1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công bố chính sách lương để hạn chế đình công

(Dân trí) - Sáng nay 22/10, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức họp báo thông báo về dự kiến điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với doanh nghiệp từ 1/1/2008. Các doanh nghiệp trong nước dự kiến tăng khoảng 20-38% so với quy định hiện nay là 450 nghìn/tháng, doanh nghiệp FDI tăng 13-15%.

Cơ sở thương lượng giữa doanh nghiệp và người lao động

 

Thứ trưởng Huỳnh Thị Nhân cho biết, thông thường Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức họp báo về việc điều chỉnh tiền lương sau khi Chính phủ ban hành Nghị định. Tuy nhiên lần này, việc họp báo được thực hiện khi Bộ mới đang trình Chính phủ dự thảo.

 

Nguyên do là gần đây, tại một số doanh nghiệp ở địa phương, giá cả có chiều hướng tăng lên khiến đời sống của người lao động (NLĐ) gặp khó khăn, nhiều nơi đã xảy ra đình công. Bộ LĐ-TB&XH tổ chức họp báo, công bố dự kiến về điều chỉnh mức lương tối thiểu nhằm hạn chế tối đa những tranh chấp lao động, đồng thời giúp doanh nghiệp và NLĐ chủ động hơn trong việc đàm phán, thương lượng lương.

 

Theo ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ tiền lương - tiền công, để tiến tới thực hiện thống nhất mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp trong nước và FDI vào năm 2012, dự kiến mỗi năm chúng ta sẽ có sự điều chỉnh lương tối thiểu đối với doanh nghiệp trong nước cao hơn so với doanh nghiệp FDI.

 

Người lao động cũng cần hiểu rằng việc tăng lương tối thiểu trong các doanh nghiệp khác với việc tăng lương trong các đơn vị hành chính sự nghiệp. Có nghĩa là không phải NLĐ nào cũng được tăng lương. Chẳng hạn như những doanh nghiệp trả lương theo hệ số dựa trên tiền lương tối thiểu thì NLĐ sẽ được tăng, còn những nơi trả lương theo sản phẩm, hoặc trả thành một khoản nhất định thì không.

 

Bảo đảm quyền lợi cho NLĐ thu nhập thấp

 

Phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu được quy định theo 3 vùng đối với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Vùng 1 bao gồm các quận thuộc TP Hà Nội, TPHCM. Vùng 2 gồm các huyện thuộc TP Hà Nội, TPHCM; các quận thuộc TP Hải Phòng; TP Hạ Long; TP Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai; TP Vũng Tàu; thị xã Thủ Dầu Một, các huyện thuộc tỉnh Bình Dương. Vùng 3 là các địa bàn còn lại.

 

Chênh lệch mức lương tối thiểu giữa 3 vùng khoảng 10%. Đối với doanh nghiệp trong nước, dự kiến tăng khoảng 20-38%, tùy theo vùng. Đối với doanh nghiệp FDI, dự kiến tăng khoảng 13-15%, tùy theo vùng. Đây là mức lương thấp nhất và người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiền lương nhưng không được thấp hơn mức lương này.

 

Việc quy định, điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1/1/2008 theo phương án giảm dần khoảng cách chênh lệch mức lương tối thiểu giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

 

Ông Huân khẳng định, qua khảo sát tình hình thực tế, việc tăng mức lương tối thiểu thực chất không tác động lớn tới tăng chi phí của doanh nghiệp, các doanh nghiệp chỉ chủ yếu tăng thêm chi  phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bởi trên thực tế, tiền công, tiền lương mà NLĐ được nhận hiện nay cao hơn nhiều so với tiền lương tối thiểu.

 

Tuy nhiên, vẫn còn một số ngành, mức thu nhập của NLĐ luôn ở trong tình trạng chỉ ở mức lương tối thiểu các doanh nghiệp sản xuất gia công, dệt may, da giày, chế biến...

 

Cũng có ý kiến cho rằng việc tăng lương tối thiểu có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp sẽ đồng ý tăng lương tối thiểu cho NLĐ nhưng lại cắt các khoản phúc lợi khác, và thực chất số tiền mà NLĐ được nhận vẫn chỉ như trước. Về việc này, phía Bộ LĐ-TB&XH lạc quan cho rằng sẽ rất ít khi xảy ra vì ngoài giá cả thị trường, tiền lương còn bị chi phối bởi giá cả tiền công trên thị trường. Nếu doanh nghiệp không có sự điều chỉnh thích hợp, họ sẽ không thể bảo đảm nguồn lao động cho doanh nghiệp, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp tới sự kinh doanh của các doanh nghiệp.

 

Lan Hương