Đà Nẵng kiến nghị bỏ phạt tiền hành vi bạo lực gia đình

(Dân trí) - Theo Sở Văn hoá - Thể thao TP Đà Nẵng, chế tài phạt tiền người chồng hoặc vợ khi có hành vi bạo hành chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề tài chính mà nạn nhân lại là người gánh chịu. Thay vào đó, có thể dùng hình thức xử phạt khác như lao động công ích tại địa phương.

Ngành văn hoá Đà Nẵng kiến nghị bỏ chế tài phạt tiền người chồng hoặc vợ có hành vi bạo hành trong gia đình, thay vào đó là phạt lao động công ích
Ngành văn hoá Đà Nẵng kiến nghị bỏ chế tài phạt tiền người chồng hoặc vợ có hành vi bạo hành trong gia đình, thay vào đó là phạt lao động công ích

Sáng 17/10, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sau đây gọi tắt là Luật). Dịp này, Đà Nẵng tổ chức khen thưởng các đơn vị, tập thể, cá nhân tiêu biểu trong nỗ lực thực thi Luật hiệu quả.

Đà Nẵng khen thưởng các đơn vị, tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực thi phòng chống bạo lực gia đình
Đà Nẵng khen thưởng các đơn vị, tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực thi phòng chống bạo lực gia đình

Tại Hội nghị, Sở Văn hoá - Thể thao TP đã có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật. Theo đó, qua thực tiễn thực thi Luật, Sở nêu ra một số bất cập và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật, bao gồm:

Tại Khoản 2, Điều 1 Luật PCBLGĐ quy định: “BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về vật chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”, tuy nhiên, Luật lại không giải thích khái niệm “thành viên gia đình” nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

09 hành vi BLGĐ được liệt kê tại Điều 2 Luật PCBLGĐ năm 2007 là quá chung và không đầy đủ. Điều này dẫn đến tình trạng người thực hiện hành vi bạo lực cũng không biết mình đang thực hiện hành vi BLGĐ, đồng thời nạn nhân cũng khó xác định được đâu là hành vi BLGĐ để tố cáo hay yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp.

Có thể bỏ chế tài phạt tiền người chồng hoặc vợ khi có hành vi bạo hành mà dùng hình thức khác như lao động công ích tại địa phương. Nếu phạt chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề tài chính mà nạn nhân lại là người gánh chịu, như vậy sẽ không đạt được mục đích của biện pháp chế tài hành chính này.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn giao Sở Văn hóa Thể thao chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đoàn thể đề xuất UBND thành phố kiến nghị Trung ương bổ sung, điều chỉnh những vấn đề còn bất cập trong Luật để việc thực thi Luật trong thời gian đến sát với tình hình thực tế tại cơ sở và quy định rõ trách nhiệm cho các ngành liên quan.

Hội nghị cũng ghi nhận những kết quả đáng ghi nhận qua 10 năm thực thi Luật cũng các chính sách, biện pháp đi kèm. Theo đó, qua 10 năm, số vụ bạo lực gia đình mỗi năm giảm dần. Năm 2009, Đà Nẵng ghi nhận gần 340 vụ bạo lực gia đình; đến năm 2017, chỉ còn 172 vụ và 6 tháng đầu năm nay, mới có 58 vụ.

Hỗ trợ giới thiệu việc làm, giảm nghèo là những giải pháp hiệu quả phòng chống bạo lực gia đình cùng với việc thực thi Luật. Bình quân mỗi năm, Thành phố giải quyết việc làm cho 31.000 - 32.000 lao động, hạ tỉ lệ lao động thất nghiệp từ 4,9 % năm 2008 xuống còn 3,6% vào cuối năm 2017. Giai đoạn 2008-2018, bằng nhiều giải pháp, Thành phố đã giúp cho 81.713 hộ vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, giải pháp thành lập tổ hoà giải, góp ý, phê bình hành vi bạo lực gia đình tại cộng đồng cũng góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình.

Khánh Hiền