1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch nước: “Phát hiện quan nào được bao che cứ báo ngay cho tôi”

(Dân trí) - “TPHCM có một số vụ án lớn mà chúng tôi đang theo dõi để không bỏ sót tội phạm. Phòng chống oan sai cũng nên phòng bỏ sót tội phạm. Chạy án cũng ghê gớm. Phát hiện ông quan nào đó được bao che thì cứ báo ngay cho chúng tôi”, Chủ tịch nước nói.

Sáng 3/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đơn vị số 1 Đoàn ĐBQH TPHCM tiếp tục có buổi tiếp xúc với bà con cử tri quận 1. Các chính sách mà Quốc hội vừa thông qua, những vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội… đều được bà con chất vấn, đóng góp ý kiến, gửi gắm đến các đại biểu.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói chuyện với bà con cử tri

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói chuyện với bà con cử tri

Sân bay Long Thành: Chỉ làm khi đã “tâm phục, khẩu phục”

Báo cáo trước bà con cử tri, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM cho biết, một đất nước muốn phát triển không phải nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà là nguồn nhân lực chất lượng. Mà muốn có nguồn nhân lực chất lượng thì phải đổi mới cơ bản chương trình giáo dục. Chính vì vậy, Chính phủ đã hình thành một hội đồng quốc gia biên soạn sách giáo khoa từ cấp 1 đến cấp 3 để có một chương trình giảng dạy phù hợp, áp dụng từ niên học 2018-2019.

Dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) thay thế sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và có rất nhiều ý kiến trái chiều. Ông Trần Du Lịch cho biết, hiện Quốc hội mới thảo luận trên đề án sơ bộ của Chính phủ về vấn đề quy mô xây dựng, khi nào thật sự cần xây dựng sân bay… Kỳ họp Quốc hội lần tới sẽ tiếp tục làm rõ từng vấn đề một. Sau khi Quốc hội cho chủ trương rồi thì Chính phủ phải lập dự án khả thi về nguồn vốn, quy mô… Khi có đề án khả thi thì Quốc hội mới phê chuẩn. “Dự án sân bay quốc tế Long Thành làm hay không làm, làm lúc nào… phải được nghiên cứu hết sức cẩn trọng. Khi nhân dân, các cấp tâm phục, khẩu phục thì mới làm”, ông Trần Du Lịch nói.

Cử tri quan tâm đến việc thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền và dự án trên đèo Hải Vân

Cử tri quan tâm đến việc thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền và dự án trên đèo Hải Vân

Cử tri Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ phường Cô Giang, quận 1) cho rằng, bà đã có hơn 50 năm công tác trong lĩnh vực y tế. Chính vì vậy, bà thấy sức khỏe là quan trọng nhất. Có sức khỏe thì mới có cái đầu thông minh. Vì vậy, để một dân tộc hùng mạnh thì Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Bộ Y tế phải có trách nhiệm sâu sát, chứ không “nhởn nhơ” như hiện nay.

Cũng bàn về vấn đề sức khỏe, cử tri Trần Văn Trâm (ngụ phường Đa Kao) bức xúc khi kể về trường hợp “nhũng nhiễu” ở một số bệnh viện hiện nay. “Ngành y tế đào tạo bác sĩ 6 năm nhưng khi đi làm thì bác sĩ khám bệnh nhanh chóng mặt: 1 người/phút. Để có 1 phút bác sĩ khám, người bệnh phải chờ 4 giờ đồng hồ để làm thủ tục hành chính, 45 phút lấy thuốc. Thật vô lý vô cùng”, ông Trâm bức xúc.

Cử tri Nguyễn Văn Phú (ngụ phường Đa Kao) mong muốn các ĐBQH hãy nói đi đôi với làm. Những quan lớn khi kê khai tài sản thì phải công khai để dân biết mà giám sát. Công khai các quan chức được cấp nhà công vụ cũng như thời gian ở, thời gian trả nhằm tránh xảy ra trường hợp về hưu, có nhà cao cửa rộng ở quê mà vẫn “ém nhẹm” nhà công vụ như ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.  

Cử tri Trần Quang Tuấn thì cho rằng, để lấy lại niềm tin trong nhân dân, ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủ - nên chủ động công khai tài sản.

Công nghiệp cực kỳ yếu kém

Nói chuyện với bà con cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Không thể bó tay, chịu chết trước tham nhũng”. Về chủ trương nhà công vụ là đúng đắn, cần thiết áp dụng cho cán bộ luân chuyển trong thời gian họ làm nhiệm vụ tại địa phương đó. Khi hết làm việc phải trả nhà công vụ là việc làm rất tự nhiên nhưng có nhiều người chưa trả.

“Cán bộ không tự giác trả đã đáng trách nhưng đáng trách hơn nữa là các cơ quan quản lý nhà công vụ, cơ quan quản lý cán bộ khi nghỉ hưu, khi thôi làm nhiệm vụ đó lại không tiến hành thu hồi nhà. Khi thu nhà công vụ mà người đó không trả thì quy trách nhiệm”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước ân cần hỏi thăm bà con sau buổi tiếp xúc

Chủ tịch nước ân cần hỏi thăm bà con sau buổi tiếp xúc

Về một số vụ án oan sai, Chủ tịch nước cho rằng, hiện nay tư tưởng công khai, minh bạch đã được rộng mở. Chế độ dân chủ thì rất coi trọng công bằng, không có oan sai. Oan sai thì xử đến nơi đến chốn. Các ông Tòa, Viện, Công an mà truy tố, xét xử sai cũng bị khởi tố ra trước tòa. Chủ tịch nước cũng căn dặn, phòng chống oan sai cũng nên đề phòng bỏ sót tội phạm. Nhiều người có tiền, chức vụ chạy án để thoát tội. “TPHCM có một số vụ án lớn mà chúng tôi đang theo dõi để không bỏ sót tội phạm. Phòng chống oan sai cũng nên phòng bỏ sót tội phạm. Chạy án cũng ghê gớm. Không chỉ TPHCM mà các nơi khác cũng có. Phát hiện ông quan nào đó được bao che thì cứ báo ngay cho chúng tôi”, Chủ tịch nước nói.

Bàn về kinh tế, Chủ tịch nước thẳng thắn thừa nhận trong Cương lĩnh của Đảng và trong Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo” nhưng một số ngành công nghiệp đi theo không kịp ý đồ của Đảng. Ngành công nghiệp chế tạo máy của chúng ta cực kỳ yếu kém. Chúng ta làm được linh kiện, chưa sản xuất động cơ ngoài một vài động cơ của xe máy.

Chúng ta tự hào xuất siêu nhưng xuất siêu đó do doanh nghiệp nước ngoài làm ra chứ không phải doanh nghiệp trong nước. Công nghiệp gần đây tăng trưởng 80-90% nhưng có đến 70% là của doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam. Dấu ấn lớn nhất của Việt Nam là nông nghiệp nhưng gần đây tăng trưởng chậm còn 30%.

Chính vì những mặt hạn chế đó, Chủ tịch nước cho biết, trong năm 2015 và những năm kế tiếp, Việt Nam tập trung cơ cấu lại, có mô hình mới tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Ngành công nghiệp bớt gia công, nguồn nhân lực phải đào tạo bài bản thì mới nâng cao năng suất cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế.

Công Quang