Chuyện của nữ “anh hùng châu Á” nhiễm HIV

(Dân số) - Dám công khai chuyện mình nhiễm HIV/AIDS, cô gái đất Cảng, Phạm Thị Huệ, đã dũng cảm vượt qua nhiều khó khăn, sự kỳ thị để giúp chính mình và nhiều người bạn cùng cảnh ngộ. Cái chết đối với cô đã không còn là cơn ác mộng.

“Vâng, tôi có H!”

Gặp “anh hùng châu Á” (do tạp chí Time của Mỹ bầu chọn năm 2004) tại buổi giao lưu tại Hà Nội, không ai nhìn thấy ở Huệ nét ủ dột, chán chường của người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Huệ vui vẻ trò chuyện, chia sẻ với mọi người những thông tin mới nhất về HIV/AIDS, về chuyến xuất ngoại mà cô được một tổ chức y tế quốc tế mời dự với tư cách là một báo cáo viên. Ít người biết rằng cô gái 26 tuổi này đã phải trải qua những cú sốc kinh hoàng khi vừa mới bước chân vào đời.

Năm 21 tuổi, Huệ kết hôn. Cô không hề hay biết chồng mình đã mắc nghiện từ trước đó. Niềm vui làm mẹ nhanh chóng đến với cô gái trẻ, nhưng kèm theo đó cũng là tai họa giáng xuống. Trong khi làm xét nghiệm máu để mổ sinh, cô được bác sĩ thông báo đã nhiễm HIV. Gần 10 ngày nằm trong viện, cũng là khoảng thời gian bắt đầu của sự tuyệt vọng, cô độc và kỳ thị. Không người thân nào dám đến gần người mẹ và đứa trẻ mới sinh ra.

Tuy nhiên, niềm an ủi lớn hay đúng hơn là sự kỳ diệu đã đến, đứa con trai của vợ chồng họ không bị nhiễm HIV!

Vậy là đủ, Huệ cố gắng gượng vượt qua nỗi đau tinh thần, mỉm cười động viên chồng cố gắng cai nghiện để… sống lâu hơn mà chăm sóc con!

Nhưng ngày đó, đối với nhiều người dân Hải Phòng, HIV/AIDS vẫn là căn bệnh khủng khiếp, đáng sợ. Hai vợ chồng Huệ cứ vài tháng lại lếch thếch cùng nhau thu dọn tìm thuê chỗ ở mới, bởi chủ nhà nào cũng vậy, sau khi biết tin về đôi uyên ương nhiễm HIV đều tìm cách đuổi khéo, không cho thuê nhà nữa. Sau nhiều tháng “vật vờ”, gia đình nhà chồng đã đón mẹ con cô về ở chung.

Thế nhưng nào đã yên, cái tai tiếng nhà có người nhiễm HIV khiến cửa hàng bán đồ ăn sáng vốn có tiếng của bố mẹ chồng Huệ bỗng chốc mất sạch khách, không ai muốn đến ăn nữa. Chuyển sang bán nước giải khát cũng vậy, cả buổi không có khách đến uống nước. Bí quá, Huệ đi học may để mở tiệm may quần áo cho khách, nhưng tình hình cũng không có gì khả quan hơn, rất ít người tìm đến.

“Trong nỗi muộn phiền tôi tự hỏi, vì sao mọi những người “có H” lại bị kỳ thị đến vậy. Rồi tôi nung nấu quyết tâm phải làm gì đó để giúp chính bản thân mình và những người đồng cảnh ngộ thoát khỏi bế tắc, để những người xung quanh hiểu HIV không dễ lây đến thế.

Bắt đầu là tham gia vào những tổ chức phòng chống HIV ở Hải Phòng. Khi thấy tôi công khai kể chuyện vì sao mình bị HIV, cuộc sống đời tư hiện nay ra sao, có người khen tôi dũng cảm, nhưng cũng không ít người mắng là “hâm”, ai lại “vạch áo cho người xem lưng”. Tôi tiếp nhận tất cả và thấy lòng mình thanh thản lạ thường”- Huệ tâm sự.

Không dừng lại ở đó, Huệ đã liên hệ gặp gỡ với nhiều chị em cùng cảnh ngộ ở Hải Phòng với mục đích gắn kết giúp đỡ lẫn nhau.

Tháng 12/2005, nhóm Hoa Phượng Đỏ ra đời với 6 thành viên đầu tiên.

Lại tiếp tục vật lộn với những khó khăn do hoàn cảnh, bệnh tật đem lại không ít lần mấy chị em ôm nhau khóc, nhưng đã ít nhiều tìm thấy chỗ dựa tinh thần ở nhau.

Nụ cười của cuộc đời

Không chấp nhận thực tế bế tắc, Huệ và những người bạn trong nhóm tìm rất nhiều các tổ chức xã hội quan tâm đến người nhiễm HIV/AIDS để nhờ giúp đỡ. Niềm vui đã đến, nhóm nhận được sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần từ phía một số tổ chức xã hội trong và ngoài nước.

Có kinh phí hoạt động, Huệ tìm cách cuốn hút thêm nhiều chị em cùng cảnh ngộ rồi tổ chức các hoạt động giúp đỡ nhau như: Tới thăm hỏi, giới thiệu địa chỉ khám chữa bệnh; chăm sóc vệ sinh thân thể, hỗ trợ dinh dưỡng cũng như làm công việc hậu sự cho những người đã ở giai đoạn cuối; thành lập nhóm may quần áo, rửa xe, giao nước, nuôi cấy thuỷ sản… tạo thu nhập ổn định cho mỗi cá nhân còn sức khoẻ.

Ngoài việc hỗ trợ lẫn nhau về vật chất, Hoa Phượng Đỏ còn là nơi để các chị em giãi bày tâm sự, những tâm tư tình cảm cùng những nỗi lo âu về những gánh nặng trên vai mà chẳng biết chia xẻ cùng ai.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều chị em bị nhiễm HIV (chủ yếu do lây từ chồng) tìm đến nhóm hoạt động của Huệ.Đến nay nhóm Hoa phượng đỏ đã thu hút được 130 thành viên chính thức và hàng trăm cộng tác viên

Huệ vui mừng cho biết: “Năm 2007 sau khi nhận được sự giúp đỡ về kinh tế của Đại sứ quán Đan Mach, DED… nhóm Hoa Phượng Đỏ tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng (giảm kỳ thị) thu hút sự chú ý của hàng nghìn người; tư vấn qua điện thoại về HIV/ADS.

Nhóm cũng dành kinh phí để chăm sóc và hỗ trợ gạo, sữa, tiền học phí cho hàng trăm con em của những người đã chết vì HIV/AIDS và giúp mẹ của bệnh nhân xây căn nhà trị giá 16 triệu đồng”.

Nhờ liên tục hoạt động xã hội Huệ không còn bị nỗi ám ảnh về căn bệnh thế kỷ đè nặng lên tâm tư. Mỗi buổi tối trở về nhà, lại được ôm ấp đứa con trai kháu khỉnh và nghe bé líu lo kể những câu chuyện không đầu không cuối của một đứa trẻ, người mẹ trẻ lại nở nụ cười sung sướng.

Sáng sớm mai, cô lại quay về với những hoạt động xã hội, lại có những bức thư đồng ý hoặc từ chối giúp đỡ của một tổ chức nào đó mà Hoa Phượng Đỏ đã liên hệ. Điều đó đã quá quen thuộc. Phần việc mà Huệ cũng luôn tham gia đó là đến chăm sóc, động viện một vài người bạn đồng đẳng hoặc có thể lại đưa tiễn một người trong nhóm về nơi an nghỉ cuối cùng.

Giờ thì Huệ đã không còn sợ chết nữa, cô chỉ muốn tận dụng những ngày tháng còn lại để làm những công việc có ích, giúp đỡ những chị em có số phận bất hạnh giống mình.

“Những phụ nữ bị không may bị nhiễm HIV như chúng tôi chỉ muốn làm cái gì đó để xã hội thấy rằng chúng tôi không phải là người bỏ đi và cũng để con cái sau này không bị gặp những sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử, không gặp thiệt thòi trong việc học hay cuộc sống. Tôi cũng mong những chị em may mắn chưa bị nhiễm HIV hãy chủ động tham gia vào công tác phòng chống HIV, làm một cái gì đó để bảo vệ gia đình!” - “anh hùng châu Á” nhắn nhủ.

P. Thanh