Cơ quan chống buôn lậu được giữ lại 30% số tiền xử phạt?

(Dân trí) - Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi quy định theo hướng số tiền xử phạt và bán hàng tịch thu trong vi phạm hành chính sau khi trừ chi phí xác minh, cơ quan bắt giữ xử lý được trích lại 30%, còn lại 70% nộp ngân sách nhà nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với Lê Nguyễn Thị Ái Trâm, cán bộ hải quan sân bay Tân Sơn Nhất về hành vi buôn lậu (Ảnh: Báo CAND).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với Lê Nguyễn Thị Ái Trâm, cán bộ hải quan sân bay Tân Sơn Nhất về hành vi buôn lậu (Ảnh: Báo CAND).

Trong văn bản báo cáo tình hình thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tham mưu, sửa đổi các quy định pháp luật không thống nhất, khả thi, chồng chéo, mâu thuẫn để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật liên quan đến lĩnh vực này nói riêng.

“Thành lập, kiện toàn lực lượng quản lý thị trường theo ngành dọc, do Bộ Công thương thống nhất quản lý. Đồng thời xem xét, trình Quốc hội sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định mức phạt tiền đến bao nhiêu đồng thì chuyển hồ sơ sang truy cứu trách nhiệm hình sự”- Bộ Tư pháp kiến nghị.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 173/2013 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính theo hướng số tiền xử phạt và bán hàng tịch thu trong vi phạm hành chính sau khi trừ chi phí xác minh, cơ quan bắt giữ xử lý được trích để lại 30%, còn lại 70% nộp ngân sách nhà nước để đảm bảo các đơn vị có chức năng chủ động trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

“Hướng dẫn thực hiện các chính sách trích khen thưởng từ nguồn trích lại xử lý vi phạm hành chính để động viên, khích lệ, góp phần chống tiêu cực trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kết hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm soát chống buôn lậu chuyên trách đảm bảo việc thực thi đúng các quy định của pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới đạt hiệu quả cao, tránh bỏ lọt tội phạm”- Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng ký duyệt cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung một Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về pháp luật, về tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời Thủ tướng xem xét, phê duyệt Chương trình Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến năm 2020 do Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với Bộ Công thương xây dựng, hoàn thiện.

Trước đó như Dân trí phản ánh, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cho rằng một bộ phận cán bộ, công chức, người có thẩm quyền có nhận thức yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật, buông lỏng quản lý; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là ở một số lĩnh vực, ngành hàng có lợi nhuận lớn.

Dẫn chứng cụ thể nhất là việc Cơ quan CSĐT Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Lê Dũng - nguyên Giám đốc Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn và đồng phạm về tội buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Trong số 43 bị can bị đề nghị truy tố có 31 cán bộ hải quan của TPHCM và An Giang bị khởi tố về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm...

Tháng 1/2016, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 4 bị can về tội “Buôn lậu”, trong đó có Lê Nguyễn Thị Ái Trâm (SN 1978, ngụ quận Tân Bình, TPHCM), nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, người có nhiệm vụ kiểm hóa hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch. Trâm đã ký không trên tờ khai hải quan cho 13 kiện hàng, thực hiện trót lọt phi vụ nhập lậu 844 chiếc máy tính bảng và điện thoại di động các loại (trong đó có 714 chiếc iPhone) với tổng giá trị trên 9 tỷ đồng từ Hong Kong về Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất vào tháng 1/2015.

Trước đó, tháng 6/2015, Công an Hải Phòng ra quyết định khởi tố bị can đối với Đỗ Văn Toanh (đội trưởng), Hoàn Văn Trọng (tổ trưởng) thuộc Đội Quản lý thị trường số 4 - Chi cục Quản lý thị trường TP Hải Phòng về hành vi “Nhận hối lộ”. Khoảng tháng 10/2014, hai cán bộ này đã phát hiện Công ty TNHH Quang Minh (trụ sở tại xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, Hải Phòng) sản xuất giày dép giả các thương hiệu lớn để bán ra thị trường. Ông Toanh và ông Trọng đã không lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mà đã nhận hàng trăm triệu đồng của chủ doanh nghiệp để bỏ qua hành vi sản xuất hàng giả...

Kha Xuân Lộc