Nghệ An:

Chuyện buồn của “cô giáo” cử tuyển

(Dân trí) - Sau khi được chính quyền cử đi học lớp cử tuyển, Vi Thị Ánh vẫn không được tuyển dụng làm việc để hoàn thành giấc mơ trở thành giáo viên, dù đã tốt nghiệp 3 năm nay.

Chuyện buồn của “cô giáo” cử tuyển
Sau 3 năm tốt nghiệp, Ánh vẫn không được tuyển dụng làm việc để hoàn thành giấc mơ trở thành giáo viên.

Từ nhỏ, Vi Thị Ánh, SN 1986, người dân tộc Tày Pọong, ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An đã nuôi ước mơ trở thành cô giáo. Thế nhưng với học lực trung bình, cô học trò vùng sơn cước chẳng thể vượt qua kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm ấy.

Khi mọi thứ tưởng chừng như chấm hết, cô lại may mắn được địa phương chọn đi học tại trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An theo diện sinh viên cử tuyển. Không ngừng nỗ lực phấn đấu, sau 4 năm, cô đã tốt nghiệp trình độ Cao đẳng sư phạm ngành Hóa - Sinh. Điều đáng buồn là đến nay, sau 3 năm tốt nghiệp, cô vẫn không được tuyển dụng làm việc để hoàn thành giấc mơ trở thành giáo viên.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Vi Quang Lê, Phó bản Phồng, hào hứng nói về sự thay đổi, tiến bộ của đồng bào dân Pọong sinh sống ở mảnh đất biên giới từ bao đời nay. Anh khoe rằng nhân dân đã có điện lưới quốc gia gia thắp sáng, 30% hộ dân có xe máy đi lại, 70% hộ dân có ti vi để xem…

Thế nhưng khi nói đến chuyện học hành của con em trong bản thì anh Lê với giọng trở buồn: “Những năm năm gần đây, nhờ chủ trương hỗ trợ của Nhà nước mà con em trong bản có điều kiện để đến trường học chữ thuận lợi hơn. Tình trạng bỏ học giữa chừng đã giảm xuống, không còn người mù chữ. Thế nhưng việc theo học “lên cao” thì còn ít lắm. Cả bản cũng chỉ có 3-4 em đang theo học Cao Đẳng và Trung cấp thôi. Bởi bà con nói có cho con đi học về cũng không có việc làm, họ cứ lấy gương của chị Ánh ra “dọa” lũ trẻ”, anh Vi Quang Lê chia sẻ.

Nói vậy, anh Lê kiên quyết kéo chúng tôi đến nhà gặp bằng được Vi Thị Ánh để xác nhận câu chuyện cô đi học về vẫn không được tuyển dụng. Thế nhưng khi đến nơi, Ánh không có nhà, trong ngôi nhà sàn, mẹ của Ánh đang bế đưa cháu ngoại (con của Ánh).
Chuyện buồn của “cô giáo” cử tuyển
3 năm đi học cử tuyển, cầm tấm bằng trên tay Vi Thị Ánh sau những lần lên Phòng giáo dục, Phòng Nội vụ nhưng vẫn không được bố trí việc làm, dù Ánh thuộc diện học cử tuyển.

Trong lúc chờ người đi gọi Ánh về, mẹ của cô ngồi kể cho chúng tôi nghe về chuyện học hành của con gái: “Những năm đó, gia đình chúng tôi rất khó khăn nhưng Ánh vẫn quyết tâm xin mẹ đi học. Xong bậc tiểu học ở điểm bản, nó vẫn đòi ra trung tâm xã học Trung học cơ sở. Nhà cách trường 7km đường rừng, thương con, gia đình phải ra dựng lều sát trường để Ánh ra đó tự lo cho mình và học chữ suốt bốn năm liền. Tưởng chừng sau đó, vì đói khổ cháu sẽ theo đám bạn về lại bản làm nương, làm rẫy. Thế nhưng Ánh lại một mực xin ra thị trấn để học tiếp Phổ thông trung học. Thấy con ham học cũng vui nhưng lại nghĩ đến cảnh nghèo khó lại tủi thân nên mọi người khuyên cháu ở nhà. Tưởng chừng nó sẽ chịu, ai ngờ được mấy bữa nó lại khóc đòi đi học để theo đuổi ước mơ làm cô giáo”.

Câu chuyện với người mẹ già bị ngắt quãng khi anh Lê nhìn qua cửa sổ nói với chúng tôi: “Ánh về kia rồi”. Chạy xuống cầu thang nhà sàn thì “cô giáo” cử tuyển cũng đã vào đến sân với một gùi củi lớn sau lưng, bước đi rất nặng nhọc. “Hôm nay, em đang đi cấy lúa trong rẫy, tiện thể kiếm ít củi cho gia đình luôn”, Ánh tâm sự rất tự nhiên.

Trò chuyện chốc lát, khi biết chúng tôi đến để tìm hiểu về câu chuyện học hành của mình, cô vội vã lấy chìa khóa để mở chiếc rương vốn để cất giữ những giấy tờ quan trọng trong gia đình. Tất nhiên thứ cô muốn cho chúng tôi xem không gì quí hơn, đó là tấm bằng tốt nghiệp Ngành Hóa - Sinh do Trường Cao Đẳng sư phạm Nghệ An cấp năm 2011.

Cầm tấm bằng, Ánh bùi ngùi tâm sự: “Từ nhỏ em đã ước mơ được trở thành giáo viên về dạy chữ cho trẻ em trong xã. Khi tốt nghiệp phổ thông, em tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng nhưng không đủ điểm. Em đã rất buồn, đến đầu năm 2008, em nghe thông báo từ xã là có thể làm hồ sơ để gửi ra huyện xét chọn đi học tại trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An theo diện cử tuyển. Hồ sơ của em đã được lựa chọn, một thời gian ngắn sau, em đã về học dự bị một năm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Rồi thêm 3 năm học Nghành Hóa - Sinh, đến năm 2011 thì tốt nghiệp”.
Chuyện buồn của “cô giáo” cử tuyển
Không thực hiện được giấc mơ cô giáo, Ánh đã lấy chồng và hằng ngày vẫn lên nương rẫy, gùi củi về bán...

Sau khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng về lại quê nhà, Ánh đã nhanh chóng làm hồ sơ để nộp lên Phòng Nội vụ; Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương với mong muốn sớm được đứng trên bục giảng làm cô giáo. Thế nhưng với các lí do khác nhau, năm 2011 Ánh vẫn không được tuyển dụng. Đến năm 2012, Ánh tiếp tục làm hồ sơ đến gõ cửa các cơ quan trên nhưng vẫn không có hi vọng.

“Em nộp hồ sơ thấy không có phản hồi gì nên đã đánh đường ra tận thị trấn tìm đến các cơ quan để hỏi nhưng họ bảo không có chỉ tiêu tuyển dụng. Em quá mệt mỏi nên trong năm 2013 đã không làm hồ sơ nữa”, Ánh buồn bã cho biết.

Giấc mơ được làm giáo viên đứng trên bục giảng bị gián đoạn, Ánh đã lấy chồng, sinh con. Có thể cô sẽ chấp nhận làm một người nông dân như bạn bè dẫu đã tốn cả thời gian dài theo học bài bản.

Nhưng khi chia tay chúng tôi, Ánh lại hi vọng: “Biết đâu khi được các anh thông tin, em lại không phải đi làm rẫy nữa mà được đứng trên bục giảng. Có thông tin gì thì các anh cho em biết sớm với nhé”.
 

Tại điều 4, Chương I, Nghị Định Số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính Phủ ghi rõ:

Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của người học theo chế độ cử tuyển

1. Người học theo chế độ cử tuyển có những quyền sau đây:

a) Được thông tin đầy đủ về chế độ cử tuyển;

b) Được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian đào tạo;

c) Được tiếp nhận và phân công công tác sau khi tốt nghiệp.

2. Người học theo chế độ cử tuyển có những nghĩa vụ sau đây:

a) Cam kết trước khi được cử tuyển và chấp hành sự cam kết với cơ quan cử đi học về sự phân công công tác sau khi tốt nghiệp;

b) Chấp hành các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của các cơ sở giáo dục; hoàn thành chương trình đào tạo theo ngành học do cơ quan cử đi học phân công;

c) Phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo theo mức quy định tại Điều 13 Nghị định này nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 12 Nghị định này.

4. Người bị kỷ luật không được phân công công tác sau khi tốt nghiệp hoặc bị thôi việc trong thời gian đang chấp hành sự phân công công tác.

 
Nguyễn Duy - Kim Nhan