Đã có... 11 người đứng đầu phải "chịu trách nhiệm" vì tham nhũng

(Dân trí) - Báo cáo của Chính phủ cho thấy, có 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xem xét, xử lý trách nhiệm, trong đó 6 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo; 5 người đang được xem xét để có các hình thức xử lý.

Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện.
Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện.

Chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 vừa được Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội, đã có hơn 1 triệu người hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2015 đạt tỷ lệ 99,1% so với số người phải kê khai. Trong đó, có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập.

"Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm, chỉ một số ít được yêu cầu xác minh là do trong quá trình công khai có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền chưa phát hiện trường hợp vi phạm", báo cáo cho hay.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, quy định về việc nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi, thiếu quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm. Việc thực hiện quy định này chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế rất khó kiểm soát, khó phát hiện vi phạm do phụ thuộc nhiều vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức. Trong năm 2016 chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.

Báo cáo với Quốc hội, Chính phủ cho biết, qua tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của gần 2.900 cơ quan, tổ chức tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, từ đầu năm đến nay đã phát hiện và xử lý 119 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác hơn 8.800 lượt cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực và địa bàn gặp nhiều khó khăn do các quy định về vấn đề này chưa sát với đặc điểm tình hình, cần được xem xét điều chỉnh.

Trong năm, các cơ quan nhà nước đã thực hiện giải trình 17/17 yêu cầu. Có 10 người bị tạm đình chỉ công tác, tạm chuyển vị trí công tác khác do vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng (Bộ Tài Chính: 4 người; Sơn La: 3 người; Quảng Nam: 2 người; Gia Lai: 1 người).

Đáng chú ý, có 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xem xét, xử lý trách nhiệm (Bộ Tài Chính: 4 người; Quảng Ngãi: 2 người, Tây Ninh: 2 người; TP. Hồ Chí Minh: 1 người; Thừa Thiên Huế: 1 người ), trong đó 6 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo; 5 người đang được xem xét để có các hình thức xử lý.

Việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến, gây khó khăn cho việc phát hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền, tham nhũng...
Việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến, gây khó khăn cho việc phát hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền, tham nhũng...

Tẩu tán tài sản ở nước ngoài, khó thu hồi

Đánh giá về tình hình, công tác phòng chống tham nhũng, Chính phủ cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Công tác phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều. Không ít địa phương đã thực hiện chưa tốt công tác này.

Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Quy định và việc thực hiện quy định nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi, hiệu quả thấp, cần phải có quy định cụ thể chế tài xử lý và thể chế hóa bằng pháp luật.

Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức ở một số bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật còn chưa thường xuyên, hình thức, chưa kiên quyết, còn có hiện tượng nể nang, e ngại cán bộ thuộc diện chuyển đổi vị trí phản ứng, thiếu kiểm tra, thanh tra việc thực hiện.

"Có những vị trí chuyển đổi khó thực hiện, có nơi còn có biểu hiện lợi dụng việc chuyển đổi vị trí công tác để trù dập người khác hoặc trục lợi cá nhân", bản báo cáo nêu.

Chính phủ cũng cho rằng, số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị.

Ngoài ra, việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến, gây khó khăn cho việc phát hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền, tham nhũng... Tuy nhiên, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng về công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Lý giải về việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, Chính phủ cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn, phải có thời gian để tổ chức xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm.

"Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng thi hành án. Mặt khác, do các cơ quan chức năng chưa quyết liệt, triệt để trong việc kê biên, xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; một số vụ án gặp khó khăn khi phải thu hồi tài sản ở nước ngoài...", theo báo cáo.

Bích Diệp