Cuộc sống của những đứa trẻ “sống thì nuôi, chết thì phải chịu”

(Dân trí) - Cuộc sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài nên những trò giải trí đối với những đứa trẻ Đan Lai ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát chỉ là ước mơ xa xỉ. Bởi vậy, đối với chúng, ngày Tết Thiếu nhi cũng chỉ như những ngày bình thường khác mà thôi.

Những đứa trẻ Đan Lai èo uột vì nghèo đói và hủ tục.
Những đứa trẻ Đan Lai èo uột vì nghèo đói và hủ tục.

Nhắc đến Đan Lai người ta nghĩ ngay đến đói nghèo, lạc hậu, tảo hôn và nhiều hủ tục khác. Đai Lai là một tộc người sinh sống ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, tập trung chủ yếu bên cạnh dòng sông Giăng (xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An). Người Đan Lai còn được biết đến là tộc người “ngủ ngồi” bởi cách hình thành dòng tộc hết sức khốn khó và đau thương của họ.

Sống ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, sống giữa thiên nhiên giàu có và hào phóng nhưng người Đan Lai vẫn nghèo. Cái nghèo, cái đói cứ như sợi dây vô hình, nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và người chịu tác động mạnh mẽ nhất bởi cái nghèo vẫn là những đứa trẻ vừa sinh ra đã phải chịu thử thách qua dòng nước Khe Khặng dù bất kể mùa đông hay mùa hè. Thiếu kiến thức, thiếu thuốc men nên người Đan Lai vẫn duy trì cách “phòng bệnh” không giống ai ấy chăng? Tôi vẫn còn ám ảnh bởi câu
trả lời của cụ La Thị Mếnh (83 tuổi, bản Khe Búng): “Đứa trẻ Đan Lai nào sinh ra cũng phải nhúng xuống nước lạnh. Đứa nào sống thì nuôi, chết thì phải chịu”.

Quần áo, giày dép đối với các cháu đôi khi là những thứ xa lạ.
Quần áo, giày dép đối với các cháu đôi khi là những thứ xa lạ.

Vượt qua hàng chục cây số đường đèo dốc, lội qua 5 khe suối, chúng tôi mới vào được bản Khe Búng – nơi tận cùng của người Đan Lai ở Môn Sơn. Dù bao bọc trong hệ sinh thái xanh mướt của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An nhưng thời tiết vẫn khá nắng nóng. Những đứa trẻ Đan Lai lê la chơi đất ở trước nhà, thấy người lạ liền xô nhau chạy vào nhà rồi ngó đôi mắt to, đen láy nhìn ra cười khúc khích.

Món quà vặt của chúng đơn giản là những thứ quả dại trong rừng.
Món quà vặt của chúng đơn giản là những thứ quả dại trong rừng.

Mặt trời lên chói chang, nắng như đội lửa lên mái đầu khiến những vị khách như chúng tôi hoa hết cả mắt. Ấy vậy mà những đứa trẻ Đan Lai vẫn đầu trần, thậm chí là trần truồng chạy nhảy dưới nắng. Chơi chán, chúng kéo nhau nhảy ùm xuống khe vùng vẫy. Liệu có phải được thử thách với thiên nhiên khắc nghiệt ngay từ khi mới lọt lòng mà dường chẳng có gì có thể quật ngã chúng?

Trẻ con ở Đan Lai có lẽ chẳng lạ gì những đoàn khách vẫn đến bất chợt như thế này nữa. Cứ đều đặn mỗi năm, hết các đoàn công tác của huyện, của tỉnh lại có dăm ba đoàn từ thiện từ dưới Tp Vinh lên. Lần nào đến, trên vai các vị khách cũng đầy quần áo, bánh kẹo và sách vở.

... hay chỉ là gói xúp mì tôm.
... hay chỉ là gói xúp mì tôm.

Sách vở không thiếu, đi học hoàn toàn miễn phí, ở bản có hẳn điểm trường khang trang ấy vậy nhưng cái sự học ở nơi tận cùng con sông Giăng này chẳng hề “xuôi chèo mát mái”. Rất nhiều trẻ con Đan Lai chỉ học đến hết lớp 5 rồi nghỉ. Muốn học lên cao phải ra trung tâm xã cách đó đến non 30 cây số đường đèo dốc, đi bộ cũng mất cả ngày đường. Mà chúng đi học rồi, ai ở nhà trông đàn em trứng gà trứng vịt? Bởi vậy con chữ nhọc nhằn có được lại trôi tuột xuống dòng Khe Khặng, còn chúng lại rơi vào cảnh tái mù chữ.

... hay chỉ là gói xúp mì tôm.
Đẻ dày, đẻ nhiều khiến những đứa trẻ Đan Lai không đủ cơm ăn, áo mặc. Trong ảnh là 5 trong 6 đứa con của bà mẹ 29 tuổi La Thị N.

Căn nhà của bà mẹ trẻ La Thị N. (điểm lẻ bản Cồn) nằm sát đường đi. N. nằm trên giường, ngó mắt qua cửa sổ, chẳng biết đang nghĩ gì. Dưới đất, hai đứa trẻ lê la chơi với nhau. N. năm nay 29 tuổi nhưng có tận 6 đứa con, đứa nọ cách đứa kia nửa cái đầu. Giữa mùa hè, con của N. đứa thì chẳng có quần mà mặc, đứa thì mặc cái áo cổ lọ nhìn đến phát sốt nhưng điểm giống nhau là đứa nào cũng đen cháy, khuôn mặt lem luốc nhìn đến tội.

Còn đây là 3 đứa con của bà mẹ 18 tuổi La Thị T.
Còn đây là 3 đứa con của bà mẹ 18 tuổi La Thị T.

Hỏi N. sao đẻ nhiều thế, cô chỉ cười. Hỏi con học lớp mấy rồi, N. trả lời “Nả biết” (không biết – PV). Như bao nhiêu phụ nữ Đan Lai khác, N. chỉ việc lấy chồng rồi đẻ, nuôi con, hết đứa này đến đứa khác còn gánh vác kinh tế là chuyện của chồng. Bởi vậy nhà N. chưa năm nào thoát khỏi cảnh thiếu đói. Và tất nhiên, những đứa con của N.cũng chẳng biết đến bữa ăn no, biết đến quần áo đẹp.

Tôi nhớ những lời tâm sự buồn rầu của La Thị L. (SN 1998, bản Khe Búng). L. lấy chồng năm 14 tuổi. 15 tuổi sinh con gái đầu lòng, hiện giờ chuẩn bị sinh đứa thứ 2. 6 tháng tuổi, con của L. đã biết ăn dặm nhưng thức ăn dặm của nó là sắn luộc. L. cứ bóp vụn mẩu sắn ra đút vào miệng con, đứa bé cứ lừa đi lừa lại thứ thức ăn ấy trong miệng rồi nuốt vào dạ dày và cứ thế lớn lên.

Còn đây là 3 đứa con của bà mẹ 18 tuổi La Thị T.
Tách biệt với thế giới bên ngoài nên trò chơi duy nhất của những đứa trẻ Đan Lai là trông em giúp mẹ.

“Bé có được uống sữa không?” – tôi hỏi, L. cười buồn “không chị ạ”. Mới nhỏ xíu thế mà cho ăn sắn, không sợ nó say à? - “Không can chi mô. Nó ăn từ hồi bé mà. Bố mẹ ăn được thì nó ăn được thôi”. Cái triết lý “bố mẹ ăn được thì con ăn được” khiến con gái của L. và rất nhiều đứa trẻ Đan Lai mà tôi gặp đều “bụng ỏng đít beo” duy chỉ có đôi mắt – đôi mắt ám ảnh những ai từng đặt chân đến đây – đôi mắt đen thăm thẳm với hàng mi dài rợp, ngơ ngác và lạ lẫm với tất cả những thứ từ bên ngoài vào.

Những đứa trẻ Đan Lai lớn lên bằng sắn hoặc cháo trắng.
Những đứa trẻ Đan Lai lớn lên bằng sắn hoặc cháo trắng.

Khi các sự ăn còn chưa đủ thì vui chơi là từ quá xa xỉ với những đứa trẻ Đan Lai. Trò chơi duy nhất của chúng có lẽ là trông em giúp mẹ. Cả anh lẫn em lê la trên nền đất, cào vào đống đất mủn tung tóe rồi cười như nắc nẻ. Thỉnh thoảng bố mẹ cũng mua cho ít cái kẹo, thứ kẹo lạ mắt mà dưới xuôi tôi không thấy bao giờ nhưng ngọt lừ đường hóa học. Cũng chẳng sao, có lẽ chúng chỉ cần cái vị ngọt để đánh lừa cảm giác và sung sướng với thứ quà hiếm hoi mới có ấy.

Những đứa trẻ Đan Lai lớn lên bằng sắn hoặc cháo trắng.
Điểm trường tiểu học được xây dựng ngay trong bản nhưng sự học của trẻ con Đan Lai vẫn đang hết sức nan giải và nguy cơ tái mù cao.

Thỉnh thoảng những ngày Tết thiếu nhi hay Tết Trung thu, một vài đoàn tình nguyện vượt đèo, vượt khe “cõng” quà vào cho trẻ em Đan Lai. Hôm đó, chúng sẽ được thưởng thức những chiếc kẹo thơm ngon hơn những thứ bố mẹ hiếm hoi mới mua cho ở quán tạp hóa đầu bản hay những thứ đồ chơi xinh xinh biết phát ra nhạc. Tiệc tan, khách về, kẹo cũng hết, những đứa trẻ Đan Lai lại trở về với sự trầm mặc của núi rừng, của thiếu thốn và nghèo đói.

Nụ cười vô tư của một đứa trẻ Đan Lai dù em thậm chí không có áo để mặc.
Nụ cười vô tư của một đứa trẻ Đan Lai dù em thậm chí không có áo để mặc. 

Rời nơi ở của người Đan Lai, thấy thương sao những đôi mắt trẻ thơ trong veo ngơ ngác, những khuôn mặt lem luốc, những đứa trẻ lũn cũn đen cháy và những cơ thể èo uột không có nổi quần áo để che chắn dù là đông hay hè…

Hoàng Lam