1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công nhân lao đao tìm việc sau Tết

(Dân trí) - Ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhiều doanh nghiệp đã lên phương án cắt giảm lao động. Công nhân chán ngán với tình trạng việc làm và thu nhập bấp bênh, lấn cấn không biết nên ở hay đi.

Công nhân lao đao tìm việc sau Tết - 1

(Ảnh minh họa: TTXVN)
 

Ngập ngừng nửa ở nửa đi!

 

Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, không khí lao động đầu năm tại những khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) không sôi động, phấn khởi như mọi năm.

 

Sáng ngày 3/2 (tức mùng 9 tháng Giêng), các khu nhà trọ xung quanh cụm công nghiệp Từ Liêm - Hà Nội vẫn khá lặng lẽ. Một số phòng trọ trước tết đông đúc nay mới lô nhô vài bóng người; còn lại vẫn cửa khóa im ỉm.

 

Một chủ nhà trọ ở thôn Nguyên Xá (xã Minh Khai, Từ Liêm) cho biết, hiện số người đang ở trọ chỉ chiếm khoảng 50% tổng số đã đăng ký thuê trước Tết. Đây là điều không có gì đáng ngạc nhiên bởi cũng như mọi năm, sau đợt nghỉ Tết, một số công nhân thường tìm cách “nhảy việc” nhằm tìm kiếm mức thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, năm nay, sự vắng lặng này còn bắt nguồn từ sự suy thoái chung của nền kinh tế khiến nhiều công ty phá sản hoặc cắt giảm nhân sự, nhiều công nhân không có việc làm.

 

Tại một khu nhà trọ gần KCN Thăng Long, chúng tôi gặp Mai Thị Thắm, quê ở Thanh Hóa. Chị Thắm là công nhân của công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất thiết bị điện tử, có trụ sở ở khu công nghiệp Thăng Long. Chị cho biết, nhiều bạn bè cùng công ty đã không trở lại làm việc, phần vì muốn ở lại quê đoàn tụ với gia đình và nghe ngóng tình hình lâu hơn, phần cũng muốn chờ đợi cơ hội tìm việc làm mới.

 

“Năm vừa qua vì giá cả sinh hoạt tăng cao hơn so với dự kiến, nên nhiều người dù đã tích luỹ cả năm nhưng cũng không được bao nhiêu. Hơn nữa lại nghe thông tin công ty sẽ cắt giảm lao động nên không ít người tìm cách “nghe ngóng” chỗ làm mới. Nhưng với tình hình khó khăn như hiện nay, không chắc đã tìm được việc. Có khi lại tính đường quay về quê!”- chị Thắm nói.

 

Ông Nguyễn Phú Điệp, Phụ trách Phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các KCN-KCX Hà Nội xác nhận: Tại các KCN-KCX, sau Tết Nguyên đán là thời điểm thường diễn hiện trạng công nhân “nhảy việc”. Nếu trước đó, tình trạng này khiến không ít nhà máy sản xuất dở khác dở cười vì thiếu nhân công, thì nay, không đợi công nhân nghỉ việc, sau Tết, nhiều DN đã chủ động lên kế hoạch cắt giảm công nhân, thu hẹp quy mô sản xuất, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.Theo ông Điệp, đây là thời kỳ khá nhạy cảm đối với người lao động (NLĐ). Nếu họ không trở lại làm việc thì sẽ là lý do chính đáng nhất để đơn vị tuyển dụng gạch tên thật nhanh chóng trong sổ lương cùng những chế độ khác.

 

Nhiều doanh nghiệp lớn cắt giảm nhân công

 

Tính đến hết tháng 12/2008, đã có 11 LĐLĐ tỉnh, thành báo cáo về số người mất việc là: Hà Nội (4.600), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.624), Đà Nẵng (933), Vĩnh Phúc (500), Hải Phòng (900),  Quảng Nam (8.000), Bình Dương (915), Đồng Nai (7000), TPHCM (8000) và Công đoàn Giao thông vận tải là 4.300 người.
 
Các ngành bị cắt giảm lao động vẫn tập trung vào DN gia công, hàng xuất khẩu, dệt may, da giày và điện tử. (Nguồn: TLĐLĐ Việt Nam)

Cũng theo dự báo từ Ban Quản lý các KCN-KCX Hà Nội:  năm 2009, hơn 400 DN trong các khu vực này sẽ cắt giảm khoảng 10% số lao động, tương đương khoảng hơn 8.000 lao động. Điển hình như Công ty Panasonic VN (với hơn 6.000 công nhân thuộc 3 công ty con) đã báo cáo xin giảm 500 lao động; công ty Nishei xin giảm 1.600 lao động; Canon VN xin giảm 1.200 lao động… Tổng số lao động của 19 DN báo cáo xin cắt giảm đã lên đến hơn 4.300. Nhiều DN khác đang trong tình trạng khó khăn đã báo cáo, xin phép làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết muộn hơn so với thường kỳ.

 

Trong khi đó cho đến thời điểm này, các DN có nhu cầu tuyển lao động chỉ đếm trên đầu ngón tay và chỉ cần thêm một lượng nhân công lại khá khiêm tốn. Chính vì vậy, cơ hội “nhảy việc”, nhất là đối với những lao động phổ thông vì thế mà thu hẹp lại.

 

Trước tình hình trên, ông Điệp cho rằng, NLĐ cần phải có những tính toán kỹ lưỡng trong công việc bằng cách tôn trọng các quy định về Luật Lao động cũng như nội quy của các DN nhằm bảo đảm kế hoạch sản xuất, kinh doanh.  

 

Để tránh thiệt thòi, NLĐ không nên hoang mang tự ý nghỉ việc khi có thông tin cắt giảm lao động, kể cả từ chính nơi mình đang làm việc. Trong trường hợp phải thực sự cắt giảm lao động, Ban Quản lý các KCN-KCX sẽ có trách nhiệm xem xét, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ, nếu các DN không thực hiện các chế độ thôi việc, bảo hiểm, lương nợ theo đúng Luật Lao động.

 

Chính phủ tìm cách tháo gỡ khó khăn

 

Theo ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) nhận định: 2009 sẽ là năm cực kỳ khó khăn đối với cả DN và NLĐ. Vấn đề việc làm sẽ “nóng” hơn bao giờ hết.

 

Dù vậy, theo ông Trịnh Quang Điều, Phó ban Chính sách Kinh tế - xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: khoảng giữa năm nay, tình trạng cắt giảm sẽ giảm xuống. NLĐ sẽ có thêm cơ hội tìm việc mới. Ông Điều phân tích, dù đầu năm các DN tiếp tục cắt giảm lao động song cùng với quá trình đó, các gói giải pháp của Chính phủ áp dụng với DN cũng bắt đầu đi vào vận hành và cần một thời gian để phát huy hiệu quả.

 

Trước mắt, Tổng Liên đoàn Lao động đã đưa ra giải pháp, kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ 500 tỉ đồng cho quỹ trợ giúp vốn cho công nhân nghèo mất việc tạo việc làm mới, vì những NLĐ mất việc năm 2009 chưa đủ điều kiện để hưởng Bảo hiểm Thất nghiệp.
 

4 kiến nghị về chính sách nhằm hỗ trợ đối với DN và những NLĐ bị mất việc cũng đã được gửi lên Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, như: Nhóm chính sách hỗ trợ về vốn với lãi suất ưu đãi; giãn, giảm thuế và xúc tiến thương mại... nhằm tạo điều kiện, khuyến khích các DN, nhất là các DN sử dụng đông lao động, sử dụng nhiều lao động nữ duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và tạo thêm việc làm mới cho NLĐ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật Lao động của các DN…

 

 

Long An: Hàng ngàn công nhân nghỉ, mất việc sau Tết

 

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Long An, có ít nhất 4.000-5.000 công nhân phải nghỉ để chờ việc hoặc được phân công làm việc cách nhật do thiếu việc làm. Con số này được thống kê trên khoảng 20 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

 

Cũng theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Long An còn khoảng 2.000-3.000 công nhân phải nghỉ làm ngay sau Tết. Có ít nhất 10 đơn vị đang phải thực hiện việc cho công nhân nghỉ làm.

 

Một số công nhân cho biết cuộc sống của họ đang lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn; họ đang gấp rút tìm việc ở nơi mới để có tiền trang trải cuộc sống. (Huỳnh Hải)

P. Thanh