Nghệ An:

Công nhân khu công nghiệp “sống mòn” với lương

(Dân trí) - Mức lương trên dưới 3 triệu “gánh” tất cả chi phí sinh hoạt trong giai đoạn bão giá khiến bữa ăn của công nhân chủ yếu chỉ có rau, đậu. Nơi ở tạm bợ, nóng nực, không phương tiện thông tin giải trí… Phần lớn công nhân đang “sống mòn” với mức lương eo hẹp.

Một xóm trọ công nhân ở KCN Bắc Vinh.
Một xóm trọ công nhân ở KCN Bắc Vinh.

Những dãy nhà trọ dành cho công nhân Khu công nghiệp Bắc Vinh (Nghệ An) mới cuối giờ chiều đã lờ mở như trong đêm. Hai dãy phòng úp mặt vào nhau, chỉ chừa một lối đi nhỏ xíu, vừa chiếc xe máy chạy qua. Phía trên, quần áo phơi la liệt. Trước mỗi phòng, các cô cậu công nhân mang rau ra chuẩn bị bữa cơm chiều. “Giờ này ngồi trong phòng nóng lắm. Với lại ra ngoài này tranh thủ ánh sáng đỡ phải bật đèn, tiết kiệm được mấy đồng tiền điện”, Nguyễn Thị Hiền cho biết. Nhìn rau cao đến miệng rổ, tôi đã mường tượng ra bữa cơm của công nhân nơi đây.

Học hết cấp 3, Nguyễn Thị Hiền (SN 1994, quê huyện Anh Sơn) xuống TP Vinh tìm việc làm. Không tay nghề, không bằng cấp, Hiền chấp nhận làm công nhân cho một công ty nước ngoài chuyển sản xuất thú nhồi bông tại KCN Bắc Vinh. “Nếu không tăng ca thì lương của em được 2,6 triệu. Còn tăng ca thì nhỉnh hơn một chút, khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Từng đó tiền chỉ đủ trang trải chi phí ăn ở thôi”, Hiền cho biết thêm.

Với mức lương đó, Hiền chỉ dám thuê phòng trọ bé xíu, vừa đủ kê cái giường đơn, đặt cái bàn làm bếp và cái bàn con để mấy thứ linh tinh. Phòng lợp bằng những tấm fibro ximăng, mùa hè ngồi trong phòng cứ tưởng như đang ngồi trong lò lửa. Nước sinh hoạt dùng nước giếng khoan, chủ nhà bắt cho cái vòi nước máy ở đầu xóm trọ, chỉ để dùng nấu nước uống và nấu cơm. Xóm 10 phòng trọ, chung nhau 2 cái nhà vệ sinh bé tin hin luôn ở trong tình trạng ẩm thấp, bốc mùi.

“Mỗi tháng chủ nhà thu 450 nghìn tiền trọ và tiền nước. Với từng đó tiền thì không dám đòi hỏi hơn đâu chị ạ. Ít nhất là có cái chỗ chui ra chui vào, có chỗ ngả lưng mỗi tối đi làm về là được rồi”, cô bé Phạm Thị Hiếu, hàng xóm của Hiền nói.

Công nhân KCB Bắc Vinh chuẩn bị bữa cơm chiều với món ăn chủ lực vẫn là rau và đậu phụ.
Công nhân KCB Bắc Vinh chuẩn bị bữa cơm chiều với món ăn chủ lực vẫn là rau và đậu phụ.

Chẳng cần giấy bút, Hiếu liệt kê cho tôi nghe tất cả chi phí mà khoản lương còm cõi của các em phải gánh: “Tiền nhà, tiền nước 450 nghìn. Tiền điện 25-30 nghìn. Tiền ăn khoảng 1 triệu. Rồi tiền cưới xin, lễ lạt nữa… Tháng nào giỏi chi tiêu thì tiết kiệm được khoảng 500 nghìn đồng, còn hầu như là “âm”. Nói chung làm công nhân, đủ chi tiêu cho bản thân là may lắm rồi”.

Hiếu đã có thâm niên 3 năm làm công nhân tại KCN Bắc Vinh nhưng mức lương cũng chỉ giao động từ mốc 2,6-3,2 triệu đồng. 1 triệu cho chi phí ăn uống nên bữa cơm của Hiếu cũng chỉ có rau và đậu phụ, mấy con cá biển kho là chủ lực. Hôm nào “sang” hơn thì bấm bụng mua lạng thịt hay quả trứng gà.

Mang tiếng đi làm nhưng những công nhân nơi đây chỉ mong “đủ ăn” bởi vậy hiếm hoi lắm họ mới có thể tiết kiệm được chút ít gửi về cho bố mẹ. Như Hiếu, từ Tết đến nay chưa về quê dẫu từ Tp Vinh về Quỳnh Lưu chỉ non 60 cây số. “Em cũng muốn về nhà lắm nhưng về tốn kém nhiều thứ. Chả nhẽ mang tiếng đi làm về mà không có mấy trăm bạc biếu mẹ, không mua cho cháu được tấm bánh, gói quà. Về không khéo lại phải xin tiền bố mẹ để ăn chờ lương”, Hiếu buồn bã.

Đồng lương eo hẹp, cuộc sống chật vật nên nhắc tới chuyện lập gia đình, không ít công nhân thở dài. “Nuôi mình chưa nổi, ai dám đèo bòng. Lấy chồng, sinh con, tiền lương chỉ đủ trang trải ngày 3 bữa cơm thì lấy chi mà mua sữa, rồi tã, bỉm cho con hở chị. Mà cũng chẳng ai lấy công nhân như bọn em đâu. Trước đây em cũng có nhiều mơ ước lắm nhưng giờ thì chẳng mơ chẳng ước chi nữa cả. Vì có mơ cũng chẳng bao giờ thành hiện thực”, Trần Thị Huyền - công nhân một công ty 100% vốn nước ngoài có trụ sở đóng tại xã Nghi Liên (Tp Vinh) chua chát nói.

Công nhân KCB Bắc Vinh chuẩn bị bữa cơm chiều với món ăn chủ lực vẫn là rau và đậu phụ.
Nhà trọ ẩm thấm, cả xóm chung nhau 1 nhà vệ sinh và sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt là tình trạng phổ biến ở các xóm trọ công nhân.

Gần 3 triệu cho tất cả các chi phí sinh hoạt nên công nhân tiết kiệm đến mức tằn tiện. Huyền cho biết thêm: “Công ty cho bọn em ăn cơm trưa, mỗi suất 14 nghìn đồng. Thường thì bọn em nấu cơm ở nhà, cho vào cặp lồng xách đi theo. Như thế, cuối tháng được nhận mấy trăm tiền ăn thêm vào lương”.

Võ Thị Trà Giang (quê Thanh Chương), đồng nghiệp của Huyền có 4 năm kinh nghiệm nhưng mức lương cũng chỉ xấp xỉ 3,5 triệu đồng/tháng (đã tăng ca). Từ Thanh Chương, 2 vợ chồng dắt díu nhau xuống Vinh thuê trọ, xin việc làm. Chồng Giang làm bảo vệ, lương tháng 2 triệu đồng. Hai vợ chồng, tổng thu nhập cũng chỉ mức 5 triệu đồng. “Chỉ đủ nuôi mình thôi. Hai đứa con gửi ông bà nội. Gọi là gửi chứ vợ chồng em cũng chỉ có thể đóng tiền học cho con được thôi, còn lại nhờ ông bà tất. Nhiều khi ông bà còn phải “chi viện” cho bố mẹ ở dưới này”, Giang cho biết.

Ít ruộng đất, làm nông nghiệp thu nhập phập phù nên vợ chồng Giang quyết định đi làm công nhân, hàng tháng ít ra cũng có vài ba triệu bạc. Tiếng là vậy nhưng với đồng lương ấy, hai vợ chồng gần như không có đồng nào dôi dư ra để tích lũy. “Cứ sống tạm thế này đã chị ạ. Tới đâu hay tới đó. Chỉ thương 2 đứa con vắng bố mẹ. Nhiều khi điện thoại về nghe con sốt, con đau, lo không ngủ được nhưng giờ mà về quê thì biết làm gì mà sống, mà nuôi con ăn học nên đành phải cố. Đời bố mẹ đã “sống mòn” như thế này rồi, không biết đến đời con thì như thế nào”, Giang nói mà như khóc.

Với đồng lương còm cõi, công nhân các KCN, Cụm CN ở TP Vinh chẳng thiết tha, hay nói đúng hơn là không có điều kiện để tiếp cận với các phương tiện thông tin giải trí. Không ti vi, không sách báo và xót xa hơn là không cả ước mơ…

Hoàng Lam