Công khai việc khắc phục sai phạm môi trường để báo chí giám sát

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà yêu cầu thanh tra bộ này công khai quá trình thực hiện việc khắc phục sai phạm, vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp và người dân để các lực lượng như cơ quản quản lý nhà nước trên địa bàn, hệ thống tổ chức chính trị của MTTQ Việt Nam, người dân và báo chí, truyền thông giám sát.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Việt Hùng).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Việt Hùng).

Tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 11/1, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu thanh tra bộ này bắt tay ngay vào triển khai nhiệm vụ năm 2017 với phương châm: “Thanh tra đến đâu phải kết luận đến đó và giám sát chặt việc thực hiện các kết luận thanh tra”.

Ông Trần Hồng Hà yêu cầu Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tổng kết lại các biện pháp xử lý, khắc phục bổ sung những sai phạm trong từng lĩnh vực và đưa ra những giải pháp nhằm hướng dẫn cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong công tác thực thi pháp luật, khắc phục sai phạm, sự cố, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau thanh tra phải xác định được có bao nhiêu việc đem lại hiệu quả kinh tế xã hội và cần có cơ chế để hướng dẫn đối tượng thanh tra cách khắc phục những tồn tại đó.

Đặc biệt, Bộ trưởng Hà yêu cầu công khai quá trình thực hiện việc khắc phục sai phạm, vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp và người dân để các lực lượng như cơ quản quản lý nhà nước trên địa bàn, các hệ thống tổ chức chính trị của MTTQ Việt Nam, người dân và đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông giám sát. “Công khai giám sát công tác này là việc chúng ta phải làm chứ không thể khác được” - ông Hà nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Quốc Trung, năm 2016 các đơn vị trực thuộc Bộ đã tiến hành 90 cuộc thanh tra và kiểm tra theo chuyên đề đối với 1.176 tổ chức trên địa bàn 58 tỉnh, thành phố; trong đó có 4 cuộc thanh tra hành chính và 86 cuộc thanh tra chuyên ngành.

Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 61 tổ chức với tổng số tiền trên 20,3 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách 1 tỷ 20 triệu đồng; thu hồi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ của 3 tổ chức.

Ông Lê Quốc Trung khẳng định ngành thanh tra sẽ đẩy mạnh công tác ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2017. Trong lĩnh vực đất đai sẽ thực hiện các nội dung trong Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất giai đoạn đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của các cấp, trọng tâm là các thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký lần đầu và đăng ký biến động đất đai, cấp giấy chứng nhận đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục từ ngày 01/7/2014 đến thời điểm thanh tra.

Trong lĩnh vực môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (dệt nhuộm, hóa chất, luyện kim, giấy, bột giấy, tinh bột sắn, cao su, mía đường, xi mạ, thuộc da, nhiệt điện...); các cơ sở có nguồn thải lớn từ 200 m3/ngày đêm trở lên (trừ các đối tượng đã được Bộ TN&MT thanh tra trong năm 2016). Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thanh tra đối với các đối tượng do bộ này thẩm định và phê duyệt ĐTM hoặc Đề án bảo vệ môi trường chi tiết…

Thế Kha