Đà Nẵng lo ngại tình trạng ăn xin bùng phát

(Dân trí) - Thời gian gần đây, tình hình ăn xin biến tướng, bán hàng rong, chèo kéo khách, lợi dụng trẻ em người khuyết tật bán kẹo kéo, vé số kết hợp ăn xin… xuất hiện trở lại ở một số khu vực tại Đà Nẵng.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Hùng Hiệp - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng tại Hội nghị về Công tác an toàn giao thông, trật tự đô thị tổ chức ngày 16/4.

Theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, Sở đã chỉ đạo Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn tăng cường bố trí lực lượng phối hợp với các địa phương kiểm tra phát hiện và xử lý đối tượng vi phạm tại các khu vực công cộng, công viên, khu vực chùa, nhà hàng…

Kết quả, đã nhắc nhở, cảnh cáo 220 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định, sử dụng người khuyết tật để bán hàng. Riêng trong đợt lễ hội Quán Thế âm vừa qua đã xử lý 180 trường hợp, trong đó xử lý 11 đối tượng xin ăn, biến tướng xin ăn và 11 đối tượng tâm thần đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội và Trung tâm điều dưỡng người tâm thần.

Đà Nẵng lo ngại tình trạng ăn xin bùng phát
Tình trạng xin ăn biến tướng, bán hàng rong chèo kéo khách trên địa bàn Đà Nẵng có nguy cơ bùng phát trở lại
 
Bên cạnh đó, lực lượng công an phối hợp với các quận, huyện lập hồ sơ xử lý các đối tượng xin ăn biến tướng, bán hàng rong chèo kéo khách, bán hàng rong sử dụng tiếng ồn; đồng thời tiến hành điều tra, xác minh xử lý đối với các đối tượng có hành vi tổ chức, xúi giục lôi kéo hoặc lợi dụng người khuyết tật, trẻ em bán hàng rong chèo kéo khách.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, nhìn chung các đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động ngăn chặn, xử lý tình trạng xin ăn biến tướng, bán hàng rong… do đó tình hình tại các tuyến đường và khu vực trọng điểm, các khu danh thắng có đông khách du lịch, các chùa, chợ… số lượng đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cũng lo ngại trong thời gian gần đây tình hình xin ăn biến tướng, lợi dụng trẻ em khuyết tật bán hàng rong xuất hiện ở một số khu vực, tuyến đường như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh, Trần Hưng Đạo, đèo Hải Vân, các chợ Cồn và Đống Đa cùng các chùa như Bà Đa, Pháp Lâm, Bát Nhã…

“Tồn tại trên do chỉ đạo của một số địa phương chưa thật sự quyết liệt; việc giải quyết đối tượng chưa có giải pháp triệt để nên phần lớn chỉ tạm lánh hoặc dạt về các khu vực vùng ven và sẵn sàng quay trở lại các địa bàn trọng điểm khi vắng lực lượng chức năng kiểm soát”, ông Nguyễn Hùng Hiệp cho biết.


Ông Nguyễn Hùng Hiệp cũng cho rằng, đa số đối tượng xin ăn biến tướng, lang thang đánh giày cư trú không cố định nên gây khó khăn cho các địa phương khi rà soát, lập danh sách vận động chuyển đổi ngành nghề.


Ông Hiệp đề nghị với các địa phương vào các ngày lễ, tết… chủ động trao đổi với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn và nhà hảo tâm có nguyện vọng tặng quà cho các đối tượng xã hội phải có kế hoạch trao quà phù hợp, tránh tình trạng huy động đối tượng xã hội tập trung quá đông về các chùa làm ảnh hưởng đến giao thông và mỹ quan đô thị.


Ngoài ra, ông cũng đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương có đối tượng xin ăn biến tướng, bán hàng rong chèo kéo khách cần có giải pháp đồng bộ để vận động và hỗ trợ gia đình, bản thân đối tượng chuyển đổi việc làm phù hợp.


Để ngăn ngừa tình trạng xin ăn bùng phát, ông Nguyễn Hùng Hiệp cho biết: “Tập trung mở đợt cao điểm xử lý tình trạng sử dụng trẻ em, người khuyết tật bán hàng rong, xin ăn biến tướng, dùng loa phóng thanh gây tiếng ồn, chèo kéo, mồi chài gây phiền hà cho du khách vào các ngày giải phóng miền Nam (30/4), Quốc tế Lao động (1/5) và ngày Đại lễ Phật đản (11-13/5) sắp tới”.

 

Công Bính