Thanh Hóa:

Chủ tịch tỉnh chỉ đạo công an điều tra tổ chức, cá nhân thuê đổ chất thải xuống biển

(Dân trí) - Liên quan đến tình trạng ngao chết hàng loạt tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc và một số địa phương khác, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh này khẩn trương điều tra, làm rõ tổ chức, cá nhân đổ chất thải trái phép trên biển.

Sáng 20/1, nhiều hộ nuôi ngao tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc đã tập trung đến UBND tỉnh, Tỉnh ủy Thanh Hóa kiến nghị về việc tìm ra nguyên nhân khiến ngao chết và việc cơ sở sản xuất hải sản đã thuê người đổ chất thải ra biển. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có buổi tiếp công dân xã Hải Lộc.

Cùng dự buổi tiếp công dân còn có đại diện Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, đại diện Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH và UBND huyện Hậu Lộc.

Ngao chết hàng loạt tại một số địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa
Ngao chết hàng loạt tại một số địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, ngay sau vụ việc xảy ra, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện lấy mẫu nước tang vật từ các thùng chất thải đổ trộm tại bãi nuôi ngao gửi Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ NN-PTNT; Viện khoa học hình sự, Bộ Công an để giám định, phân tích mẫu nước nhằm tìm ra nguyên nhân gây chết ngao. Hiện nguyên nhân chính gây chết ngao chưa thể xác định được, bởi còn chờ kết quả phân tích mẫu nước cuối cùng từ Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ NN-PTNT và Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.

Tại buổi tiếp công dân, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng đã chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân nuôi ngao, đồng thời nhấn mạnh, mọi hành động gây ô nhiễm môi trường đều phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, yêu cầu Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp các ngành chức năng khẩn trương điều tra làm rõ tổ chức, cá nhân nào thuê đổ chất thải trái phép trên biển để xử lý. Giao Sở TN-MT, UBND huyện Hậu Lộc và các ban ngành chức năng kiểm tra gấp đối với cơ sở chế biến hải sản gây ô nhiễm mà người dân đang tố cáo về các điều kiện môi trường, xả thải, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm...

Người nuôi ngao kiến nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần sớm làm rõ nguyên nhân ngao chết
Người nuôi ngao kiến nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần sớm làm rõ nguyên nhân ngao chết

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo UBND huyện Hậu Lộc chủ trì thực hiện ngay việc rà soát các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn toàn huyện về quy trình xả thải, xử lý nước thải và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, vào lúc 4h30 ngày 31/12/2016, một số hộ dân nuôi ngao ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc đã mật phục, bắt quả tang vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ, ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc chở theo 14 thùng phuy loại 50 lít chứa chất thải chế biến mực để đổ xuống khu vực nuôi ngao. Bước đầu, Vợ chồng ông Thành khai nhận đang làm công nhân cho cơ sở chế biến hải sản Hoàng Thắng, ở xã Ngư Lộc và được thuê chở các thùng chất thải đổ ra biển đổ.

Theo kết quả phân tích mẫu tang vật do Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT thực hiện, nhiều chỉ tiêu đều vượt gấp nhiều lần quy chuẩn cho phép. Cụ thể, hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra (BOD5) trong mẫu lấy từ các thùng chất thải cao hơn từ 1.520 đến 1980 lần; hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ (COD) vượt từ 633,5 đến 816,2 lần; chất axit NH4+ vượt từ 102,7 đến 128,52 lần. Đặc biệt, hàm lượng chất Cadimi (kim loại nặng), vốn là một kim loại chuyển tiếp tương đối hiếm, mẫu cao nhất (thùng số 2) vượt đến 1.500 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải.

Người nuôi ngao lao đao vì ngao chết hàng loạt
Người nuôi ngao lao đao vì ngao chết hàng loạt

Theo nhận định của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, ngao nuôi tại xã Hải Lộc chết hàng loạt không phải do tác nhân vi khuẩn và vi rút gây ra. Tuy nhiên, ngao nuôi rất gầy cho thấy ngao được nuôi với mật độ dày...

Đối với một số độc tố hóa học trong nguồn nước và chất xả thải, hiện 5 mẫu (bao gồm 3 mẫu thu từ phi nhựa là sản phẩm thải từ chế biến mực và 2 mẫu nước thu từ vùng nuôi ngao) đang được gửi đi phân tích độc tố hóa học.

Sở NN-PTNT Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo Chi cục Thú y, Phòng nuôi trồng thủy sản, Ban quản lý nguồn lợi ven bờ vì sự phát triển bền vững thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, xã tổng hợp tình hình, thống kê thiệt hại. Đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi thu gom, xử lý ngao chết bằng cách chôn lấp cách xa khu vực nuôi, tránh gây ô nhiễm sang các vùng nuôi khác. Đối với ngao đạt kích cỡ, khuyến cáo người dân triển khai thu hoạch sớm, với những bãi nuôi có mật độ dày cần phải san thưa hoặc di chuyển ngao đến vùng nuôi có các yếu tố môi trường ổn định.

Duy Tuyên