1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gia Lai

Chuyện cưới 2 lần của người Bahnar

(Dân trí) - Lẽ thường, mỗi cặp vợ chồng chỉ cần tổ chức lễ cưới 1 lần là có thể về chung sống cùng một mái nhà, nhưng với người Bahnar ở xã Sơ Ró, Kông Chro, Gia Lai thì mỗi cặp vợ chồng mới phải lần lượt tự cưới nhau.

Khác với nhiều dân tộc anh em, người Bahnar ở Sơ Ró có một phong tục đám cưới khá “đặc biệt”, mà theo quan niệm của người địa phương nơi đây là để đảm bảo tính công bằng trong xã hội.
 
Chuyện cưới 2 lần của người Bahnar - 1
Hôm nay là ngày Tuơr tổ chức cưới chồng nhưng chú rể lại vắng mặt khiến cô dâu chỉ biết ngồi một mình trong nỗi buồn

Khi “quyền lực” của chế độ mẫu hệ đang dần giảm sút trong đời sống của người Bahnar, thì theo lẽ thường chế độ phụ hệ sẽ “lên ngôi”. Nhưng với người Bahnar ở Sơ Ró lại ngoại lệ, chẳng có phụ hệ mà cũng không mẫu hệ, hệ của họ là “công bằng hệ”. Đàn ông cũng như đàn bà, tuy khác nhau giới tính, sức khỏe nhưng mỗi người lại có một công việc đặc trưng cho riêng mình. Đàn ông giỏi việc nương rẫy, săn bắt, phụ nữ mang nặng đẻ đau, giỏi việc bếp núc…

Cho nên, chuyện hôn nhân của người Bahnar nơi đây luôn được quan niệm là hôn nhân “công bằng”. Khi trai gái muốn về sống chung với nhau, thì cả hai bên đều phải tổ chức đám cưới. Hôm nay người này cưới người kia, hôm sau người kia sẽ tổ chức cưới người này.
 
Và khi hai bên gia đình chọn được ngày cưới, mọi đồ lễ như rượu ghè, heo, gà, gạo… để cúng Yàng và chiêu đãi bà con đã chuẩn bị xong xuôi. Nhà gái hoặc nhà trai sẽ tổ chức đám cưới trước trong 1 ngày, khi tiệc tàn, đến sáng hôm sau gia chủ sẽ làm lễ tiễn đưa người bạn đời mới cưới về lại nhà cũ để chuẩn bị tổ chức đám cưới tiếp theo tại nhà mình.

“Đồ lễ có heo, gà, rượu, cơm… ai giàu thì làm to, tùy theo khả năng của mình nhưng theo phong tục phải có rượu, heo, gà… Có vậy thôi nhưng cũng phải chuẩn bị lâu mới có được. Nghĩ để kiếm được những thứ này thì khó, nhưng nghĩ qua nghĩ lại thì cũng xong cả, theo phong tục thì phải có mà”, một người già trong làng tâm sự nỗi khó khăn khi chuẩn bị lễ cưới của người dân trong làng. Ấy vậy, nhưng theo phong tục thì dù khó đến mấy cũng phải có đồ lễ, và dù nghèo đến mấy thì cũng phải tổ chức đám cưới 2 lần.

Sau khi cưới xong 2 lần, đôi uyên ương sẽ về sống cùng với bố mẹ chồng 2 năm, hết 2 năm này họ lại chuyển về nhà bố mẹ vợ sống. Chuyển qua chuyển lại như vậy cho đến khi họ cảm thấy đủ khả năng dựng nhà, tách hộ thì mới xin ra sống riêng.
Và trong lần đi tác nghiệp xuống làng Quel, xã Sơ Ró, Kông Chro, Gia Lai những ngày tháng 9 này, chúng tôi may mắn được dự lễ đám cưới “công bằng” của đôi vợ chồng trẻ Tuơr (18 tuổi) và Duich (19 tuổi), tại nhà cô dâu Tuơr ở làng Quel.

Xung quanh ngôi nhà sàn cũ của gia đình Tuơr, những người già, trẻ nhỏ, thanh niên chia thành từng nhóm, ngả nghiêng vì men rượu cần đã ngấm vào bụng, nhóm đàn ông trung niên thì lo chuyện làm thịt con heo, xâu lại từng xâu để nướng. Tất cả họ đều vui vẻ, nhộn nhịp từ sáng đến khuya mới về, vì đã lâu họ mới được ăn ngon uống say và được cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc.
Chuyện cưới 2 lần của người Bahnar - 2
Với các cô dâu Bahnar ở Sơ Ró như Tuơr (áo vàng) thì một bộ đồ mới cũng đủ để phân biệt được người quan trọng nhất trong ngày lễ
 
Duy chỉ có cô dâu hôm nay ăn mặc đẹp hơn ngày thường với chiếc mũ lưỡi trai trên đầu, người mặc chiếc quần vải và áo khoác mùa đông - đơn giản đến mức chả ai nghĩ đó là người đang thực hiện nghi lễ quan trọng nhất trong đời người con gái. Nhưng với người dân nơi đây, khi trang phục truyền thống đã bị mai một thì một bộ quần áo mới cũng đã đủ để phân biệt được niềm hạnh phúc mới của người đang khoác lên nó.

Chỉ có điều, ngày vui cả đời hôm nay của Tuơr không được trọn vẹn, vì không may trong đám cưới cha của chú rể lại bị tai nạn giao thông phải nằm viện. Vì thế, chú rể đã phải vắng mặt vì chữ hiếu, còn cô dâu một mình ngồi bần thần trước cửa nhà nhìn hàng xóm nhậu.
 
Chuyện cưới 2 lần của người Bahnar - 3
Những xâu thịt heo là đồ ăn ngon nhất, đắt nhất trong ngày cưới của người dân nơi đây đang chờ khai hội

Và lần này già làng không được nắm tay đôi uyên ương và dõng dạc tuyên bố cả 2 trở thành vợ chồng, nếu ai vi phạm luật hôn nhân thì sẽ bị làng phạt vạ với đồ lễ gấp đôi khi cưới. Nhưng Tuơr mong rằng 3 ngày sau, mình sẽ được nhà trai đón về tổ chức đám cưới tiếp theo, lúc đó chú rể sẽ có mặt để già làng cầm tay tuyên bố 2 người đã trở thành vợ chồng.

 
Chuyện cưới 2 lần của người Bahnar - 4
Những người già đang nghiêng ngả bên hàng chục ghè rượu cần

Già làng Sru cho biết: “Mình sống là phải có công bằng, nó muốn có chồng thì phải tổ chức lễ cưới chồng, muốn có vợ thì phải tổ chức lễ cưới vợ, cả hai đều phải cưới nhau. Theo phong tục thì nó muốn lấy chồng sớm hay muộn là tùy nó. Nhưng khi cưới là phải có rượu, có thịt để mời dân làng, nhiều hay ít là tùy hoàn cảnh gia đình nó nhưng theo phong tục là phải có rượu, có gà, có heo. Lấy nhau rồi đứa nào mà bỏ trước đứa đó phải chịu phạt nặng gấp đôi, khi cưới phải có trâu, có bò”.

Thiên Thư