Công chức bị hạn chế quyền lập hội, chỉ được tham gia các hội?

(Dân trí) - Báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội ở tổ về dự thảo luật về Hội được hoàn thành trước phiên thảo luận toàn thể tại hội trường Quốc hội chiều nay. Câu chuyện cán bộ, công chức có quyền lập hội, quyền tham gia hội vẫn nhận nhiều ý kiến, tranh luận trái chiều.

Báo cáo của Đoàn Thư ký kỳ họp khái quát, tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại trường hợp bị hạn chế quyền lập hội và quyền tham gia hội của “cán bộ, công chức chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức”.

Các ý kiến này cho đây là quy định không hợp lý, hạn chế quyền công dân của cán bộ, công chức và mâu thuẫn với Luật Cán bộ công chức.

Song cũng có ý kiến đề nghị chỉ hạn chế quyền lập hội, còn không hạn chế quyền tham gia hội của cán bộ, công chức. Một số vị đại biểu cho rằng luật này chỉ nên hạn chế cán bộ, công chức đứng ra thành lập hội hoặc tham gia ban lãnh đạo hội.

Phiên thảo luận tại tổ ghi nhận nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về việc hạn chế quyền lập hội của cán bộ, công chức (ảnh: Quochoi.vn).
Phiên thảo luận tại tổ ghi nhận nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về việc hạn chế quyền lập hội của cán bộ, công chức (ảnh: Quochoi.vn).

Mặt khác cũng có quan điểm cho rằng, theo Luật Cán bộ công chức thì cán bộ, công chức có thể không được làm một số việc theo quy định của pháp luật, do đó luật này có thể hạn chế quyền này của cán bộ, công chức, đoàn thư ký kỳ họp phản ánh.

Ý kiến khác đề nghị làm rõ viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang có bị hạn chế quyền lập hội hay không?

Một số ý kiến cũng đề nghị quy định cụ thể hơn về quyền lập hội của công dân; đồng thời, cần phân định rõ những nội dung quy định trong Luật, những vấn đề như tổ chức, hoạt động của hội; chia, tách hội; quyền và nghĩa vụ của hội viên nên để hội quy định trong điều lệ, loại bỏ các quy định mang nặng tính quản lý hành chính, phức tạp, mất nhiều thời gian làm hạn chế hoạt động của hội.

Quy định rõ độ tuổi lập hội của công dân gắn với tính chất, đặc thù của hội, chẳng hạn 21 tuổi trở lên có quyền thành lập hội, từ 16 tuổi trở lên có quyền tham gia một số loại hội  hoặc từ 18 tuổi trở lên có quyền tham gia hội cũng là đề nghị tại một số tổ đại biểu.

Về nguyên tắc tổ chức hoạt động của hội, một số vị đại biểu cho rằng hội không nhất thiết phải có nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận”, vì hiện nay có nhiều hội làm kinh tế để duy trì hoạt động hội và tự trang trải kinh phí hoạt động.

Liên quan đến điều kiện thành lập hội, bên cạnh quan điểm một cá nhân cũng có thể thành lập tổ chức xã hội như quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì ý kiến khác đề nghị nên cân nhắc điều kiện từ 3 cá nhân trở lên là có thể thành lập hội, vì không thể đáp ứng yêu cầu của hiệp hội. Vì vậy đề nghị sửa đổi số lượng thành viên tối thiều của hội là 5 hoặc 10 người trở lên.

Tổng hợp ý kiến tại các tổ thảo luận còn phản ánh, một số ý kiến đề nghị bổ sung các hành vi bị cấm như: lợi dụng việc thành lập hội để rửa tiền, trốn thuế; cá nhân cá nhân không được tham gia hoạt động hội khi hội đã bị tạm đình chỉ hay đình chỉ; cản trở và gây khó khăn cho hoạt động của hội dưới mọi hình thức; hội chưa được thành lập nhưng đã có những hoạt động nhất định; biểu tượng của hội không được phản cảm ...

Nhận xét chung, có vị đại biểu cho rằng, hội có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt trong việc thực hiện các chính sách xã hội đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển hội, có tâm lý e ngại hội phát triển.

Về quan điểm quản lý, Đoàn Thư ký kỳ họp cho biết, nhiều ý kiến đề nghị phải tránh hành chính hóa các hội, đừng biến các hội thành cơ quan nhà nước, cán bộ hội thành cán bộ, công chức nhà nước; hội phải hoạt động đúng với bản chất của hội, hướng về lợi ích của hội viên; hội phải tự trang trải kinh phí, không nên phát triển các hội do nhà nước bao cấp.

Có ý kiến cho rằng, quản lý hội cũng không đơn giản do hội là tổ chức tự nguyện của người dân, đa dạng về hình thức, phong phú về hoạt động, bên cạnh đó có một số lượng lớn hội không đăng ký, do đó để quản lý hội được chặt chẽ thì Nhà nước phải có biện pháp quản lý phù hợp, thích ứng với hoàn cảnh cụ thể, tránh rập khuân, cứng nhắc.

P.Thảo