Chuyện về bộ hài cốt bị đánh cắp tại ga Yên Bái

(Dân trí) - “Khoảng 20 năm trước, một người đàn ông chừng ngoài 50 tuổi, dáng người khắc khổ, mặc quần áo bộ đội cũ sờn, về đến ga Yên Bái kêu khóc thảm thiết vì bộ hài cốt của con trai ông đã bị đánh cắp tại ga” - ấy là câu chuyện người dân kể lại.

Theo những người dân sống lâu đời tại ga Yên Bái, người đàn ông đó nói là con trai ông hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, thi hài an táng ngay tại trận địa. Hơn 10 năm sau ngày con hy sinh, gia đình ông mới gom góp đủ tiền để lên mang hài cốt của con về quê an táng (theo lời kể thì quê ông ở tỉnh Hà Nam Ninh cũ).
 
Chuyện về bộ hài cốt bị đánh cắp tại ga Yên Bái - 1

Ngôi mộ vô danh nằm ngay dưới chân cột đèn tín hiệu báo tầu, phía Bắc ga Yên Bái, được nhiều bà con trong vùng đồn đoán là mộ phần liệt sĩ. (ảnh: H.Ngân)

Lúc đó, do quy định của nhà tầu không cho mang hài cốt lên tầu, nên ông đã bọc hài cốt cẩn thận trong nhiều lớp túi. Kẻ trộm tưởng món “hàng ngon”, thừa cơ khi ông ngủ mệt đã lấy cắp. Sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả, hết tiền ông đành đi nhờ nhà tàu về xuôi và biệt tăm tới tận bây giờ.

Vụ trộm hài cốt 20 năm trước qua lời kể của vợ đồng đảng

Theo những người dân sống quanh ga Yên Bái khẳng định, kẻ đánh cắp bộ hài cốt đó chính là B - một thanh niên nhà gần ga Yên Bái chuyên làm nghề bốc vác trên tầu. Sau này B bị CA tỉnh Yên Bái bắt đi cải tạo về một vụ trộm khác. Ra tù B đã bỏ vợ ở Yên Bái để đi lấy người vợ khác dưới xuôi.

Để tìm hiểu rõ thực hư về vụ trộm cắp bộ hài cốt, chúng tôi đã gặp chị N (vợ cũ của B). Chị N kể rằng, vào khoảng độ mùa thu năm 1989, chị vẫn nhớ như in, khi đang mang thai đứa con gái đầu lòng với B, lúc đó khoảng đầu giờ chiều, B cùng 2 người đàn ông lạ mặt bước vào nhà mở bọc hàng ra, chị giật mình nhận ra đó là một bộ hài cốt.
 
Chuyện về bộ hài cốt bị đánh cắp tại ga Yên Bái - 2

Chị N kể với PV Dân trí  về chuyện 2 người lạ mặt cùng chồng mình mang bộ hài cốt về nhà. (Ảnh: H.Ngân) 

“Tôi đuổi họ ra khỏi nhà, còn chồng tôi nói rằng, đó là bạn anh ấy mang bộ xương khỉ về để nấu cao. Sau đó họ mang bộ hài cốt ra khỏi nhà… Đến hôm sau tôi thấy người dân túm tụm bên đường tầu, tôi chạy ra xem và nhận ra đúng “bọc hàng” hôm qua họ mang đến nhà tôi và vứt lại bên đường tầu” - Chị N kể tiếp - “Sau đó người dân xung quanh đã tiến hành chôn lấp bộ hài cốt đó, ngay dưới chân cột đèn tín hiệu báo tầu phía Bắc ga Yên Bái (hiện nay thuộc phường Hồng Hà, TP Yên Bái).

Chị N cho biết thêm, bộ hài cốt đó được gói bằng rất nhiều lớp vải. Túi đựng bên ngoài không nhớ là ba lô hay túi du lịch, nhưng không thấy vật dụng gì kèm theo bộ hài cốt để thể hiện đó là bộ hài cốt của quân nhân.

Chưa thể khẳng định đó là mộ phần liệt sĩ

Chiều ngày 17/2, chúng tôi cùng với Thiếu tá Đỗ Xuân Nguyện, cán bộ phụ trách chính sách (Ban Chỉ huy Quân sự TP Yên Bái) và Đại úy Hoàng Việt Anh - cán bộ trợ lí Ban chính sách (Phòng Chính trị, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái) cùng chính quyền phường Hồng Hà đã đến ga Yên Bái để xác minh thực hư về câu chuyện bộ hài cốt liệt sĩ bị đánh cắp và bỏ lại bên đường ray.

Vẫn còn đó, nấm mồ vô danh nằm lẻ loi dưới cột đèn tín hiệu phía Bắc ga Yên Bái, cạnh đường ray. Nhiều năm nay nấm mồ này vẫn được người dân trong vùng quan tâm xây gạch bao quanh và thường xuyên nhang khói. Người dân cho rằng: Đó chính là mộ phần liệt sĩ được xây dựng bắt nguồn từ bộ hài cốt mà ông cụ bị mất cắp tại ga Yên Bái khoảng 20 năm trước.
 
Chuyện về bộ hài cốt bị đánh cắp tại ga Yên Bái - 3

Thượng tá Nguyễn Ngọc Điệp. (ảnh: H. Ngân)

Ông Nguyễn Văn Tân, năm nay 72 tuổi, vốn là lái tàu hỏa tuyến Hà Nội - Lào Cai và nhiều người dân quanh khu vực ga Yên Bái khẳng định, ngôi mộ đó có chôn bộ hài cốt liệt sĩ mà ông cụ bị mất cắp trước đây. Nhiều tờ báo gần đây cũng lên tiếng khẳng định đó là mộ liệt sĩ.

Tuy nhiên khi phóng viên Dân trí hỏi những người dân này thì tất cả đều khẳng định không ai được gặp ông cụ bị mất bộ hài cốt đó mà chỉ nghe người dân quanh vùng truyền tai nhau rồi kể lại câu chuyện “ông cụ bị mất bộ hài cốt liệt sĩ”.

Anh Nguyễn Tiến H, một trong những người được cho là nhân chứng sống chứng kiến và cung cấp thông tin trên nhiều tờ báo thời gian vừa qua, khi phóng viên Dân trí hỏi chuyện cũng nói rằng: Không có cơ sở nào để chứng minh đó là mộ liệt sĩ, bản thân anh cũng không được trực tiếp nghe thấy ông cụ đó than khóc về việc ông có con trai hi sinh tại mặt trận biên giới phía Bắc. Câu chuyện đó anh cũng chỉ được người dân đi chợ kể lại như vậy.

Còn theo anh Trần Đức Thọ (SN 1973, tổ 10 phường Hồng Hà, TP Yên Bái), nhà cách ngôi mộ khoảng 50m, kể lại: Vào khoảng cuối những năm 80, khi anh cùng với người em sang nhà anh rể Phạm Thanh Hà ở bên kia đường tầu thì phát hiện ra một bao tải nghi là của kẻ cắp vứt lại. 3 anh em nhà anh Thọ mở ra xem thì phát hiện ra bộ hài cốt bình thường, không thấy có vật dụng gì kèm theo cho thấy đó là bộ hài cốt của quân nhân.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Điệp, Chính trị viên, Ban chỉ huy quân sự TP Yên Bái nói, sau khi một số cơ quan ngôn luận cho rằng ngôi mộ nằm ở cột đèn tín hiệu phía Bắc ga Yên Bái là ngôi mộ liệt sĩ, BCH đã tiến hành tìm hiểu các thông tin về ngôi mộ. Qua tìm hiểu, Thượng tá Điệp cho biết: Có xảy ra vụ việc mất trộm bộ hài cốt vào khoảng những năm cuối thập niên 80 thế kỉ trước. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định ngay được đây có phải là mộ liệt sĩ hay không. Với trách nhiệm của mình, Ban Chỉ huy quân sự thành phố sẽ báo cáo vấn đề này lên cấp trên để xin ý kiến thông báo đến Ban chỉ huy quân sự các tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình (tỉnh Hà Nam Ninh cũ, nơi có khả năng có thân nhân của mộ phần trên) và qua nhiều kênh thông tin khác để mong tìm được người thân cho người đã khuất.

 
Chuyện về bộ hài cốt bị đánh cắp tại ga Yên Bái - 4

Anh Thọ khẳng định, 3 anh em nhà anh là những người trực tiếp mở bọc đựng hài cốt ra xem nhưng không thấy vật dụng nào thể hiện đó bộ hài cốt của quân nhân. (ảnh: H.Ngân)

Thượng tá Điệp nói thêm: thông tin được gửi đến các địa phương trước hết là tìm nạn nhân của vụ bị mất trộm bộ hài cốt trên vào quãng thời gian cuối những năm thập niên 80.

Nếu có người nhận, từ đó sẽ tiếp tục xác minh thêm nhiều khía cạnh khác để khẳng định có phải là mộ liệt sĩ hay không. Nếu đúng là mộ phần liệt sĩ, Ban Chỉ huy quân sự và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái sẽ có trách nhiệm tiến hành làm các thủ tục theo đúng quy định.

Bà Phạm Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Hà - TP Yên Bái cho biết: Sau khi cố gắng tìm mọi cách để tìm người thân cho ngôi mộ, nếu không thành, chính quyền địa phương sẽ kiến nghị lên UBND TP Yên Bái xem xét quy tập ngôi mộ vào nghĩa trang của địa phương theo quy định.

Hồng Ngân