Công trình cấp bách, tiến độ... rùa bò

(Dân trí) - Hiện tại, không công trình nào trên địa bàn quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) có tính cấp bách, đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ như hệ thống thoát nước.

Bởi chỉ chậm vài tháng nữa, không chỉ khối lượng không được thanh toán theo hợp đồng đã ký do quá hạn quy định, mà mưa lũ về, cả khu vực rộng lớn sẽ bị ngập nặng. Thế nhưng, tiến độ của công trình quan trọng, có tính cấp bách này đang như rùa bò.
 
Khởi công từ tháng 6/2011, theo kế hoạch, hệ thống thoát nước Liên Chiểu sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 2/2013. Đây là công trình do Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên quản lý điều hành và Công ty CP Xây dựng công trình thuỷ Hà Nội trúng thầu thi công, vốn đầu tư từ Ngân hàng Thế giới WB.
 
Công trình có 2 hạng mục chính là hệ thống kênh hở, cống hộp dài gần 2 km và hồ điều tiết Trung Nghĩa. Đến nay, công trình đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc. Một số hạng mục chưa hoàn thành, tiến độ rất ì ạch dù điều kiện thời tiết rất thuận lợi. Nguyên nhân chỉ vì việc giải toả triển khai quá chậm. Không có mặt bằng thi công, mặc dù nhân lực, trang thiết bị phương tiện lúc nào cũng sẵn sàng tại hiện trường, nhưng đơn vị thi công đành án binh bất động.
 
Đoạn kênh dài 215 m từ cầu Đa Cô đến cầu đường sắt đang đình trệ thi công do chưa giải toả mặt bằng
Đoạn kênh dài 215 m từ cầu Đa Cô đến cầu đường sắt đang đình trệ thi công do chưa giải toả mặt bằng

Chậm trễ và bức xúc nhất tại công trình này là đoạn kênh 215 m từ cầu Đa Cô đến cầu đường sắt. Ông Hoàng Văn Thắng, đội trưởng thi công cho biết, tuy khối lượng còn lại không nhiều, nhưng không có mặt bằng đành chịu. Đến 30/6 tới, nếu không hoàn thành, bên cấp vốn là Ngân hàng Thế giới sẽ đóng công trình để thanh toán khối lượng.
 
Cuộc họp gần đây nhất, lãnh đạo quận Liên Chiểu cam kết ngày 5/3 giải toả dứt điểm, thế nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì. Đứng tại bờ kênh phía tây nơi thi công dang dở, ông Thắng cho biết thêm, thực ra, phần đất thi công kênh chỉ vướng 4 hộ, trong đó một hộ ở cuối tuyến án ngữ phần lớn bờ kênh. Nhưng giải toả số hộ này không đơn giản, bởi giữa họ và hội đồng giải phóng mặt bằng chưa có sự thống nhất về giá trị đền bù và bố trí tái định cư.
 
Hiện tại, đơn vị phải đưa thiết bị loại nhỏ vào thi công những nơi không vướng theo kiểu giải quyết tình thế. Điều lo ngại hơn là chưa biết lúc nào có mặt bằng để triển khai tiếp. Giải toả chậm, không chỉ không được thanh toán khối lượng mà lũ về vừa bị ngập nặng trên diện rộng vừa thiệt hại đối với khối lượng đang thi công dang dở.
 
Trao đổi về tình hình giải toả số hộ dân sát bờ kênh hở đoạn từ cầu Đa Cô đến cầu đường sắt, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, hàng chục cuộc họp đã triển khai. Nhiều phương án giải toả tại khu vực này đã đặt ra. Hiện tại còn 22 hộ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó một số hộ đã thống nhất phương án đền bù, bố trí tái định cư nhưng chưa có tiền chi trả. Số hộ còn lại, quận sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai rốt ráo, phấn đấu thời gian sớm nhất bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy vậy, ông không nõi rõ thời gian sớm nhất là bao giờ. Và như vậy, chưa biết lúc nào mới giải toả ách tắc tại đoạn kênh hở dài 215 m nêu trên.
 
Hồ Điều tiết Hoà Phú đoạn gần kênh thoát chưa thi công do không có mặt bằng
Hồ Điều tiết Hoà Phú đoạn gần kênh thoát chưa thi công do không có mặt bằng 

Tương tự, việc thi công hồ điều tiết Hoà Phú, công trình do Sở Xây dựng TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Xây dựng Kiến Quốc thi công cũng đang ách tắc do vướng giải toả. Hiện tại hồ rộng 5,5 ha này đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc. Diện tích lòng hồ còn lại là khu vực thuộc tổ 138, 139 phường Hoà Minh. Tuy khối lượng còn lại không nhiều nhưng ở vị trí vô cùng quan trọng, đó là đoạn nối với kênh thoát ra sông Phú Lộc. Hơn nửa năm nay, đơn vị thi công án binh bất động chờ mặt bằng để thi công  và càng chờ càng đứng ngồi không yên bởi việc giải toả hầu như dẫm chân tại chỗ.
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, khá nhiều hộ tại khu vực này chưa thể bàn giao mặt bằng, do họ chưa được tiếp dân giải quyết các vướng mắc. Số ít hộ đã thống nhất phương án giải toả không có tiền chi trả, phải chờ đợi. Việc thi công lòng hồ còn lại và kênh thoát của công trình này chậm ngày nào, đời sống người dân tại đây bị "tra tấn" ngày đó, do ô nhiễm môi trường quá nghiêm trọng. Mùa mưa lũ tới chưa giải toả, nhà của của họ lại ngập trong nước hơn 2 m, như các năm vừa qua.
 
Là công trình đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ, chạy đua từng ngày để hoàn thành trước 30/6/2013, nhưng hiện tại chưa có tín hiệu khả quan nào trong khâu giải toả bàn giao mặt bằng. Thiết nghĩ, không thể chậm trễ hơn được nữa, chính quyền các cấp ở Liên Chiểu và các đơn vị liên quan cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải toả. Bên cạnh ưu tiên về kinh phí để chi trả cần giải quyết rốt ráo những vướng mắc phát sinh, để việc bàn giao mặt bằng kịp thời, tạo điều kiện để các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình đúng kế hoạch đề ra.

Nguyễn Cầu