đông

(Dân trí) - “Nội dung 8 câu hỏi gửi tới Thủ tướng Chính phủ rất rộng, liên quan đến tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội. Trong số đó cũng có vấn đề liên quan đến Biển Đông” - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Ngày 4/6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn từ ngày 11-13/6, gồm: Bộ trường NNPT&NT, Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

Trong danh sách Ủy ban Thường vụ Quốc hội gợi ý 5 Bộ trưởng trả lời chất vấn gồm Bộ NN&PTNT, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo. Đến thời điểm này, Quốc hội đã chính thức chọn được 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn hay chưa?

Theo quy trình lựa chọn, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí, chính thức chọn ra 4 Bộ trưởng bao gồm: Bộ NN&PTNT, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, một số Bộ trưởng, trưởng ngành liên quan giải trình làm rõ những vấn đề cùng 4 Bộ trưởng trên.

Việc lựa chọn 4 Bộ trưởng trên căn cứ theo phiếu thăm dò ý kiến của các đại biểu từ cao xuống thấp. Lựa chọn này cũng dự theo nguyên tắc phải đảm bảo hài hòa giữa kinh tế - xã hội, trong nhóm này có 3 Bộ trưởng thuộc lĩnh vực kinh tế, còn Bộ trưởng thuộc lĩnh vực xã hội được đại biểu lựa chọn là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (Ảnh Việt Hưng)

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (Ảnh Việt Hưng)

Căn cứ theo phiếu thăm dò xin ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng nào được đề xuất thêm trả lời chất vấn nhiều nhất?

Không có nhiều phiếu đại biểu đề xuất thêm Bộ trưởng trả lời chất vấn. Người cao nhất trong số đó có 6 phiếu, như vậy theo danh sách gợi ý của Ủy ban Thường vụ đề xuất như vậy là rất ít.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng sắp hết, quan sát cho thấy có một số Bộ trưởng chưa lần nào đăng đàn như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ngoại giao. Tại sao Quốc hội không đề xuất những Bộ trưởng này mà lại đưa những Bộ NN&PTNT, Giáo dục và Đào tạo đã xuất hiện nhiều lần, tiếp tục ra trả lời chất vấn kỳ này?

Một nguyên tắc rất quan trọng, phải có đại biểu gửi câu hỏi chất vấn thì mới đưa Bộ trưởng ra trả lời chất vấn. Vừa qua Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ngoại giao hay có nhiều vấn đề nhưng họ không nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu thì không có cơ sở mời Bộ trưởng đó trả lời chất vấn được.

Nhiều đại biểu cho rằng, nếu định chất vấn Bộ trưởng nào thì không nhất thiết họ phải gửi văn bản đề nghị, còn nếu đã có văn bản đề nghị trả lời thì không nhất thiết họ lại phải chất vấn trên hội trường nữa. Do vậy, theo đại biểu nếu căn cứ 3 tiêu chí lựa chọn phải có văn bản gửi câu hỏi đến Bộ trưởng mới được lựa chọn trả lời chất vấn là chưa phù hợp?

Ngay đầu kỳ họp đã thiết kế mẫu để xin ý kiến đại biểu đăng ký nêu vấn đề cần chất vấn. Khi Quốc hội làm việc được khoảng 10 ngày thì đoàn thư ký tổng hợp lại những là phiếu mà đại biểu nêu vấn đề chất vấn. Kiểm phiếu không thấy đại biểu nào đặt câu hỏi liên quan đến các Bộ trưởng trên.

Theo tổng hợp của đoàn thư ký kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được 8 câu hỏi chất vấn. Xin ông cho biết, những câu hỏi gửi đến Thủ tướng tập trung chủ yếu vào vấn đề gì, có câu hỏi nào liên quan đến Biển Đông hay không?

Nội dung 8 câu hỏi gửi tới Thủ tướng Chính phủ rất rộng, liên quan đến tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội. Trong số đó cũng có vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Theo thông lệ kỳ họp cuối năm, Thủ tướng thường ủy quyền cho một Phó Thủ tướng trả lời trước Quốc hội. Nhưng một số đại biểu cho rằng, khi có những vấn đề nóng được đại biểu, cử tri lo lắng, người đứng đầu Chính phủ trả lời thì tốt hơn. Theo ông Thủ tướng có nên đăng đàn tại kỳ họp này không?

Chúng tôi rất mong Thủ tướng trả lời, nhưng trong thiết kế ghi rõ Thủ tướng có thể ủy quyền cho một Phó Thủ tướng. Như vậy, những câu hỏi gửi đến Thủ tướng, Thủ tướng có thể ủy quyền cho một Phó Thủ tướng trả lời. Với cá nhân tôi rất mong Thủ tướng trả lời câu hỏi đại biểu Quốc hội.

Được biết sau khi thăm dò đại biểu, Quốc hội sẽ thống nhất với Thủ tướng mới đưa ra những vấn đề chất vấn. Vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đề nghị Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp trong kỳ này hay không?

Quốc hội có đề nghị Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn nhưng vẫn mở ngoặc đơn, Thủ tướng có thể ủy quyền cho Phó Thủ tướng trả lời.

Trong khi kỳ họp thứ 8, Quốc hội dành 3 ngày chất vấn - trả lời chất vấn các Bộ trưởng, vậy tại sao kỳ này chỉ dành 2,5 ngày?

Theo thông lệ thiết kế, Quốc hội dành 2,5 ngày chất vấn – trả lời chất vấn, trong đó 2 ngày dành cho các Bộ trưởng, nửa ngày còn lại dành cho Thủ tướng Chính phủ. Riêng kỳ họp thứ 8, do rà soát lại việc giám sát, trả lời chất vấn, thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng từ kỳ họp thứ 6, 7 và 8 nên dành thêm một ngày nữa để một người trong thành viên Chính phủ báo cáo những việc Bộ trưởng đã làm.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong