Chủ tịch Quốc hội: Thủ tục hành chính cay nghiệt, độc ác lắm!

(Dân trí) - Góp ý vào dự án Luật Dược (sửa đổi) sáng nay 23/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn: “Thủ tục hành chính bây giờ cay nghiệt, độc ác lắm. Vì sao? Vì phải có tiền người ta mới cấp nên phải giảm tối đa thủ tục hành chính. Tự do kinh doanh mà sao nghề chữa bệnh, cứu người lại gây cản trở như vậy”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

“Cay nghiệt, độc ác lắm”

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Dược (sửa đổi) do bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày cho biết nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định biện pháp kiểm soát giá thuốc được bán trên thị trường, thuốc có hàm lượng lạ trong khâu đấu thầu, quy định giá bán tối đa, tối thiểu của thuốc. Một số ý kiến đề nghị giữ quy định của Luật Dược hiện hành về công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật Dược đã quy định, chỉnh sửa vấn đề này.

Bà Mai cho biết nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật Dược là cấp chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn 5 năm; có ý kiến đề nghị quy định cấp chứng chỉ một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm khi mà cải cách hành chính có tiến bộ.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội thấy rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần tuy phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn nhưng lại phát sinh thủ tục hành chính, chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.

Do còn hai loại ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho xin ý kiến đại biểu Quốc hội hai phương án: Phương án cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm và phương án cấp chứng chỉ hành nghề dược 1 lần. Sau đó, Luật sẽ thể hiện theo ý kiến đa số đại biểu Quốc hội.

“Tại sao không cấp một lần mà 5 năm lại phải cấp lại?”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề, rồi chính ông thẳng thắn: “Thủ tục hành chính bây giờ cay nghiệt, độc ác lắm. Vì sao? Vì phải có tiền người ta mới cấp nên phải giảm tối đa thủ tục hành chính. Tự do kinh doanh mà sao nghề chữa bệnh, cứu người lại gây cản trở như vậy. Chỉ cần cấp một lần thôi, về sau kiểm tra thấy đủ điều kiện thì hoạt động tiếp, không đủ thì thôi chứ sao lại một vài năm cấp lại”.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng bằng chính câu chuyện chữa bệnh gai đôi cột sống của mình: Thầy thuốc đông y chữa 10 ngày là ổn định, trong khi ở các bệnh viện yêu cầu phải chiếu chụp, mổ gây tốn kém. Nhiều thầy thuốc đông y ban đầu được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng sau đó chỉ vì thủ tục hành chính nên bị rút luôn chứng chỉ. Trong khi đó xã hội vẫn tồn tại thầy lang, thầy mo chữa bệnh bằng cách giẫm đạp lên cả người bệnh.

Ngành y “bao sân” nhiều quá

Nghiên cứu về quản lý nhà nước thấy ngành y “bao sân” nhiều quá, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị phải phân định rõ ràng hơn. Ví dụ về vùng nguyên liệu thì liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khâu sản xuất thì trách nhiệm của Bộ Công thương… Thuốc nhập khẩu thì không chỉ là Bộ Y tế mà phải làm rõ vai trò của Bộ Công thương, Hải quan… “Luật càng rõ bao nhiêu thì sau này sự đẩy đưa giữa các bộ càng hạn chế”- ông nói.

Cơ bản đồng ý với nội dung dự thảo luật nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu cho rằng chính sách về quy định nhập khẩu dược liệu, nguyên liệu làm thuốc cần được đưa ngay vào trong dự thảo này. Ông Lưu cho rằng hiện nay nguyên liệu dược liệu làm thuốc ở Việt Nam chủ yếu nhập khẩu, vậy nếu giao cho Chính phủ quy định thì khó.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định đã là sản xuất, kinh doanh thì phải có tiêu chuẩn, định mức và phải chặt chẽ. “Công nhận thuốc đủ tiêu chuẩn lưu hành thì phải đảm bảo chặt chẽ. Hiện nay có tình trạng cho mượn bằng, phải quản lý cái đó. Nếu không đủ điều kiện thì phải rút ngay. Cho nên thủ tục hành chính cần phải rút bớt đi. Ngành kinh doanh thuốc cũng là một ngành kinh doanh, có gì đâu phải hạn chế. Chỉ hạn chế bán thuốc giả”- ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, Luật Dược mà không nói đến sản xuất thuốc thì chưa phải là Luật Dược. “Bộ Y tế ko phải là bộ công nghiệp, không phải bộ làm ra thuốc, sản xuất thiết bị chữa bệnh, mà Bộ Y tế là để chữa bệnh, cứu người. Nếu gắn cho Bộ Y tế việc sản xuất thuốc, sản xuất thiết bị là gay. Do đó việc phân công là cần thiết. Giờ cái gì cũng Bộ Y tế chịu trận cả thì làm sao chịu nổi”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định sau khi có luật này thì Việt Nam phải phát triển về thuốc. Việt Nam có tiềm năng, nguyên liệu làm thuốc nhiều, vườn thuốc khắp nơi mà giờ phải nhập tới 80% nguyên liệu thuốc là không ổn.

“Người Việt Nam có quyền dùng thuốc tốt nhất. Ngay cả cái lá của chúng ta cũng làm ra loại thuốc tốt nhất. Do đó ta phải đảm bảo việc này tốt nhất. Bác sĩ chỉ làm việc thăm bệnh, chẩn bệnh, kê đơn... Làm ra thuốc không phải là của bác sĩ, đừng bắt bác sĩ làm ra thuốc, kinh doanh thuốc. Luật này phải bao quát, làm rõ trách nhiệm ra”- ông Hùng đề nghị.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn khi hệ thống y dược trong quân đội rất lớn nhưng trong dự thảo Luật Dược lại không thấy có điều khoản nào tạo điều kiện cho quân dân y kết hợp.

“Đây là mảng lớn ngành y quân đội, đơn vị nào cũng có vườn thuốc nam thì ta khuyến khích như thế nào? Mảng quân đội cấp nào cũng có y học cổ truyền từ biên giới hải đảo đông tây y kết hợp, có nhiều loại thuốc quý mà chúng ta không biết. Vì vậy cần nghiên cứu có chính sách với y học cổ truyền của Quân đội và Công an”- ông Sơn đề nghị.

Kha Xuân Lộc