Chủ tịch TPHCM nói về khó khăn lớn nhất đối với tuyến metro số 1

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, khó khăn nhất của dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là việc phê duyệt tổng mức đầu tư dự án. Trong thời gian này, thành phố sẽ tìm kiếm nguồn vốn bổ sung để thanh toán cho nhà thầu. Đồng thời, ông Phong tin tưởng dự án sẽ kịp về đích vào năm 2020.

Chiều 21/2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn công tác của Thường trực UBND TP thị sát dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.

Ông Phong đi khảo sát tình hình thi công tại hạng mục ga Nhà hát TP, ga Ba Son, đường hầm metro và ga Phước Long.

Chủ tịch TPHCM nói về khó khăn lớn nhất đối với tuyến metro số 1  - 1
Đại diện nhà thầu báo cáo nhanh với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong về tiến độ dự án gói thầu 1b tại ga Nhà hát TP

 

Chủ tịch TPHCM nói về khó khăn lớn nhất đối với tuyến metro số 1  - 2
Lãnh đạo TPHCM đi xuyên hầm ga metro từ ga Nhà hát TP về ga Ba Son (dài 781m)

 

Tại nhà ga Phước Long, Chủ tịch UBND TPHCM đã nghe báo cáo nhanh và ý kiến của các đơn vị liên quan dự án như Tư vấn chung của dự án (Liên danh NJPT), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đại diện nhà thầu gói thầu số 2… chủ yếu liên quan đến việc thanh toán.

Chủ tịch TPHCM nói về khó khăn lớn nhất đối với tuyến metro số 1  - 3
Ông Nguyễn Thành Phong thị sát công trường và nghe báo cáo tại ga Phước Long

 

Đại diện NJPT cho biết, việc thanh toán cho các nhà thầu rất quan trọng và việc này đang bị đình trệ. Đại diện này đánh giá cao cam kết của TPHCM trong việc tạm ứng thanh toán cho các nhà thầu trong khi chờ đợi phê duyệt tổng mức đầu tư dự án. Nếu TPHCM đảm bảo được việc thanh toán thì các nhà thầu đảm tiến độ dự án.

Trong khi đó, đại diện nhà thầu gói thầu số 2 (đoạn trên cao và Depot) cho biết đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc, đồng thời mong muốn thành phố đẩy nhanh việc gia hạn hợp đồng để làm cơ sở thanh toán cho nhà thầu. Được thanh toán sớm, nhà thầu sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt mua sắm vật tư cho các hạng mục tiếp theo như cơ điện, cấu trúc, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.

Chủ tịch TPHCM nói về khó khăn lớn nhất đối với tuyến metro số 1  - 4
Nhà thầu đang lắp đặt đường ray cho đoạn trên cao

 

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết qua khảo sát, ông tin tưởng dự án sẽ hoàn thành tiến độ vào năm 2020. Tuy nhiên, ông Phong cũng nhìn nhận, khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là việc phê duyệt tổng mức đầu tư cho dự án. Trung ương đã có chỉ đạo về việc này.

Theo ông Phong, hiện các khó khăn của dự án như pháp lý, kế hoạch vốn đang dần được tháo gỡ. Để hoàn thành mục tiêu, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương tích cực tìm kiếm nguồn vốn bổ sung để thanh toán cho nhà thầu và chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Chủ tịch TPHCM nói về khó khăn lớn nhất đối với tuyến metro số 1  - 5
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành tìm kiếm nguồn vốn bổ sung cho dự án trong quá trình chờ điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án

 

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tư pháp hỗ trợ Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP các thủ tục pháp lý điều chỉnh dự án, gia hạn hợp đồng; Sở Tài chính xem xét, tham mưu đề xuất giải pháp để giải ngân cho các nhà thầu, cơ chế tiền lương cho cán bộ, nhân viên, người lao động của ban.

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP, mục tiêu của metro số 1 là phải đạt 65% tiến độ trong năm 2018, song thực tế chỉ đạt được 62%. Do đó, năm 2019, mục tiêu đặt ra là phải đạt 18% tiến độ, nâng tiến độ chung của dự án lên 80%. Trong thời gian chờ điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, năm 2019, ban tạm ứng ngân sách hơn 2.200 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu thi công.

Chủ tịch TPHCM nói về khó khăn lớn nhất đối với tuyến metro số 1  - 6
TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành 18% khối lượng công việc để nâng tiến độ chung dự án lên 80% vào cuối năm 2019

 

Vì nhiều bất cập, hạn chế trong thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư, tuyến metro số 1 của TPHCM có nguy cơ trễ hẹn về đích năm 2020. Tuyến metro số 2 cũng xin chậm về đích đến 4 năm (dự kiến 2024). Cả 2 dự án đều trong tình trạng chờ cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Trong khi tuyến metro số 1 “đội vốn” từ 17.400 tỷ đồng lên hơn 47.300 tỷ đồng thì tuyến số 2 tăng từ 1,374 tỷ USD lên 2,173 tỷ USD (tăng thêm 58%).

Quốc Anh