1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyên gia môi trường nói gì về đề xuất xây sân golf gần sông Đuống?

(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng, việc UBND tỉnh Bắc Ninh đang đề xuất cho xây dựng sân golf 27 lỗ cạnh sông Đuống là không hợp lý, bởi dự án này sẽ đe dọa nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang vừa ký văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xin ý kiến thẩm định thực hiện dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.
 

Theo đó, Dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ sẽ do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản HUDLand và Công ty Cổ phần Tư vấn và Thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư...

Trong văn bản do bà Nguyễn Hương Giang- Chủ tịch UBND tỉnh ký, có nêu: Tỉnh mong sớm nhận được ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về những nội dung có liên quan để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Bắc Ninh đề xuất "được" làm sân golf. Trước đó tỉnh Bắc Ninh đã từng đề xuất được làm sân golf ở huyện Tiên Du và Yên Phong, song không được chấp thuận hoặc chủ đầu tư không đủ năng lực để đầu tư dự án.

Được biết, dự án sân golf mà tỉnh Bắc Ninh đang đề xuất nằm trên địa bàn xã Đình Tổ của huyện Thuận Thành có vị trí nằm hoàn toàn ngoài đê sông Đuống và nhiều người cũng lo ngại, nếu sân golf được xây dựng tại đây sẽ lấy đi đất bờ xôi ruộng mật của nông dân; đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, khi lượng chất thải từ sân golf đổ ra sông Đuống - nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân của tỉnh Bắc Ninh.

Chuyên gia môi trường nói gì về đề xuất xây sân golf gần sông Đuống? - 1

Vị trí xã Đình Tổ, nơi dự định xây sân golf 27 lỗ.

Liên quan đến nội dung trên, chiều 18/3, phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc dự án xây dựng golf nói trên gần sông Đuống có hợp lý?

Ông Khải cho biết, việc nhiều người lo ngại dự án sân golf có tác động xấu đến môi trường là hoàn toàn có cơ sở. Bởi khi triển khai dự án, chủ đầu tư sẽ phải dùng hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,... để chăm sóc cỏ. Nếu không có biện pháp tốt, lượng hóa chất này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống của người dân khu vực.

"Những năm 1988, 1994 tôi đi nghiên cứu sinh tại Nhật Bản thì thấy tại nước này phong trào phản đối xây dựng sân golf rất mạnh mẽ. Họ phản đối tất các dự án xây dựng sân golf ở gần khu dân cư chứ không riêng gì dự án ở gần sông, suối. Do họ lo ngại sân golf sẽ sử dụng các hóa chất, thuốc để chăm sóc cỏ có nguy cơ làm ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước sinh hoạt" - ông Khải cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Khải, những phản đối do lo ngại ảnh hưởng đến môi trường nói trên không mang "hàm ý" là các dự án không thể không khắc phục được vấn đề này. 

"Ở Nhật Bản họ xây dựng sân golf nhiều và đa dạng hơn ở Việt Nam. Lo ngại của người dân là có cơ sở, tuy nhiên, vấn đề môi trường ở các dự án sân golf không phải là không có cách khắc phục. Các chủ đầu tư phải trình các phương án đảm bảo môi trường khi thực hiện dự án xây dựng sân golf với các cấp chính quyền, điều này thể hiện ở hồ sơ đánh giá tác động môi trường. Nếu đủ điều kiện về vấn đề môi trường thì chính quyền mới cấp phép cho xây dựng sân golf" - ông Khải nói thêm.

Cũng liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, GS.TS Vũ Trọng Hồng- nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc đề xuất xây dựng sân golf cạnh sông Đuống là không hợp lý. 

Theo ông Hồng, hiện nay nguồn nước sông Đuống không những cung cấp nước sinh hoạt cho người dân của Bắc Ninh mà còn cung cấp cho hàng nghìn hộ dân của Thủ đô Hà Nội. 

Ông Hồng nhắc lại sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà năm 2019 khiến cuộc sống của người dân Thủ đô Hà Nội bị đảo lộn một thời gian. Thời điểm đó, nguồn nước sạch từ dòng sông Đuống đã phải "ứng cứu" cho hàng nghìn hộ dân của thành phố này.

"Nhiều nước trên thế giới họ không cho xây dựng gần các dòng sông vì lo ngại ảnh hưởng đến nguồn nước. Để nuôi dưỡng sân golf cần có diện tích làm khu phụ trợ và phải phun hàng trăm tấn thuốc diệt cỏ dại, diệt mối. Diện tích khu phụ trợ nếu vào khu dân cư nhà nước phải bỏ kinh phí để giải toả; nếu là bãi ven sông, thì sẽ cản trở thoát lũ mà Luật Đê điều không cho phép" - ông Hồng nói.

Một vấn đề khiến ông Hồng lo ngại, đó là: Khi sân golf không dùng nữa sẽ phải cần kinh phí để xử lý về môi trường mới sử dụng được. Ông lấy ví dụ như Khu công nghiệp Biên Hoà, Đồng Nai, hiện không có kinh phí để xử lý chất độc, phải đóng cửa nhiều năm.

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), xem các sân golf là “hiểm họa” về môi trường.

Dẫn các nghiên cứu của thế giới, TS Tuấn nói các nhà khoa học của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho biết trên mỗi héc ta sân golf phải sử dụng trung bình một lượng hóa chất gấp 3 - 5 lần số hóa chất cho một khu đất canh tác nông nghiệp tương tự. Các độc chất này là nguy cơ cao gây ung thư.

Ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á, người ta ước tính mỗi sân golf tiêu thụ khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm. Số hóa chất này bị nước tưới, nước mưa… hòa tan cuốn xuống các ao hồ, sông suối và thẩm thấu vào nước ngầm, tiếp tục trở thành nguồn ô nhiễm nước nghiêm trọng cho khu vực. Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, một số sân golf còn trừ sâu bằng máy phun đã phát tán 90% độc chất vào không khí. 

Nguyễn Dương