Cơ quan nhà nước “chen chân” xử phạt báo chí

(Dân trí) - Báo đưa tin sai về giá, cơ quan quản lý báo chí (Bộ Thông tin-Truyền thông) có thể phạt đến 30 triệu đồng nhưng Bộ Tài chính (cơ quan quản lý về giá) có thể phạt báo đến 100 triệu. Bộ nào “nhanh chân” lập biên bản vi phạm trước có quyền xử phạt…

Đây là những vấn đề thực tế đặt ra trong cuộc họp báo quý IV tổ chức ngày 31/12 của Bộ Tư pháp khi các phóng viên thể hiện sự quan tâm đặc biệt về các qui định xử phạt các vi phạm hành chính (VPHC) trong hoạt động báo chí trong các nghị định hướng dẫn việc xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực.

Ông Đặng Thanh Sơn - Tổ trưởng Tổ triển khai các Nghị định về xử lý VPHC cho biết, đây là vấn đề thực tiễn đặt ra không chỉ ở việc xử lý VPHC lĩnh vực báo chí mà ở các lĩnh vực khác. Ông Sơn thừa nhận, hiện các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản bị điều chỉnh bởi nhiều Nghị định về các lĩnh vực khác nhau và do Chính phủ quy định chứ không phải do do các Bộ ngành tự đặt ra.

Do số Nghị định xử lý VPHC giảm từ gần 130 Nghị định xuống còn hơn 50 Nghị định, mà số hành vi trong lĩnh vực báo chí bị xử lý là rất nhiều nên dễ trùng lắp trong qui định xử lý ở các văn bản khác nhau.

Ông Đặng Thanh Sơn, bà Nguyễn Thị Kim Thoa tại cuộc họp báo
Ông Đặng Thanh Sơn, bà Nguyễn Thị Kim Thoa tại cuộc họp báo

Ông Sơn cho rằng không loại trừ có thể có trường hợp do trùng lắp và chênh nhau về mức phạt. Nếu có quy định xử lý khác nhau về cùng một một vấn đề thì áp dụng theo quy định được ban hành gần nhất.

Một trường hợp cụ thể được dẫn chứng, cùng một hành vi thông tin sai về giá cả nếu áp dụng theo Nghị định xử phạt hành chính đối với báo chí thì mức phạt cao nhất là 30 triệu đồng nhưng theo nghị định về quản lý giá thì Bộ Tài chính có thể xử phạt 100 triệu đồng.

Ông Đặng Thanh Sơn thừa nhận đây là một sự bất hợp lý và khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ thường xuyên nhận phản ánh và thực hiện việc rà soát, đánh giá, qua thực tiễn thấy điểm nào chưa có hợp lý sẽ kịp thời tổng hợp, xử lý báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

Với trường hợp vụ việc có nhiều cơ quan nhà nước tham gia quản lý, thẩm quyền xử phạt xác định theo nguyên tắc, cơ quan nào thụ lý đầu tiên thì cơ quan đó sẽ xử phạt để tránh tình trạng nhiều cơ quan cùng “dẫm chân lên nhau”. Căn cứ để xác định thời điểm thụ lý vụ việc chính là thời điểm biên bản vi phạm hành chính đầu tiên được lập.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa- Vụ trưởng Vụ hình sự hành chính cũng viện dẫn một số ví dụ cụ thể để bổ sung cho nguyên tắc xử phạt hành chính là căn cứ tính chất vi phạm và hậu quả gây ra, theo đó, cùng là hành vi hút thuốc lá nơi công cộng là trong lĩnh vực y tế có thể bị phạt 100 -300 ngàn đồng nhưng nếu hút trên máy bay thì sẽ bị điều chỉnh bởi quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực hàng không với mức phạt có thể lên tới 3 triệu đồng.

“Với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm về tính thống nhất của pháp luật, Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm định, cho ý kiến với Chính phủ đều có quan điểm về các hành vi không có tính đặc thù thì chỉ đưa về một văn bản mà thôi. Nhưng trong các nghị định có một số hành vi mang tính đặc thù nên mới có quy định như vậy” – bà Thoa khái quát.
 

Cân nhắc việc “bêu” tên người vi phạm giao thông trên báo

Nêu quan điểm về đề xuất của Bộ Công an về việc đưa tên người vi phạm giao thông lên báo chí, đại diện Bộ Tư pháp khẳng định, vấn đề này đang xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng việc đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng như thế là tốt, động đến lòng tự trọng của người vi phạm, họ sẽ thấy xấu hổ và sẽ không tái phạm. Ngược lại, có ý kiến cho rằng, quy định này không phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính, đó là khi xử phạt thì phải bảo đảm danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt. Hiện các chuyên gia pháp lý của Bộ Tư pháp và Bộ Công an đang thảo luận tích cực, cân nhắc từng chi tiết để  Nghị định được ban hành để đảm bảo tính khả thi.

P.Thảo