Chủ tịch Quốc hội nhắc Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc "tiêu tiền"

(Dân trí) - Chậm thanh toán các khoản mua sắm trang thiết bị y tế từ nguồn kết dư quỹ bảo hiểm y tế 2015 hơn 500 tỷ đồng, đại diện Chính phủ thừa nhận cần rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không tạo tiền lệ là “cứ chậm trễ rồi trình lên là được quyết hết”.

Chủ tịch Quốc hội nhắc Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc tiêu tiền - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định việc "tiêu tiền" chậm trễ này là do khâu thực hiện chứ không phải do luật bất cập.

Tiếp tục phiên họp thứ 35, sáng 17/7, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015. Chính phủ đề nghị UB Thường vụ Quốc hội cho phép 11 tỉnh thành được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua sắm trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 đến hết ngày 30/6/2020, tổng số tiền là 518.389 triệu đồng. Sau thời điểm này, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán vào quỹ dự phòng để điều tiết chung theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Thẩm tra vấn đề này, UB Tài chính - Ngân sách phân tích, theo luật thì trong thời hạn 12 tháng, sau khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định quyết toán và kể từ ngày ghi trong thông báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phần kinh phí chưa sử dụng hoặc không sử dụng hết phải thu hồi và chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nộp về quỹ dự phòng.

Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách nhấn mạnh, việc Chính phủ trình cho phép 11 tỉnh thành được kéo dài thời gian thanh toán từ nguồn 20% kết dư Quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là vượt quy định của Luật Bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, liên quan đến thời gian trình, theo tờ trình của Chính phủ, khoản kinh phí kết dư 20% từ quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phát sinh từ năm 2015 được Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình thông qua ngày 29/12/2016. Theo quy định thì khoản kinh phí kết dư này được sử dụng trong vòng 12 tháng kể từ ngày ghi trong thông báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 quy định "Hằng năm, Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế".

“Như vậy, đến nay Chính phủ mới báo cáo vấn đề này là rất chậm. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan và địa phương có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm” – lãnh đạo UB Tài chính – Ngân sách nhận định.

Với số tiền 518.389 triệu đồng chưa thanh toán, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho rằng, về nguyên tắc, sau 12 tháng các địa phương không sử dụng hết sẽ phải chuyển về quỹ dự phòng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2017 là năm đầu tiên được sử dụng khoản kết dư này nên các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến  có 11 địa phương chưa hoàn tất việc thanh toán theo quy định.

Theo báo cáo của Chính phủ, về cơ bản, các địa phương này đã ký hợp đồng mua sắm, nhiều địa phương đã hoàn thành việc lắp đặt, bàn giao trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh và các tài sản này đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho khám, chữa bệnh.

Báo cáo thẩm tra khái quát, đa số ý kiến trong UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, phần lớn các địa phương được nêu là các tỉnh khó khăn nên cơ quan thẩm tra đồng ý với đề nghị của Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn thanh toán đối với số tiền 518.389 triệu đồng đến hết 30/6/2020 và đề nghị UB Thường vụ yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này tại kỳ họp thứ 8.

Chủ tịch Quốc hội nhắc Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc tiêu tiền - 2

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: "Việc những tỉnh khó khăn thì đã xong còn một số tỉnh, thành tự chủ được ngân sách, trong đó có cả Hà Nội và TPHCM lại chậm trễ thì cần rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành".

Nêu ý kiến về đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu xử lý sao để không tạo ra tiền lệ là “cứ chậm trễ rồi trình lên Quốc hội là được quyết hết”.

“Nếu đồng ý với tờ trình của Chính phủ thì tự nhiên lại đi giải quyết cho những địa phương thực hiện không nghiêm túc, nhưng tôi cũng lăn tăn vì số tiền đó phục vụ cho sức khoẻ nhân dân, nếu không thì dứt khoát không đồng ý”  - Chủ tịch Quốc hội nói.

Báo cáo thêm về nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện tượng chậm diễn ra ở hai khâu, cả thủ tục ở Trung ương và địa phương. Bộ trưởng xác nhận, những tỉnh khó khăn thì đã xong còn một số tỉnh, thành tự chủ được ngân sách, trong đó có cả Hà Nội và TPHCM lại chậm trễ thì cần rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành.

Chốt lại nội dung làm việc, UB Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội nhưng phê bình nghiêm khắc những địa phương làm không đúng. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần là rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm tra đôn đốc.

“Nếu không phải vì chi phục vụ sức khoẻ nhân dân tôi khỏi phát biểu luôn, dứt khoát không trình Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, sự chậm trễ này là do khâu thực hiện chứ không phải do luật bất cập. Lãnh đạo Quốc hội lưu ý Chính phủ không tạo ra tiền lệ từ việc này.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chốt lại, UB Thường vụ sẽ trình Quốc hội xem xét đề nghị của Chính phủ nhưng phê bình nghiêm túc các địa phương làm chưa tốt, và Chính phủ phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc chậm trễ.

P.Thảo