CSGT trưng dụng tài sản của dân: Làm hỏng thì phải đền!

(Dân trí) - “Nếu người dân không đồng ý và có hành vi cản trở cảnh sát gây ra hậu quả cũng có thể bị xử lý tuỳ theo mức độ. Cảnh sát trưng dụng phương tiện sai quy định cũng bị xử lý theo luật, cảnh sát khi trưng dụng làm hư hỏng xe của người dân thì phải đền”.

Trung tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - đã trao đổi với PV Dân trí như vậy liên quan đến Thông tư 01/2016 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/2 tới đây.

Phóng viên: Xin ông cho biết về những thay đổi, những nét mới trong trách nhiệm và quyền hạn của CSGT quy định trong Thông tư 01/2016?

Trung tá Nguyễn Quang Nhật: Thông tư 01/2016 bổ sung thêm một số mục so với Thông tư 65 trước đây. Mục đích của việc ban hành thông tư này muốn tạo điều kiện thuận lợi cho Cảnh sát giao thông (CSGT) trong khi thi hành nhiệm vụ điều tiết giao thông cũng như ngăn cản hành vi vi phạm pháp luật của người đi đường một cách kịp thời khi tình trạng vi phạm này hiện có chiều hướng ngày càng phức tạp, nhằm đảm bảo an toàn, thuận tiện hơn cho việc tuần tra, xử lý vi phạm nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của người tham gia giao thông.

Thông tư quy định CSGT được phép dừng các phương tiện đang tham gia giao thông. Vậy điều kiện để CSGT được phép dừng phương tiện giao thông trong quy định mới được hiểu thế nào cho đầy đủ, thưa ông? 

Tôi nhấn mạnh là quy định mới không tăng thêm quyền hạn cho CSGT. CSGT chỉ được dừng phương tiện trong các trường hợp như: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ; thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng CSGT hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên; Thực hiện kế hoạch tuần tra xử lý vi phạm…

CSGT được phép huy động tài sản, phương tiện của người tham gia giao thông để hỗ trợ trong những tình huốn cấp bách
CSGT được phép huy động tài sản, phương tiện của người tham gia giao thông để hỗ trợ trong những tình huốn cấp bách

Trong theo khoản 6 Điều 5 của Thông tư 1/2016 của bộ CA có quy định: CSGT được trưng dụng các phương tiện giao thông, các phương tiện thông tin liên lạc của tổ chức, cá nhân… theo những quy định của luật pháp, vậy sẽ phải hiểu điều khoản này như thế nào cho đúng thưa ông?

Theo quy định tại điều 15 Luật Công an nhân dân năm 2014, cần hiểu theo nghĩa hẹp nhất là đang trong một tình huống khẩn cấp, cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông sử dụng ôtô của người dân, xe máy của dân, điện thoại của dân để xử lý tình huống ngay lúc đó chứ không phải trưng dụng theo nghĩa của Luật trưng mua, trưng dụng.

CSGT được phép huy động phương tiện giao thông, huy động thiết bị thông tin liên lạc của người tham gia giao thông trong những trường hợp khẩn cấp để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ để không gây nguy hiểm cho xã hội, như: Ngăn chặn tội phạm hình sự, đảm bảo an toàn, trật tự giao thông và an ninh quốc phòng, tội phạm buôn bán ma tuý, cướp giật. Ví dụ như tình huống xảy ra tai nạn giao thông, CSGT sẽ huy động phương tiện của người tham gia giao thông để đưa người bị nạn đi cấp cứu kịp thời, huy động điện thoại của người tham gia giao thông để hỗ trợ thông tin liên lạc…

Khi CSGT huy động tài sản, nếu người dân không đồng ý và có hành vi cản trở cảnh sát gây nguy hiểm tức thì, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội thì cũng có thể bị xử lý tuỳ theo mức độ. Người dân phải có trách nhiệm ủng hộ, giúp đỡ lực lượng chức năng trong đó có CSGT làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông.

Thăm dò ý kiến Theo thông tư 1/2016 của Bộ công an, khi đang trong một tình huống khẩn cấp, cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông được sử dụng ôtô, xe máy, điện thoại… của dân để xử lý tình huống. Ý kiến của bạn về qui định trưng dụng như vậy?
Người dân có cơ hội thể hiện trách nhiệm chung, giúp CSGT hoàn thành tốt nhiệm vụ Dễ xảy ra rắc rối cho người dân có tài sản được trưng dụng Ý kiến khác
CSGT trưng dụng tài sản của dân: Làm hỏng thì phải đền! - 2
CSGT trưng dụng tài sản của dân: Làm hỏng thì phải đền! - 3

Cảnh sát trưng dụng phương tiện sai quy định cũng bị xử lý theo luật, cảnh sát khi trưng dụng làm hư hỏng xe của người dân thì phải đền bù. Khi phát hiện cảnh sát có dấu hiệu tiêu cực trong khi thực thi công vụ, tất cả người dân có quyền phản ánh, có quyền được quay phim, chụp ảnh CSGT làm nhiệm vụ.

Hiện nay, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT mới chỉ huy động người tham gia giao thông hỗ trợ phương tiện để đưa người bị nạn đi cấp cứu, chưa huy động thiết bị liên lạc của người tham gia giao thông.

Nhiều người quan ngại rằng trao cho CSGT quá nhiều quyền hạn sẽ dẫn tới lực lượng này lạm quyền khi tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông. Ông có ý kiến gì về việc này?

Đây là quy định có từ trước và không có gì mới, nó phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành nên không có gì là lạm quyền. Pháp luật hiện hành quy định công dân phải có giấy tờ tuỳ thân như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước...

Việc kiểm tra xử lý giấy tờ tùy thân của người ngồi trên phương tiện để phòng ngừa trường hợp đối tượng truy nã, lẩn trốn, người nước ngoài nhập cảnh bất hợp pháp… Công dân phải có chứng minh thư, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân được quy định trong các luật Cư trú, luật Căn cước công dân và việc xử phạt hành chính cũng căn cứ vào Nghị định 167 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

CSGT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu người nào lạm quyền hoặc vi phạm trong việc huy động tài sản của người dân thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành công an và quy định của pháp luật, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu xảy ra vấn đề giả danh CSGT trưng dụng tài sản để chiếm đoạt thì sao, thưa ông?

Người dân không phải quá lo ngại về vấn đề có lực lượng giả danh, vì ai làm sai đều bị xử lý, đối tượng giả danh sẽ bị truy cứu hình sự.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, CSGT đều có thẻ số, giấy chứng nhận, số hiệu công an nhân dân… đó là những căn cứ để nhận biết lực lượng. Chúng tôi đề nghị người dân nếu phát hiện dấu hiệu giả danh, lạm quyền thì hợp tác, phản ánh đến Cục CSGT, Bộ Công an.

Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh - Như Phúc (thực hiện)