1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam lý giải việc dừng nhà máy điện hạt nhân

(Dân trí) - Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam - cho biết, việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác và chưa cấp thiết như dự báo trước đây.

Ngày 9/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Điện lực Việt Nam - giải thích rõ lý do tại sao Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào ngày 10/11.


Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam - trao đổi bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Quang Phong)

Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam - trao đổi bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Quang Phong)

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, Chính phủ đã duyệt quy hoạch sơ đồ điện 7, trong điều chỉnh quy hoạch này thì không có nhà máy điện hạt nhân đến 2030. Bên cạnh đó việc cung ứng điện từ nay đến 2030, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều nguồn khác nhau.

“Việc đầu tư điện hạt nhân không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác về mặt kinh tế. Cho nên trong quy hoạch sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh Thủ tướng không đưa nhà máy điện hạt nhân vào trong quy hoạch”, ông Dương Quang Thành nói.

Ngoài ra, theo ông Thành, tại thời điểm hiện nay, nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu khí có giá thành thấp hơn trước đây, nên việc đầu tư điện hạt nhân không cạnh tranh được về mặt kinh tế.

Ông Thành cũng giải thích thêm lý do chính về việc dừng dự án điện hạt nhân là hiệu quả đầu tư và nhu cầu chưa cấp thiết so với như dự báo trước đây. Cụ thể, theo các tính toán mới cho thấy, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng điện năng khoảng 11%; 2021-2030 từ 7-8%, thấp hơn nhiều bối cảnh năm 2009 khi Chính phủ trình Quốc hội dự án điện hạt nhân.

Ông Thành cho biết, thời điểm trình nhà máy điện hạt nhân tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nên nhu cầu tăng trưởng điện là từ 17-20%, nên Chính phủ lấy phương án 22% là phương án điều hành để đảm bảo đủ điện. “Nguồn năng lượng trong nước thì không đáp ứng được, như than, dầu khí, thủy điện. Hơn nữa nguồn năng lượng sơ cấp nhập khẩu tại thời điểm đó giá cao nên điện hạt nhân là phương án cạnh tranh”, ông Thành giải thích.

Quang Phong