Chuyên gia Mỹ sẽ sang Việt Nam nghiên cứu sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi

(Dân trí) - Dự kiến, tháng 1/2020, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam để cùng phối hợp nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi.

Sáng nay (26/12), tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.

Bên lề Hội nghị trên, phóng viên Dân trí đã cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về công tác nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại Việt Nam.

Chuyên gia Mỹ sẽ sang Việt Nam nghiên cứu sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi - 1

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (phải) trao đổi với phóng viên Dân trí.

Ông Cường cho biết, Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu để sản xuất vắc xin phòng DTLCP và bước đầu đã có tín hiệu tích cực ở giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Hiện ngành nông nghiệp cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành chức năng khác để tiếp tục công việc nghiên cứu trên.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ: "Đây là công việc rất khó, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Tới đây, chúng tôi sẽ hợp tác với Hoa Kỳ và Hà Lan để cùng phối hợp nghiên cứu sản xuất loại vắc xin này. Hoa Kỳ đã có thông báo về kết quả sản xuất vắc xin này rất khả quan. Dự kiến, tháng 1/2020, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam để cùng phối hợp nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng DTLCP".

Cũng theo ông Cường, hiện nay, Bộ NN&PTNT không chỉ phối hợp với các Viện nghiên cứu, các trường đại học của Nhà nước mà còn mở rộng phối hợp với các tập đoàn lớn cùng tham gia vào công tác nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng DTLCP.

Trước đó, tháng 7/2019, Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp bàn về một số kết quả bước đầu nghiên cứu vắc xin, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tại cuộc họp trên, bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay học viện đang thực hiện 7 đề tài nghiên cứu do Bộ NN&PTNT giao, ngoài ra còn có 7 đề tài nghiên cứu khác do học viện chủ động thực hiện như thử chế phẩm nano bạc, thử độc lực virus trên lợn… Đáng chú ý, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu vắc xin vô hoạt, bước đầu đã thành công trong phòng thí nghiệm.

Chuyên gia Mỹ sẽ sang Việt Nam nghiên cứu sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi - 2

Bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, trong khi thử độc lực vi rút trên lợn thì đã chọn ra được 3 chủng vi rút dịch tả lợn châu Phi có độc lực cao. Xác định được cơ chế sinh bệnh, sự phân bố của vi rút trong cơ quan con lợn. Bà Lan thông tin, đến nay các nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo được vắc xin vô hoạt thế hệ mới, bước đầu có kết quả tốt trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên diện hẹp. 

Theo đó, vắc xin thử nghiệm đã được tiến hành tại 3 trại lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi thuộc 3 hộ gia đình khác nhau ở Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình. Kết quả cho thấy, toàn bộ 16/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình này đều sống khoẻ mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khoẻ mạnh. Trong khi những con lợn không được tiêm vắc xin thì đều chết do bênh dịch tả lợn châu Phi. 

Đánh giá về độ an toàn của vắc xin, bà Lan cho biết, vắc xin an toàn đối với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng (có 83,3% lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên). 

Cũng theo bà Lan, với loại vắc xin vô hoạt đã sản xuất ra, cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thêm trên diện rộng hơn. "Trong khi đợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu và sản xuất vắc xin, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm cấp III, chúng tôi cũng đề nghị nhóm nghiên cứu chuẩn bị sản xuất từ 300 - 500 liều vắc xin để phục vụ thí nghiệm. Hạn chế, khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết để sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp", bà Lan nói.

Theo Cục Thú y, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 24/12/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 8.532 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị tiêu hủy là gần 5.970.000 con; với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn (chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng của cả nước.

Nguyễn Dương