Cúm A/H1N1: Điều trị luôn không cần xét nghiệm

(Dân trí) - Từ nay cơ quan y tế chỉ giám sát chùm ca bệnh, xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao (trẻ dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ có thai...), các trường hợp có biến chứng, còn những trường hợp có triệu chứng lâm sàng điển hình cần điều trị ngay.

Cúm A/H1N1: Điều trị luôn không cần xét nghiệm - 1
Dịch cúm A/H1N1 tiếp tục lan rộng.
 
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết thông tin trên tại cuộc họp ban Chỉ đạo phòng chống cúm ở người ngày 26/8.
 
Chỉ xét nghiệm các trường hợp nguy cơ cao
 
Lý giải điều này, TS Nga cho biết, dịch cúm A/H1N1 ngày càng tăng lên, nhất là mùa đông đang tới gần nên việc xét nghiệm toàn bộ đã gây quá tải và việc chậm trả lời kết quả đã ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của Tamiflu.
 
Trong khi đó, số sinh phẩm xét nghiệm có hạn, thủ tục mua sắm mất nhiều thời gian, các cơ sở xét nghiệm gặp nhiều khó khăn... Vì thế, từ thời điểm này, mẫu bệnh phẩm chỉ được lấy theo chỉ định của bác sĩ để phục vụ công tác nghiên cứu, điều trị, không làm theo yêu cầu của người bệnh.
 
“Với những trường hợp bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng điển hình cần thực hiện ngay việc điều trị theo phác đồ, không nhất thiết phải xét nghiệm. Việc đợi 2 - 3 ngày mới có kết quả xét nghiệm sẽ khiến điều trị Tamiflu giảm nhiều tác dụng.
 
Còn đối với các trường học, công sở, nơi công cộng, sau khi xác định ca bệnh đầu tiên được khẳng định dương tính thì không cần xét nghiệm cho các trường hợp sau, chỉ cần cách ly điều trị và thực hiện các biện pháp phòng chống”, ông Nga khẳng định.
 
Về sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Khoa học Công nghệ đã nghiên cứu chế tạo sinh phẩm xét nghiệm. Hiện đã thí điểm test thử sản phẩm do Việt Nam tự sản xuất, độ đặc hiệu và độ nhạy tương đối cao nhưng để trở thành hàng hóa phải có đề tài nghiên cứu khoa học và cần thời gian nhất định.
 

TPHCM: 9 trường học tiếp tục được giám sát

 

Theo báo cáo của Sở y tế TPHCM, đã xuất hiện 4 ổ cúm A/H1N1 trong trường học trong ngày 25/8 gồm: Trường THPT Dân lập nội trú Trí Đức, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, Trường Chu Văn An, Trường Phan Sào Nam cả 2 thuộc Q.3 và Trường Nguyễn Du, Q.1.

 

Ngoài 4 ổ dịch trường học vừa xuất hiện trên, 5 ổ dịch được phát hiện trước đó vẫn đang được tiếp tục theo dõi, giám sát với các biện pháp can thiệp dự phòng.

Khoảng 3 tháng nữa sẽ tới “đỉnh” dịch
 
TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nước ta đã có 43/65 tỉnh thành có bệnh nhân cúm. Con số bệnh nhân đã lên tới 2.226 trường hợp. Tuy nhiên, tình hình dịch chưa phức tạp vì phải đến mùa đông sắp tới, dịch mới bước vào “đỉnh”.
 
Ông Huấn cho biết thêm, tại Hội Nghị thông tin trong giám sát cúm của Khu vực vừa được tổ chức tại Bắc Kinh cho thấy, nhiều nước đã sai lầm trong công tác giám sát dẫn tới tỷ lệ tử vong cao.
 
Tại Việt Nam, hiện con số tử vong là 2 trường hợp/2.226 bệnh nhân. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Tuy vậy, không vì thế mà chúng ta chủ quan, cần tập trung nghiên cứu, rút kinh nghiệm và có định hướng chuẩn bị cho Hội nghị “rút kinh nghiệm phòng chống cúm A H1N1” tổ chức vào trung tuần tháng 9, để có kế hoạch chuẩn bị khi dịch lên đỉnh điểm vào tháng 11 - 12.
 
Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ về các trường hợp chậm đáp ứng với tamiflu và phối hợp tamiflu với các thuốc khác trong điều trị, đồng thời đề phòng chủng đã bị kháng thuốc tại một số nước lây lan ra nước khác, trong đó có việt Nam cũng như sự biến đổi, sắp xếp lại của virus.
 
Tại buổi giao ban, ông Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, qua khảo kiểm tra tại TPHCM, Long An, An Giang, có một số trường học phun khử trùng, nhưng không phải là thuốc khử trùng CloraminB mà thực ra là phun hóa chất diệt côn trùng, không có giá trị phòng cúm A/H1N1. Vì thế, ngành y tế cần hướng dẫn cho các trường khử trùng theo đúng quy định.
 
Về vắc xin cúm A/H1N1, hiện có rất nhiều công ty trên thế giới tham gia sản xuất. Trung Quốc đã công bố, chỉ tiêm 1 mũi vắc xin có tác dụng bảo vệ 90% trước cúm A/H1N1. Trước mắt, Việt Nam cũng đang nghiên cứu kế hoạch sử dụng vắc xin để nhập về ngay sau khi vắc xin được WHO công bố.
 

Ngày 26/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 84 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền Nam: 45 ca, miền Bắc: 08 ca, miền Trung: 31 ca).

Như vậy, tính đến 17h00 ngày 26/8/2009, Việt Nam đã ghi nhận 2.226 trường hợp dương tính, 02 ca tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi ra viện là 1.252, còn 972 trường hợp hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.

 
Hồng Hải - Ngọc Thanh