1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cô giáo Hòa và lớp học đặc biệt giữa lòng Hà Nội

(Dân trí) - "Ta trao đi yêu thương, được nhận lại yêu thương. Đó chẳng phải là hạnh phúc lớn lao nhất của đời người sao?", cô Lê Thị Hòa - một trong 10 gương mặt Công dân ưu tú Thủ đô năm 2019 chia sẻ về lớp học tình thương của mình như thế .

Người mẹ của những "đứa trẻ đặc biệt"

“Nhiều người lắc đầu, thở dài khi gặp những đứa con “đặc biệt” của tôi. Họ lắc đầu, họ thở dài vì không hiểu sao tôi có thể kiên nhẫn với những đứa trẻ đó – những “đứa trẻ” to cao hơn cả cô giáo mà vẫn nói ú ớ, ngô nghê. Đứa nhỏ hơn thì nghịch ngợm, phá phách, “sở thích đặc biệt” là cắn và tát cô giáo đến đau điếng người… Họ cho rằng, những đứa trẻ ấy là “dị biệt” còn với tôi chúng là những đứa trẻ “đặc biệt”. Họ có thể nhìn các con bằng ánh mắt thương hại, còn tôi thì đến với các con bằng tình thương, sự cảm thông và niềm tin mạnh mẽ…” – cô Lê Thị Hòa nghẹn ngào nhắc về hơn 60 học trò trong lớp học tình thương của mình.

12 năm qua, cứ vào mỗi sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, bất kể ngày nắng hay mưa, cô giáo Lê Thị Hòa vẫn cần mẫn đến với lớp học tình thương tại chùa Hương Lan (thông Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Trong căn phòng nhỏ, những đứa trẻ ê a đọc chữ theo sự hướng dẫn của cô giáo Hòa.

Lớp học hiện nay có 63 em thì 42 em là trẻ khuyết tật, còn lại là học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong suốt 3 giờ lên lớp, cô Hòa cứ luôn chân luôn tay, lúc thì cầm tay bạn học sinh mới nắn nót viết từng chữ o, chữ a, lúc thì cùng bạn lớn hơn cộng nhẩm, làm toán, rồi có khi lại vội vã dỗ dành một bạn đang khóc mếu máo đòi về nhà…

Cô giáo Hòa và lớp học đặc biệt giữa lòng Hà Nội - 1

Đây đã là năm thứ 12 lớp học tình thương hoàn toàn miễn phí của cô Hòa hoạt động.

Đây đã là năm thứ 12 lớp học tình thương hoàn toàn miễn phí của cô Hòa hoạt động.

Từ năm 2002 đến năm 2007, cô Hòa mở lớp dạy cho trẻ khuyết tật không có khả năng đến trường tại chính nhà mình ở thôn Quyết Hạ, xã Đông Sơn. Căn bếp nhỏ bỗng trở thành lớp học vui nhộn của cô Hòa và hàng chục em học sinh nhiễm chất độc màu da cam.

"Tiếng lành" về người nữ giáo viên có tấm lòng thương yêu trẻ như con ngày càng đồn xa, người dân trong vùng có con bị khuyết tật tìm đến, đưa con theo học ngày càng đông. Nhưng cũng vì các con đến đông mà lớp học trở nên chật chội.

Cô Hòa lại quyết tâm đi tìm kiếm nơi học tập tốt hơn cho các con. May thay, cô nhận được sự giúp đỡ của sư thầy trụ trì chùa Hương Lan. Từ ngày 14 tháng 9 năm 2007, những đứa con đặc biệt của cô Hòa được đến với lớp học mới rộng hơn, yên tĩnh và đầy đủ hơn.

“Dạy một đứa trẻ phát triển bình thường đã khó, dạy những bạn khiếm khuyết thì càng khó hơn. Ban đầu, chính cha mẹ các em còn không tin tôi. Họ nói: “Ở nhà chỉ trông một mình cháu vợ chồng tôi còn khó khăn. Đến đây một mình cô dạy dỗ mấy chục cháu thì sức nào chịu nổi?”. Tôi thưa rằng, dạy các con, điều quan trọng nhất là kiên trì, nhẫn nại” – cô Hòa mỉm cười chia sẻ.

Cô giáo Hòa và lớp học đặc biệt giữa lòng Hà Nội - 2

“Có những ngày tôi từ lớp học về nhà, trên tay còn in hằn vết cắn, trên má còn lằn đỏ vì cái tát cả một bạn học sinh mới. Những ngày đầu đến lớp, các bạn ấy nhất quyết đòi cắn, đánh cô mới chịu vào lớp. Ngày 1 ngày hai, các bạn càng cắn đau hơn nhưng để các bạn quen dần với lớp, tôi cắn răng chịu.

Dần dần, tôi phải kêu lên, giả vờ đau quá ngất đi, nằm lăn ra sàn. Các bạn ấy thương cô, lâu dần biết cô đau nên không dám như vậy nữa. Những cái tát cũng dần chuyển thành cái đập tay truyền năng lượng trước khi vào lớp. Đó là những trải nghiệm mà chỉ có dạy những đứa trẻ “đặc biệt” tôi mới có thể được trải qua.” – cô Hòa kể.

“Cha mẹ không dạy tôi làm giàu chỉ dạy tôi yêu thương!”

Ít ai biết rằng, cô giáo Hòa có gia cảnh cũng rất đặc biệt. Cha mẹ cô đều là trẻ mô côi. Ông bà đến với nhau và có 6 người con. Gia đình khó khăn lại đông con, nhưng từ nhỏ, cha của cô giáo Hòa đã luôn dạy con về tình người. Người cha chỉ học hết lớp 3 đó luôn hy vọng cô con gái nhỏ có thể thành một cô giáo gieo con chữ cho trẻ em nghèo, mang tình thương cho những hoàn cảnh bất hạnh.

Cô giáo Hòa và lớp học đặc biệt giữa lòng Hà Nội - 3

“Cha tôi không dạy tôi làm giàu nhưng ông luôn dạy tôi yêu thương, dạy tôi nhân cách sống tốt đẹp cho đời. Của cải vật chất tất nhiên cũng quý nhưng nó không phải là tất cả đối với tôi. Tôi có nhiều món quà đáng giá hơn rất nhiều…” – cô Hòa rưng rưng nước mắt nhưng đầy tự hào kể lại.

“Có lần khi đông vừa chớm đến, một bạn học sinh đã mang đến lớp tặng tôi chiếc khăn len đan tay. Em khoe rằng, chiếc áo len của em bị chuột cắn rách nên mẹ em gỡ len ra, chắt chiu để đan 2 chiếc khăn. Em mang tặng tôi một chiếc để giữ ấm cổ ngày đông. Có lẽ, bạn cũng có thể hiểu phần nào nỗi xúc động trong tôi lúc đó chứ?”.

“Có phụ huynh đợi suốt mấy tiếng ngoài cửa lớp, tôi tan dạy vội chạy đến nhét vào tay tôi 7 quả trứng gà. Bác ấy ngượng ngùng bảo: đợi mãi cho đủ chục trứng mang biếu cô mà gà không đẻ được. Bác ấy sợ trứng hỏng nên mang 7 quả đến biếu trước. Tôi rơi nước mắt vì tình cảm chân thành ấy của phụ huynh. Nhưng tôi chỉ xin nhận 2 quả, dành số còn lại để bác mang về cho con. Đấy, tiền bạc vật chất nào sánh bằng những món quà vô giá như vậy tôi nhận được mỗi ngày”, cô Hòa hạnh phúc chia sẻ.

Cô giáo Hòa và lớp học đặc biệt giữa lòng Hà Nội - 4

Những đứa trẻ “đặc biệt” của cô Hòa, nhiều em đã đọc thông viết thạo, học tập tiến bộ rõ rệt khiến chính cha mẹ các em cũng bất ngờ. Có những em đã đi làm, kiếm được tiền lương đều đặn mỗi tháng, có những em lại ấp ủ giấc mơ làm cô giáo, nối nghiệp "mẹ Hòa"…

“Mẹ Hòa” trở thành Công dân Thủ đô ưu tú 

“Mấy ngày qua, điện thoại tôi reo liên tục. Ai ai cũng gọi điện hỏi thăm, chúc mừng vì tôi vinh dự được vinh danh tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu; vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019”, cô Hòa kể.

Không chỉ mở lớp dạy học miễn phí, cô giáo Lê Thị Hòa còn tổ chức quyên góp tiền để xây nhà tình nghĩa cho nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã. Từ năm 2015 tới nay, cô Hòa đã kêu gọi quyên góp, hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà với tổng trị giá 360 triệu đồng. Cô Hòa còn là cầu nối giữa các nhà hảo tâm, duy trì việc đóng góp kinh phí học tập cho một số học sinh khó khăn.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, có nhiều đóng góp cho xã hội, liên tục từ năm 2008 đến năm 2017, cô giáo Hòa được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen và danh hiệu Tổng phụ trách giỏi; được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng danh hiệu thi đua Tổng phụ trách tiêu biểu cấp thành phố; danh hiệu giáo viên “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” cấp huyện 5 năm liền (2008-2012). Năm 2014, cô giáo Hòa được tặng danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật”; năm 2017 được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” thành phố. Năm 2019, cô giáo Lê Thị Hòa được đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".

Cô giáo Hòa và lớp học đặc biệt giữa lòng Hà Nội - 5

“Chưa bao giờ tôi nghĩ tôi trở thành một Công dân Thủ đô ưu tú, được vinh danh bên cạnh những nhà trí thức tiêu biểu và được đứng cùng với anh hùng dân tộc La Văn Cầu. Đó là dấu mốc đặc biệt không thể quên đối với tôi. Trước đây, tôi chỉ đọc, học về bác La Văn Cầu qua sách, báo. Ngày hôm đó, tôi được ngồi cạnh bác, trò chuyện và nắm tay bác, tôi xúc động vô cùng. Tôi vẫn nghĩ, so với các nhà trí thức, những anh hùng như bác Cầu thì việc làm của tôi vẫn rất bé nhỏ. Nhưng đây cũng chính là động lực để tôi cố gắng nhiều thêm nữa. Tôi tin rằng, khi tôi trao đi yêu thương, tôi sẽ nhận lại yêu thương. Với tôi, sự tiến bộ của các con chính là phần thưởng lớn hơn cả”, cô Hòa nói.

Toàn Vũ