Thanh Hóa:

Cuộc sống mới của “cụ bà lo chết không có chỗ chôn”

(Dân trí) - Ở trong chiếc thuyền cũ nát, ẩm thấp, hàng ngày lênh đênh trên sông nên cụ Thủy thường xuyên ốm đau, sức khoẻ dần yếu đi. Sau nhiều lần vận động, cuối cùng cụ Thủy cũng nhận lời vào Trung tâm bảo trợ xã hội để được chăm sóc những ngày cuối của cuộc đời.

Chị Trịnh Thanh Thủy, cán bộ chính sách phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa cho phóng viên Dân trí biết, cụ Nguyễn Thị Thủy (96 tuổi), sống ở làng chài Thành Công, phường Đông Thọ nhân vật trong bài viết “Cụ bà 95 tuối sống đơn độc trên thuyền, lo chết không có chỗ chôn” đăng trên báo Dân trí ngày 11/8/2014 hiện không còn phải sống trên chiếc thuyền nhỏ, cũ nát lênh đênh trên sông nước nữa.

Cụ Thủy trong nơi ở mới tại Trung tâm bảo trợ số 2 tỉnh Thanh Hóa.
Cụ Thủy trong nơi ở mới tại Trung tâm bảo trợ số 2 tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, sau khi báo Dân trí phản ánh, ngoài sự quan tâm của độc giả cả nước dành cho cụ Thủy thì các ban ngành đoàn thể của phường Đông Thọ đã vào cuộc, vận động cụ Thủy vào sống trong trung tâm bảo trợ xã hội để không còn phải sống cảnh đơn độc, lênh đênh trên sông nước.

Chị Thủy chia sẻ: “Phải mất một thời gian dài chúng tôi mới vận động và đưa được cụ Thủy lên bờ để đến trung tâm bảo trợ. Lúc đầu cụ cương quyết không chịu đi vì cụ không muốn rời xa nơi ở mà mình đã gắn bó gần hết đời. Ở đó có bà con làng chài ngày đêm sớm tối sum vầy, cụ sợ lên bờ rồi không biết bao giờ mới quay về làng chài được. Khi đưa cụ đi, cụ cứ quay lại nhìn mãi về xóm chài của mình”.

Cụ Thủy trong nơi ở mới tại Trung tâm bảo trợ số 2 tỉnh Thanh Hóa.
Cụ Thủy bên người bạn mới cùng phòng, cùng cảnh ngộ như mình động viên nhau để sống những ngày cuối đời.

Chúng tôi đã tìm đến căn phòng mới nơi cụ ở, rộng hơn 20m2 có 3 chiếc giường, nhà vệ sinh và nhà tắm chung ở trung tâm bảo trợ. Ngoài cụ Thủy thì còn có thêm hai cụ già cùng cảnh ngộ sống tại đây. Thấy có người đến thăm hỏi, dù không biết là ai do đôi mắt đã mờ nhưng cụ Thủy vẫn gắng nhìn rõ xem có phải người quen của mình không.

So với những lần gặp trước, lần này chúng tôi nhận ra rõ thần sắc của cụ Thủy đã tốt hơn rất nhiều. Mái tóc trên đầu cụ Thủy đã bạc trắng được buộc gọn gàng, làn da của cụ Thủy nhìn trắng và khỏe hơn rất nhiều so với những ngày còn ở trên thuyền...

Cụ Thủy trong nơi ở mới tại Trung tâm bảo trợ số 2 tỉnh Thanh Hóa.
Mỗi khi nhớ về làng chài, cụ Thủy lại ra ô cửa sổ ngóng về phía xa xăm để nhớ về những hàng xóm cũ của mình.

Cụ bảo: “Giờ già rồi, ăn uống có được mấy nữa đâu, sống được thế này là khỏe, là tốt lắm rồi. Mỗi ngày chỉ ăn được một bát cơm thôi, răng yếu lắm không nhai được nhiều nữa”.

Trước kia cụ Thủy phải sống trên chiếc thuyền cũ nát, lênh đênh trên sông nước. Mỗi tháng chỉ sống bằng số tiền trợ cấp là 180 nghìn đồng. Khi hết tiền, ai cho gì cụ ăn nấy. Hàng xóm làng chài ai cũng thương cụ nhưng đều phải bận việc mưu sinh nên cũng thi thoảng mới qua thăm cụ được. Chính vì thế nên lúc nào cụ Thủy cũng chỉ lủi thủi một mình trong chiếc thuyền nhỏ chưa đầy 10m2.

Cụ Thủy trong nơi ở mới tại Trung tâm bảo trợ số 2 tỉnh Thanh Hóa.
 Khi chia tay, cụ Thủy gửi hỏi thăm của mình qua phóng viên đến bà con làng chài nơi ở cũ của mình.

Từ ngày vào ở trong trung tâm bảo trợ dù chưa quen nhưng cụ Thủy cũng có người để bầu bạn, chia sẻ. Hàng ngày, cụ Thủy cùng những người bạn già ở cùng phòng, phòng bên cùng cảnh ngộ với mình qua lại hỏi han, chuyện trò, chia sẻ cho nhau từng miếng cau, miếng trầu…

“Già yếu chân cẳng đi lại không được chỉ ở trong phòng thôi. Các cô (nhân viên trung tâm) ấy cũng không cho ra ngoài vì sợ tôi đi bị ngã. Đến bữa nhờ người lấy cơm mang đến cho. Ở đây đi lại trong phòng thoải mái hơn ở thuyền, ăn uống cũng không phải lo lại có nước tắm giặt thoải mái nữa”, cụ Thủy tâm sự.

Khi chúng tôi nhắc đến việc cụ có muốn quay trở lại làng chài nữa không. Cụ Thủy bảo: “Cũng muốn về lắm nhưng không ai cho tôi về, giờ về phải báo cáo các cô các chú ở đây. Tôi cũng muốn về thăm bà con tý cho đỡ nhớ”.
 

 
Được biết, sau khi cụ Thủy đồng ý cho chính quyền địa phương đưa vào trung tâm bảo trợ để sống, các giấy tờ, chính sách có liên quan của cụ Thủy tại địa phương cũng đã được chuyển cho trung tâm quản lý.

“Mỗi tháng, chúng tôi cũng thường xuyên đến thăm và động viên để cụ sống vui vẻ, ổn định ở trung tâm để cụ không phải lo lắng. Hi vọng cụ Thủy sẽ có những ngày sống vui vẻ ở trung tâm cho đến hết cuộc đời mình”, chị Trịnh Thanh Thủy tâm sự.

Thái Bá