Có thể đào thải rượu, bia "khẩn cấp" ra khỏi cơ thể không?

(Dân trí) - Ông Bùi Huynh Long - nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, cách duy nhất đào thải rượu bia ra ngoài cơ thể là thời gian, còn một số cách khác đều không đúng.

Ngày 9/1, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tuyên truyền ATGT - Phòng chống tác hại của rượu bia. Buổi lễ có sự tham dự của đại diện Bộ GTVT, Ủy Ban ATGT Quốc gia, Hiệp hội Taxi Hà Nội, doanh nghiệp taxi và các lái xe.

Phát biểu tại buổi lễ trên, ông Bùi Huynh Long - nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Đã sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông là rất nguy hiểm, bởi nó làm suy yếu các chức năng của não bộ; Giảm khả năng làm nhiều việc một lúc; Làm giảm khả năng phán đoán; Tạo sự tự tin giả; Đảo lộn tầm nhìn, đặc biệt vào ban đêm; Làm cho dễ buồn ngủ; Ảnh hưởng đến sự cân bằng.

Có thể đào thải rượu, bia khẩn cấp ra khỏi cơ thể không? - 1

Ông Bùi Huynh Long - nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia.

Cũng theo ông Long, hiện nay nhiều người có quan điểm sai về việc đào thải rượu bia ra khỏi cơ thể bằng các cách như: nôn, đi tiểu, tắm, hít khí trời, hát karaoke, uống nước cam,... Tuy nhiên, theo ông Long, cách duy nhất để đào thải cồn ra khỏi cơ thể là thời gian. 

"Ví dụ về thời gian đào thải chất cồn ra ngoài cơ thể: Lúc 19h một người bắt đầu uống rượu, đến 23h lượng cồn trong máu là 150 mg/100 ml máu và khoảng 24h là 160 mg/100 ml máu. Đến tận 16h ngày hôm sau lượng cồn trong máu mới hoàn toàn đào khỏi cơ thể" - ông Long phân tích.

Tại buổi lễ trên, bà Lê Minh Châu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội ATGT Việt Nam - cho biết: Năm 2019, Hội An toàn giao thông Việt Nam đã tổ chức 3 hội thảo hội nghị tại 3 miền Bắc-Trung-Nam để công bố, chia sẻ kết quả nghiên cứu hoạt động của Hội đã làm trong năm 2018 về phòng chống tác hại của rượu bia đối với người điều khiển phương tiện xe máy khi tham gia giao thông.

Có thể đào thải rượu, bia khẩn cấp ra khỏi cơ thể không? - 2

Bà Lê Minh Châu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội ATGT Việt Nam.

Theo bà Châu, nghiên cứu của Hội là minh chứng cho sự kết hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, sự phát huy trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu trong việc thực hiện những dự án phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.

"Trước đây đã có nhiều nghiên cứu về hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe ô tô, nhưng hiện nay chúng tôi hướng tới những người đi xe máy. Những kết quả kiến nghị của chúng tôi lên cơ quan chức năng cũng góp phần xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Ngày hôm nay, chúng tôi lại một lần nữa kêu gọi toàn bộ mọi người đã uống rượu bia thì không lái xe. Tôi muốn lan tỏa văn hóa đã uống rượu bia thì không lái xe" - bà Châu phát biểu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (2012), ở Việt Nam có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu (BAC) vượt ngưỡng cho phép. Theo UBATGT QG (2016) thì gần 40% các vụ TNGT xảy ra do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu bia.

Mặc dù công tác tuần tra xử phạt, tuyên truyền, khuyến khích các dịch vụ lái xe đưa người uống về nhà đã và đang được tăng cường thực hiện, tình trạng uống rượu bia và lái xe (URB-LX) vẫn phổ biến, khiến tình hình TNGT do hành vi này gây ra còn diễn biến phức tạp. Thực tiễn này đòi hỏi phải thực hiện một nghiên cứu toàn diện về hành vi này để làm cơ sở khoa học xây dựng các giải pháp, chính sách hiệu quả.

Nghiên cứu này có 3 mục tiêu: Xác định mối tương quan giữa thói quen uống bia rượu và TNGT trong quá khứ; Xác định mối quan hệ giữa nồng độ cồn trong máu (BAC) và xác suất xảy ra TNGT đối với người điều khiển mô tô, xe máy; Đề xuất các giải pháp có tính mới để cắt giảm TNGT do uống rượu bia lái xe gây ra.

Đối tượng nghiên cứu là người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy. Nghiên cứu được tiến hành ở 3 địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội) từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2018.

Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, nếu được thực hiện nghiêm sẽ làm thay đổi thói quen uống rượu bia của người dân, nhất là lái xe taxi. Từ đó, sẽ giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia.

Nguyễn Dương