Nghệ An:

Chuỗi ngày gian khổ vượt Trường Sơn qua ký ức của người lính đặc công

(Dân trí) - Vượt dãy Trường Sơn suốt 6 tháng trời để đi vào Miền Nam chiến đấu, đơn vị của ông Mai trải qua biết bao nhiêu gian khó. Có những đồng đội mãi mãi nằm lại ở chiến trường vì sốt rét, bom đạn... Những kí ức đó còn mãi khắc ghi trong lòng ông.

Ông Nguyễn Cảnh Mai kể lại giây phút cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường.

Trong những ngày tháng 12, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Cảnh Mai (SN 1950, trú ở xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) để tìm hiểu về người lính đặc công đã từng vượt bộ hàng ngàn cây số ở dãy Trường Sơn để vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Ngồi nhâm nhi cốc nước chè, ông Mai kể lại: “Năm 1968, tôi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lúc đó mới chỉ 18 tuổi đang còn cắp sách đến trường. Tôi vào bộ đội thuộc đơn vị bộ tư lệnh đặc công 301. Huấn luyện ở Sơn Tây được 6 tháng, cả đơn vị chuyển xuống Cổ Nhuế (Hà Nội) để chuẩn bị vào chiến trường B2Z9 (khu vực Cà Mau)”.

 “Đầu năm 1969, cả đơn vị đặc công bắt đầu vượt dãy Trường Sơn từ Quảng Bình vào Suối Ngô, tỉnh Tây Ninh để bổ sung lực lượng chiến đấu cho Quân Khu 9. Trong balo lúc đó nặng khoảng 40kg gồm một bao gạo 7kg, 2 kg muối bột, sữa bột, ruốc bông, sữa bò, cần tăng mắc võng, dao găm… Người nào cũng như người nào, một balo, một súng AK, gậy chống, trên người ngụy trang cây cỏ … theo tiếng gọi “vượt Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai””, ông Mai  nhớ lại.

Chuỗi ngày gian khổ vượt Trường Sơn qua ký ức của người lính đặc công - 1

Ông Mai bên chiếc khăn kỷ vật bằng dù Mỹ.

 Trong suốt hành trình hành quân vào Tây Ninh, cả đơn vị của ông đêm nghỉ, ngày đi. Những nơi nào nguy hiểm có địch thì ngày nghỉ đêm hành quân. Suốt 6 tháng đi bộ ấy, cứ mỗi ngày nghỉ ở đâu đều phải đào hầm cá nhân để trú ẩn. Khi đang hành quân mà ngồi nghỉ thì chống gậy sau lưng, không thể ngồi bệt xuống vì balo rất nặng.

 Thực hiện đúng 3 không “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để địch khỏi phát hiện. Đi không để lại dấu vết, nấu không để có khói, chỉ nói thầm ghé tai nhau chứ không phát ra tiếng to. Ngay cả việc đi vệ sinh cũng phải đưa xẻng đi đào sâu, vệ sinh xong lấp lại không để lại một dấu vết gì.

Chuỗi ngày gian khổ vượt Trường Sơn qua ký ức của người lính đặc công - 2

Với những gì đóng góp, ông Mai được nhà nước tặng Bằng khen cho người có thành tích tham gia kháng chiến.

 Khi nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm phải cầm nhánh cây để quạt cho khói tan ra ngoài. Mỗi ngày một người được 3 nắm cơm vắt bỏ vào túi đeo bên hông. Dọc đường thấy lá chua là hái làm thức ăn, ngoài ra còn có các cây môn thục, tai voi…

 “Hành quân khó khăn nhất là phải vượt qua những lèn đá vừa trơn vừa khó. Các đồng đội phải bám vào những rễ cây để leo lên. Có những đồng đội đi mệt, balo nặng không thể bám chắc rễ cây đã rơi từ vách đá, hay bị sốt rét, muối vắt cắn đã mãi mãi nằm lại. Hay có những lần thức đồng đội ngủ trên võng mà đã cứng đơ từ khi nào”, ông Mai xót xa nhớ lại.

 Trong quá trình hành quân, chiến đấu, đơn vị của ông không được thông tin liên lạc gì về với gia đình, huấn luyện cận chiến giáp lá cà với chiến thuật “độn thổ”. Lúc bấy giờ đơn vị ông được gọi là đơn vị “Phong Liền” sau này gọi là đơn vị 102 (Một không hai: Chỉ có một chứ không có hai).

 Trong những trận chiến gian khổ, những bài thơ của ông sáng tác năm 1972 khi mới vào đến Tây Ninh đã khích lệ, động viên những đồng chí, đồng đội luôn vượt qua gian khó để chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc:

 Hòa Sơn quê của ta ơi

Nhớ từ thủa xưa tiếng khóc chào đời

Sinh ta ra giữa những ngày loạn lạc

Sinh ta ra giữa những ngày chống Pháp.

Ta lớn lên loạn lạc đã qua

Miền Bắc nửa nước ta đang trên đà xốc tới

Ôi ! Đời vui phơi phới của lứa tuổi thiếu niên

Trên vai khăn quàng đỏ Sáng cắp sách đến trường

Vui thân thương biết mấy những con đường.

Đường không nhựa nhưng đường rải cát

Buổi đang học vẫn hát vẫn ca

Có những buổi chăn trâu cùng bạn la cà

Lúc về nhà bụng đói mẹ lại la

Ham nô đùa nên để lúa trâu ăn.

Và xin hứa từ nay không thế nữa

Vì lẽ sống phải ra làm người lính

Từ đó đến nay bụng bảo dạ ta tính

Đã ba năm xa ghế nhà trường.

Xa bạn bè, ta tạm biệt quê hương

Đánh Mỹ diệt Ngụy con đường ta đi

Giờ đây trên mảnh đất miền tây

Tổ quốc, ta ngồi ghi với ký ức tuổi thơ.

 Nhắc lại cuộc hành quân những năm tháng ấy, ông Mai không khỏi nghẹn ngào. Giờ đây, ông chỉ mong sao những đồng đội năm xưa được gặp lại nhau để ôn lại những ngày kề vai sát cánh cùng nhau chia sẻ những kí ức hào hùng.

Nguyễn Tú