Chuyện về đôi vợ chồng “canh giấc ngủ” cho liệt sĩ Điện Biên Phủ

(Dân trí) - Với mong muốn tri ân các liệt sĩ chiến sĩ Điện Biên đã hy sinh, vợ chồng anh Vương Xuân Thấm và chị Nguyễn Thị Miến ở TP Điện Biên đã bỏ làm cán bộ để chăm sóc cho những người đã ngã xuống trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Hai vợ chồng “người âm”

Những ngày này khắp TP Điện Biên rực rỡ cờ hoa đón chào đại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Dưới cái nắng gay gắt, khắc nghiệt của vùng cao Tây Bắc, vợ chồng anh Thấm vẫn lặng lẽ quét dọn, chăm sóc cho hàng nghìn phần mộ liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tuy là thế hệ sau, không trực tiếp chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh khi phải giành giật từng tấc đất, mỏm đồi Điện Biên Phủ, nhưng vợ chồng anh Thấm thấu hiểu phần nào những hy sinh mất mát, xương máu của cha ông đã đổ xuống vì độc lập dân tộc. Đó là động lực để họ làm công việc hàng ngày là lặng lẽ canh “giấc ngủ” ngàn thu cho các liệt sĩ với tấm lòng tri ân, thành kính.

Anh Vương Xuân Thấm (SN 1967), nguyên quán ở Hưng Yên, trước đây là Trưởng Ban văn hóa của xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Năm 2011, anh Thấm đã có một quyết định khá “đường đột” khiến nhiều bạn bè, những người thân bất ngờ. Đó là từ bỏ tất cả sự thăng tiến, ổn định trong tương lai để đảm nhiệm phần việc chăm sóc cho những “người âm” trong nghĩa trang liệt sĩ.

Một góc nghĩa trang, nơi an nghỉ của các chiến sĩ liệt sĩ Điện Biên Phủ
Một góc nghĩa trang, nơi an nghỉ của các chiến sĩ liệt sĩ Điện Biên Phủ

Anh chia sẻ, ý thức được rằng những con người đang nằm sâu dưới lòng đất kia đã phải cống hiến cả tuổi thanh xuân, sinh mạng của mình để đổi lấy cuộc sống bình yên hôm nay, nên việc anh làm chỉ là đại diện cho thế hệ sau góp một phần nhỏ công sức của mình thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Dù có lúc vất vả nhưng anh luôn tự hào với công việc đền ơn đáp nghĩa của mình.

Thấy chồng luôn tận tụy, hăng say với công việc, dần dần chị Miến cũng thấu hiểu và cảm thông với những gì mà chồng mình đang làm. Năm 2004, chị Miến cũng quyết định bỏ vị trí cán bộ Hội phụ nữ xã Thanh Nưa cùng chồng làm "nhiệm vụ đặc biệt" này.

Một góc nghĩa trang, nơi an nghỉ của các chiến sĩ liệt sĩ Điện Biên Phủ
Chị Nguyễn Thị Miến hồi tưởng về những câu chuyện chị gặp trong công việc hàng ngày về chăm sóc mộ phần các chiến sĩ Điện Biên xưa.
Công việc hàng ngày của vợ chồng chị Miến là chăm sóc mộ các liệt sĩ tại nghĩa trang
Công việc hàng ngày của vợ chồng chị Miến là chăm sóc mộ các liệt sĩ tại nghĩa trang

Chị Miến kể lại, ngày đầu tiên mới nhận công tác tại Nghĩa trang Độc lập lại đúng hôm chị phải trực đêm. Do chưa quen với môi trường công việc, nhà ở cán bộ rất rộng nên chị cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo hơn. Những tiếng tiếng côn trùng, gió lùa trên cao nguyên gió lào làm chị cảm nhận được những cảm giác lo sợ.

“Nhưng nay mọi thứ đã trở nên quen thuộc, vợ chồng tôi coi nghĩa trang như là ngôi nhà thứ hai của mình. Thời gian ở nghĩa trang còn nhiều hơn ở nhà. Nếu hôm nào bị ốm không được ra thăm nghĩa trang lại cảm thấy có lỗi...” - chị Miến tâm sự.

Hiện chị Miến đang làm việc tại Nghĩa trang liệt sỹ đồi A1, hay còn gọi là Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ. Công việc thường ngày là cùng 3 người khác thay nhau quét dọn, chăm sóc cho 644 phần mộ liệt sĩ. Còn anh Thấm đang là nhân viên quảng trang tại Nghĩa trang Độc lập. Cứ vài tháng các nhân viên tại các nghĩa trang lại luân phiên, đổi nơi làm việc với nhau.

Những câu chuyện rớt nước mắt

Trong suốt hơn 10 năm lặng lẽ chăm “giấc ngủ” cho các liệt sĩ, chị Miến đã chứng kiến vô số những câu chuyện về những số phận khác nhau. Có những hoàn cảnh éo le khiến chị không thể cầm nổi nước mắt.

Cách đây 3 năm, khung cảnh tĩnh mịch chiều tháng 6 tại Nghĩa trang Độc Lập bị phá vỡ bởi tiếng khóc nức nở của một cụ bà đã ở tuổi “gần đất xa trời”. Biết đây là trường hợp tới tìm người thân của mình, chị Miến liền đi tới động viên và an ủi. Cụ bà từ Hà Tĩnh đến, chị đã đưa bà về nghỉ lại với gia đình. Chị Miến nghẹn lại, nước mắt tuôn trào khi biết chuyện trước khi đi xa, chồng của bà cụ có để lại lời trăng trối rằng chỉ có một tâm nguyện duy nhất được thắp nén nhang cho người anh trai.

Mộ phần liệt sĩ Bế Văn Đàn tại Nghĩa trang A1 Điện Biên Phủ
Mộ phần liệt sĩ Bế Văn Đàn tại Nghĩa trang A1 Điện Biên Phủ

Con cháu thế hệ sau thắp hương tri ân các anh hùng chiến sĩ Điện Biên xưa tại Nghĩa trang A1
Con cháu thế hệ sau thắp hương tri ân các anh hùng chiến sĩ Điện Biên xưa tại Nghĩa trang A1.

Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã lùi xa. Đã 60 mùa hoa ban nở sau chiến tranh, sự sống người dân nơi vùng cao Tây Bắc đang dần đổi thay rõ rệt. Bên cạnh hàng nghìn liệt sĩ hy sinh phải nằm lại, chúng ta cũng không quên những con người đã tạo nên sự đổi thay từ chính vùng đất bị đạn bom tàn phá ác liệt.

Người anh ấy đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi còn rất trẻ. Nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đến cuối đời ước nguyện đó của chồng bà vẫn không thực hiện được. Thương chồng, sau khi chồng ra đi, bà quyết định bán nốt thóc trong nhà để thuê xe lên Điện Biên thực hiện ước mong của chồng. Thay chồng thắp cho người anh chồng một nén nhang.

“Trường hợp của bác M. (60 tuổi) sống ở TP Hải Phòng cũng khiến tôi day dứt không kém. Bác là con trai duy nhất của một liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Khi cậu bé M. mới lọt lòng được 3 tháng thì người cha phải lên đường nhập ngũ. Ra chiến trường, người cha đã hy sinh trước họng súng của kẻ thù, bỏ lại người vợ trẻ một mình ở vậy nuôi con”.

Bác M. lớn lên và trưởng thành trong sự nuôi nấng của người mẹ và thiếu thốn tình cảm của cha. Trước khi mất, mẹ già có mong muốn đưa hài cốt của chồng về quê hương để đoàn tụ. Không quản ngại đường xa, tốn kém, bác M. đã lên Điện Biên để tìm cha của mình khi đã cao tuổi. Nhưng nhiều lần đi lại, bác vẫn không thể nào tìm được mộ của người cha mình.

Theo chị Miến, cũng có những gia đình vì mù quáng, tin vào nhà ngoại cảm “dỏm” tìm tới nghĩa trang để rồi bị lừa đảo dẫn tới tiền mất tật mang. Thế nên mới có chuyện có gia đình đến nghĩa trang xin làm thủ tục đưa hài cốt về quê. Vì chưa có xét nghiệm khoa học AND nên các nhân viên quản trang cương quyết không cho họ đào hài cốt.

Có sự “hậu thuẫn” của nhà ngoại cảm nên mới có chuyện nhân viên quản trang bị gia đình “trói” lại để họ vào nghĩa trang đào lấy hài cốt. Tuy nhiên, được các nhân viên giải thích rõ ràng, các gia đình này đã hiểu mọi chuyện.

Chị Miến chia sẻ: “Chỉ có những người làm công tác chăm sóc cho phần mộ cho các liệt sĩ, gặp gỡ nhiều hoàn cảnh mới hiểu được những hy sinh, mất mát lớn lao. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng đau thương vẫn còn âm ỉ trong nhiều gia đình. Tôi chọn công việc này cũng chỉ mong các con, các cháu và thế hệ trẻ sẽ phát huy tốt đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sự hy sinh, ngã xuống của thế hệ cha ông để chúng ta được độc lập, tự do”.
 

Điện Biên có 3 nghĩa trang liệt sĩ chiến sĩ chiến dịch Điên Biên Phủ gồm: Nghĩa trang Độc Lập, Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 và Nghĩa trang liệt sĩ Him Lam.

Nghĩa trang Độc Lập rộng khoảng 5ha, là nghĩa trang lớn nhất và đẹp nhất. Nơi đây có 2.432 liệt sỹ an nghỉ. Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 (còn có tên là nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên) thuộc phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, có 644 phần mộ của những cán bộ, chiến sĩ quân đội hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng hầu hết những ngôi mộ ở đây không có tên. Bên cạnh đó có những ngôi mộ của những con người đã rạng danh lịch sử như Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can... 

Quốc Cường - Xuân Thái