Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa

(Dân trí) - Ngày 28/9, tại TP Đà Nẵng, Tọa đàm “Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa: Trách nhiệm Nhà quản lý – Doanh nghiệp - Truyền thông” được tổ chức nhằm kêu gọi tất cả mọi người vì một cộng đồng không rác thải nhựa.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sổi nổi về các vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, trong đó đề cập đến tình trạng rác thải nhựa của Việt Nam. Đồng thời, đưa ra các giải pháp kịp thời để ứng phó với rác thải nhựa. Cùng với đó, các đại biểu đã trình bày kế hoạch hành động, xây dựng phong trào chống rác thải nhựa.

Báo động ô nhiễm rác thải nhựa

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990 – 2018.

Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa - 1

Tọa đàm “Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa: Trách nhiệm Nhà quản lý - Doanh nghiệp - Truyền thông” được tổ chức tại TP Đà Nẵng 

Việc lạm dụng sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình để phân huỷ hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni lông phải mất hàng trăm, thậm chí tới nghìn năm. Rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển.

Theo Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Việt Nam đang có lượng lớn rác thải nhựa khổng lồ trôi ra biển. Trong năm 2010, ước tính trên 8 triệu tấn rác nhựa đã thải ra đại dương, 80% lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền và 20% còn lại là do các hoạt động trên biển. Hơn 50% tổng lượng rác nhựa thải ra đại dương là từ các nước nằm trong khu vực biển Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Điều này khiến các quốc gia trong đó có Việt Nam cần cấp bách có những hành động ngăn chặn ô nhiễm do rác thải nhựa trên đại dương.

“Tại Việt Nam việc quản lý rác thải nhựa tại các hải đảo, các khu du lịch biển, nhất là các bãi biển còn hạn chế, tình trạng xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo”, bà Hằng cho biết.

Chung tay đẩy lùi rác thải nhựa

Từ thực trạng ô nhiễm đáng báo động trên đã đặt ra trách nhiệm cho nhà quản lý, doanh nghiệp và cơ quan truyền thông cùng hành động để giảm thiểu rác thải nhựa.

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để ứng phó với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng gia tăng, các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của chất thải nhựa. Xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Thường xuyên phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon.

Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa - 2

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ tại toạ đàm

Đối với 28 tỉnh/thành phố có biển và các cơ quan đơn vị tại các địa phương ven biển cần tăng cường tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã được làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý, kiên quyết không để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển...

Gần một năm thực hiện, có nhiều doanh nghiệp tiên phong trong các sáng kiến, lồng ghép các hoạt động giảm thiểu nhựa dùng một lần vào chiến lược phát triển và coi đó là giá trị cốt lõi cho sự phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, do đó việc huy động thêm các doanh nghiệp khác cùng tham gia trong thời gian sắp tới là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh việc quản lý của các cấp chính quyền và doanh nghiệp, công tác tuyên truyền phòng chống rác thải cũng cần phải được phát huy và đúng cách. Trước hết, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Đồng thời, phát hiện gương điển hình, mô hình tốt, cách làm hiệu quả, tạo sức lan tỏa, thắp sáng nỗ lực của toàn xã hội để phong trào “Chống rác thải nhựa” ngày càng được nhân rộng.

Thành Vân