Cuộc di dời lịch sử hơn 4.000 hộ dân sống “treo” quanh Kinh thành Huế

(Dân trí) - Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 của tỉnh Thừa Thiên Huế vừa diễn ra chiều 8/10, kế hoạch di dời 4.201 hộ dân đang sống “treo” ở khu vực I di tích Kinh thành Huế đã được thông tin.

Theo đó, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, việc di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế là một trong những nhiệm vụ, công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thực hiện tại Thông báo 26/TB-VPCP ngày 17/1/2018.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin kế hoạch di dời 4.201 hộ dân sống treo quanh Kinh thành Huế từ 2019-2021
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin kế hoạch di dời 4.201 hộ dân sống "treo" quanh Kinh thành Huế từ 2019-2021

Theo phương án di dời, dự kiến sẽ có hơn 4.200 hộ dân thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế được thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2021 và chia làm 2 giai đoạn. Khu vực được ưu tiên tập trung thực hiện di dời trước là phạm vi di tích thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ. Tiếp đến là các di tích còn lại như: Hồ Tịnh Tâm và Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ và hệ thống hồ thuộc 4 phường nội thành cùng di tích Trần Bình Đài.

Tổng kinh phí di dời dân cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng là khoảng hơn 2.800 tỷ đồng được tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Trung ương hỗ trợ.

Kinh thành Huế với hàng nghìn hộ dân sống treo hàng chục năm qua
Kinh thành Huế với hàng nghìn hộ dân sống "treo" hàng chục năm qua

Đồng thời, địa phương cũng sẽ bố trí kinh phí để đầu tư hạ tầng khu dân cư mới để chuẩn bị phục vụ tái định cư trước khi di dời dân cư. Khu tái định cư mới có diện tích khoảng 73 hecta tại phường Hương Sơ, TP Huế.

Ông Tuấn cho biết khu tái định cư mới phải đảm bảo các yếu tố cơ bản về hạ tầng kỹ thuật (giải phóng mặt bằng, san nền, đường giao thông, cấp thoát nước, điện,..) và các thiết chế văn hóa y tế, giáo dục. Kinh phí thực hiện đầu tư khu tái định cư từ ngân sách địa phương khoảng hơn 1.360 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn cần nguồn kinh phí khá lớn cho việc cải tạo mặt bằng nguyên trạng di tích sau khi di dời dân cư và thực hiện trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích...

Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức khảo sát hiện trạng sử dụng đất và đời sống của người dân để đề xuất, xây dựng cơ chế đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư trình các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ.

Kinh Thành Huế là một công trình di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự. Công trình được triều đại nhà Nguyễn quy hoạch và xây dựng trong thời gian 30 năm (từ năm 1803 đến năm 1832), rộng hơn 500 hecta bao gồm nhiều hạng mục như: hộ thành hào, tuyến phòng lộ, tường thành, 24 eo bầu, Kỳ đài, Trấn Bình đài (Mang cá nhỏ) và 10 cổng thành.

Toàn cảnh Kinh thành Huế nhìn từ trên cao
Toàn cảnh Kinh thành Huế nhìn từ trên cao

Kinh thành hiện nay thuộc 4 phường: Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc và bên ngoài thuộc 3 phường tiếp giáp: Phú Hòa, Phú Bình và Phú Thuận đều thuộc TP Huế.

Hầu hết các hộ dân sinh sống tại đây không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ và xây dựng nhà trên công trình di tích, làm nhà chồ trên mặt nước (tại các hồ, hào) nên theo quy định hiện hành đối với trường hợp này không được bồi thường về đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Mặt khác phần lớn các hộ dân đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đời sống khó khăn, lao động phổ thông nên cần có chính sách hỗ trợ phù hợp thực tế để có điều kiện xây dựng nhà tái định cư và nhằm ổn định cuộc sống dân sinh.

Một gia đình trên Kinh thành Huế sống tạm
Một gia đình trên Kinh thành Huế sống tạm

Được biết, trong giai đoạn từ 1996 – 2018, Thừa Thiên Huế cũng đã thực hiện di dời được 1.050 hộ dân tại các khu vực di tích, như: Eo bầu phía Nam Kinh thành, hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ, thượng thành,..

Trong chuyến đi thị sát mới nhất vào tháng 9/2018, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã được nghe nhiều tâm tư nguyện vọng người dân sống “treo” ở đây. Cụ thể các hộ dân ở đây đều có nhu cầu rất lớn về việc di dời đến nơi ở mới có điều kiện tốt hơn hiện tại. Tuy nhiên, rất nhiều hộ dân có mức sống rất thấp, khó có đủ khả năng làm nhà mới nếu được hỗ trợ giao đất di dời.

Hầu hết các hộ dân đều mong muốn sớm được nhà nước quan tâm, có những chính sách hỗ trợ thích hợp để sớm ổn định cuộc sống, yên tâm sinh sống mỗi khi mùa mưa bão đến, có điều kiện để con cái học tập, phát triển, an cư lạc nghiệp.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đi thị sát đời sống người dân trên Kinh thành Huế
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đi thị sát đời sống người dân trên Kinh thành Huế

Chia sẻ với những khó khăn của người dân sinh sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở trước những khó khăn của các hộ dân sinh sống nơi đây. Tỉnh đang tích cực tìm các giải pháp, những chính sách hỗ trợ phù hợp để sớm đưa các hộ dân đến sống ở khu vực mới, có điều kiện cuộc sống tốt hơn. Chủ tịch UBND tỉnh rất mong bà con nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành liên quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, UBND thành phố Huế cần khẩn trương hoàn thiện Đề án di dời giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế trình các Bộ ngành và Chính phủ phê duyệt.

Thời gian tới, cuộc di dời lịch sử với 4.201 hộ dân sống quanh Kinh thành Huế sẽ được tiến hành
Thời gian tới, cuộc di dời lịch sử với 4.201 hộ dân sống quanh Kinh thành Huế sẽ được tiến hành

Đại Dương