Cử nhân thất nghiệp tràn lan, doanh nghiệp vẫn “khát” nhân lực

(Dân trí) - Cả nước có trên 72 nghìn lao động có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp; ¼ thanh niên lứa tuổi 20- 24 không có việc làm ổn định. Trong khi đó, tình trạng thiếu nhân lực ở một số ngành nghề vẫn diễn ra.

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổng cục Thống kê công bố, trong quý IV-2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp (tăng 48.000 người so với cùng kỳ 2012) và hơn 1,2 triệu lao động trong độ tuổi thiếu việc làm. Ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng nghề, tỷ lệ thất nghiệp là 7,68%, tăng 1,3 lần so với IV-2012 (tương đương 8.300 người); tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng là 6,74%, tăng 1,3 lần (khoảng 19.200 người); tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần. Như vậy, có khoảng 72.000 lao động thuộc nhóm này bị thất nghiệp so với số thất nghiệp ở quý IV-2012.

Đặc biệt, nhóm thanh niên từ 20-24 tuổi tốt nghiệp cao đẳng và đại học trở lên (sinh viên mới ra trường) có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%. Tỷ lệ này ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn nhiều so với không có chuyên môn kỹ thuật: 54,4% so với 39,6%.

Lý giải một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp đáng báo động của nhiều cử nhân, ông Cao Văn Sâm, Cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, có 5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Một là do dự báo nhu cầu việc làm chưa chính xác. Hai là do cơ cấu đào tạo chưa căn cứ vào nhu cầu thực tiễn. Ba là do người học chưa có đầy đủ thông tin khi chọn ngành học phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Bốn, do cơ cấu trình độ đào tạo đại học chưa thích hợp với cơ cấu nhu cầu lao động. Thứ năm, nhiều em học theo phong trào mà chưa có trang bị về nhu cầu thị trường.

Trên thực tế, từ cách đây 10 năm những bản tin phân tích về thị trường lao động đã đưa ra Quốc hội cảnh báo về tình trạng thừa nhu cầu lao động. Bởi mỗi năm cả nước cho ra trường trên 200 nghìn người nghĩa gấp hơn 10 lần so với nhu cầu thực của thị trường. Nhưng trong 10 năm trở lại đây tình trạng các trường Đại học, Cao đẳng thậm chí còn phát triển ồ ạt. Có thời điểm cứ nửa tháng lại có một trường mới ra đời và các trường này lại tiếp tục mở ra các ngành nghề đào tạo nóng và khả năng tạo ra sức hút sinh viên cao như quản trị kinh doanh, tài chính kế toán…

Cử nhân thất nghiệp tràn lan, doanh nghiệp vẫn “khát” nhân lực

Cần hướng nghiệp cho các em chuẩn bị rời ghế nhà trường PTTH  tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ.

Hệ quả của việc không tính tới nhu cầu lao động đã thấy rõ. Hiện trên cả nước có tới 72 nghìn thạc sỹ, tiến sỹ thất nghiệp. Trong khi đó, theo số liệu của Trung tâm dự báo quốc gia về việc làm, Bộ LĐ- TB &XH, năm 2014 vẫn có khá nhiều ngành khó tuyển như: Nhà chuyên môn bậc cao về ngành khoa học kỹ thuật, nhân viên kinh doanh, quản lí. Phản hồi từ nhu cầu thị trường cũng cho thấy các ngành nghề yêu cầu kỹ năng phát triển thị trường, bán hàng… còn thiếu nhân lực hoặc nhân lực dù được đào tại tại các các trường chưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Không ít nhà tuyển dụng sau thời gian dài đi tìm nhân lực trẻ phản ánh: Cử nhân ở ta cái cái gì cũng biết nhưng không chuyên sâu trong lĩnh vực nào.

Lại có ý kiến cho rằng, sâu xa của vấn đề một phần do xã hội chọn bằng cấp. Dẫn đến nhận thức của rất nhiều gia đình và thanh niên coi đại học là con đường duy nhất kiếm sống. Nhưng để ¼ thanh niên nước ta 20 – 24 tuổi tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên thiếu việc thì trách nhiệm của những Bộ, ngành liên quan không hề nhỏ.

Lời khuyên của chuyên gia xã hội được dành cho các em học sinh chuẩn bị rời ghế nhà trường phổ thông trung học, đó là hãy suy nghĩ, cân nhắc đúng để chọn cho mình một nghề vừa hợp với sở thích, khả năng, cá tính, giá trị song và phù hợp với xu hướng phát triển nghề nghiệp của thời kỳ hội nhập và nhu cầu nhân lực của xã hội trong thời kỳ đổi mới. Để hiểu biết sâu rộng nghề nghiệp các em nên tìm hiểu thông tin từ các nhà tư vấn nghề nghiệp, các thầy cô giáo làm công tác hướng nghiệp, tham khảo ý kiến của cha mẹ, người thân, bạn bè và thực tế xã hội chứ không nên chọn tương lai của mình theo “phong trào”.

Phạm Thanh