Chống tiêu cực xây dựng, phải chặn từ khâu… “chạy” dự án!

(Dân trí) – Thảo luận về dự án luật Xây dựng sửa đổi, rất nhiều ví dụ về bất cập trong việc quản lý, đảm bảo chất lượng, an toàn vốn của các công trình xây dựng từ trường học, đập thủy điện tới Nhà Quốc hội… cho thấy mức “báo động” của vấn đề.

Ngày 15/5, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo về dự thảo luật Xây dựng sửa đổi đơn vị này đang soạn thảo. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, luật mới tập trung vào việc đổi mới nội dung và phương thức quản lý đối với các hoạt động đầu tư xây dựng theo nguyên tắc dự án, công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn khác nhau thì được quản lý thực hiện theo những phương thức khác nhau.

Đối với dự án, công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, nhà nước thực hiện quản lý, kiểm tra, kiểm soát toàn diện từ chủ trương đầu tư đến thiết kế, thi công xây dựng và đưa công trình vào vận hành sử dụng, kể cả chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Đối với dự án, công trình được đầu tư xây dựng bằng những nguồn vốn khác, nhà nước chỉ kiểm tra, kiểm soát về sự phù hợp với quy hoạch, về những nội dung thực hiện có liên quan đến an ninh, an toàn trong xây dựng và vận hành sử dụng công trình, bảo vệ cảnh quan, môi trường thông qua các quy định về quản lý chất lượng xây dựng, cấp phép xây dựng, điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, kể cả việc kiểm tra, đánh giá về chất lượng xây dựng sau khi công trình được đưa vào vận hành sử dụng...
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khái quát những điểm mới căn bản của luật Xây dựng sửa đổi.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khái quát những điểm mới căn bản của luật Xây dựng sửa đổi.

Nhấn mạnh nội dung quản lý chất lượng xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng quy định việc thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Quy định này nhằm đảm bảo cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có điều kiện thực hiện kiểm soát chất lượng công trình xây dựng ngay từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật cũng phải thực hiện trên cơ sở thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng.

“Riêng đối với công trình có ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của cộng đồng thì thiết kế kỹ thuật chỉ được phê duyệt khi đã được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm định”- ông Dũng nhấn mạnh.

Sao nhà thầu Trung Quốc luôn thắng?

Thảo luận về những nội dung này, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng phân tích, hiệu quả đầu tư xây dựng thời gian qua thấp, đầu tư dàn trải, manh mún, thất thoát lớn nguyên nhân chủ yếu do thiếu kỷ luật kỷ cương trong quản lý lĩnh vực. Ông Hùng đánh giá cao tư tưởng đổi mới toàn diện cả về thể chế và cách thức tổ chức thực hiện quy định xây dựng mà cơ quan soạn thảo đưa ra.

Tán thành quan điểm “quản chặt” những dự án, công trình xây dựng bằng vốn nhà nước, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, với những công trình, là một nguồn nguy hiểm tiềm năng, có khả năng gây tác động lớn tới xã hội, đe dọa đến sự an toàn của người dân như nhà máy thủy điện, điện hạt nhân, những cây cầu lớn… cơ quan chuyên môn phải đảm bảo quản lý được doanh nghiệp thực hiện, thẩm định được năng lực thực hiện của đơn vị thi công chứ không thể chỉ “đi sau, chạy theo” giám sát, hậu kiểm.

“Có hậu kiểm nghiêm đến đâu thì công trình xong cũng như việc đã rồi. Phải chặn được việc chạy chọt, tiêu cực – nguy cơ lớn nhất đối với chất lượng công trình chính từ khâu cấp giấy phép, chứng chỉ đầu tư” – ông Hùng nói thẳng.

Chuyên gia trong ngành xây dựng này cũng chỉ ra nghịch lý trong quy định hiện tại khi chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào quyết định đầu tư sai mà bị xử lý kỷ luật trong khi hậu quả của việc đầu tư sai khó có thể khắc phục. Chủ tịch Tổng hội Xây dựng dẫn chứng bằng con số thống kê có đến 27% dự án đầu tư vừa qua không đủ thủ tục, không đủ vốn nhưng khi phát hiện cơ quan cấp phép lại hoàn toàn… vô can.

Nguyên nhân của nghịch lý này, theo ông Hùng, là vì đơn vị xét duyệt, cấp phép đầu tư lại không có chuyên môn về xây dựng. “70-80% số dự án đầu tư đều liên quan đến xây dựng nhưng quản lý việc này lại giao ngành KH-ĐT” -  ông Hùng lắc đầu, thở dài.

Phó vụ trưởng vụ quản lý đấu thầu - Bộ KH-ĐT Nguyễn Xuân Đào “cự” lại. Ông Đào lập luận, các nước trên thế giới hầu hết cũng đều xây dựng quy định chung về thẩm định đầu tư, đấu thầy cho mọi lĩnh vực chứ không xây dựng quy định riêng cho từng lĩnh vực như xây dựng, giao thông… vì làm vậy là không thống nhất, thiếu đồng bộ.

Bộ trưởng Xây dựng “hòa giải”: “Quy định cần thiết, nếu không có ở chỗ này thì phải có ở chỗ khác, không thể bỏ trống. Vấn đề là văn bản hướng dẫn dưới luật thì nên giao cho các bộ chuyên ngành làm cho những mảng cụ thể như ngành giao thông hướng dẫn đấu thầu dự án giao thông, xây dựng hướng dẫn đầu thầu dự án xây dựng…”.

Ông Dũng kể lại chuyện, khi đấu thầu thiết bị khi xây dựng Nhà Quốc hội, có nhà thầu đã "ráo" trước sẽ tặng thêm công trình 4 thang máy. Khi Bộ Xây dựng xem lại sản phẩm cung cấp của đơn vị này thì thấy hàng là của 1 hãng sản xuất không tên tuổi, tiếng tăm gì về thang máy trong khi công trình Nhà Quốc hội phải đảm bảo chất lượng cao. Sau đó, khi cơ quan chức năng lên tiếng, kiên quyết "bỏ qua" nhà thầu này dù giá bỏ thầu rất cạnh tranh, lời hứa về 4 chiếc thang máy cũng... bặt tăm luôn.
 
Công trình Nhà Quốc hội sắp được hoàn thành với yêu cầu về chất lượng ở mức cao nhất.
 
Công trình Nhà Quốc hội sắp được hoàn thành với yêu cầu về chất lượng ở mức cao nhất.

GĐ Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai Tô Trọng Tôn thêm ý kiến cho rằng quy định đấu thầu phải có hướng dẫn chuyên ngành. Ông Tôn chỉ rõ thực tế, vì sợ việc nhập nhèm thông thầu, chỉ định thầu “ngầm” nên cơ quan quản lý quy định các tiêu chí kỹ thuật của thiết bị nhưng ngoài ra, nếu không có các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa… thì một chiếc xe máy là là hàng Trung Quốc, hàng Thái hay hàng Nhật đều thể hiện như nhau về tốc độ, số vòng quay… Như vậy, khi đấu thầu chỉ chọn được giá mà không chọn được loại vật liệu tốt.

“Vậy nên thực tế gần đây ở các địa phương, trong đó có Lào Cai, các nhà thầu Trung Quốc đều trúng thầu, các nhà thầu khác đều không đấu được về giá. Tuy nhiên, các chủ đầu tư tư nhân thường thẳng thừng loại thầu Trung Quốc để chọn một nhà thầu Nhật Bản với giá cao hơn nhiều nhưng hoạt động 10 năm qua vẫn tốt. Đấu thầu nhà nước, vì vậy lại thường không chọn được sản phẩm chất lượng” – ông Tôn khẳng định, vì làm việc thực tế ở địa phương nên nắm rõ những vấn đề này.

Trường học hay thủy điện đều phải thẩm định chất lượng

Vị GĐ Sở tỉnh Lào Cai cũng nêu quan điểm ủng hộ việc “thắt chặt” quản lý đầu tư xây dựng công bằng việc phải công khai thông tin để giám sát trong tất cả các khâu thực hiện dự án. Lấy ví dụ chuyện báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án lâu nay không được xem là phần việc của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, ông Tôn quả quyết, đây là khâu thất thoát lớn nhất.

Ông Tôn thống kê, Lào Cai có 6 huyện trong danh mục huyện nghèo của chương trình 30A, mỗi năm được rót đầu tư khoảng 260-350 tỷ đồng, các huyện khác cũng đều nhận trung bình 200-250 tỷ đồng/năm. Như vậy, có khoảng 2000 dự án phải thực hiện báo cáo kinh tế kỹ thuật/năm với những bản kê đều được vống lên 100-300%.

Ông Tôn khái quát: “Riêng năm 2012, Sở Xây dựng đã loại ra được 400 tỷ đồng khi kiểm tra một số báo cáo kinh tế kỹ thuật của các dự án. 70% ngân sách công không giám sát được nằm ở đây”.

GĐ Tô Trọng Tôn cũng đề xuất đưa vào quy định tăng cường thẩm định chất lượng đối với cả những công trình xây dựng nhỏ, thấp tầng vì các địa phương hầu hết được đầu tư những dự an nhỏ như vậy. Một ngôi trường chỉ 2-3 tầng, quy định hiện hành không phải thẩm định, nếu không đảm bảo chất lượng, chỉ 1 phòng học sập với 30-40 học sinh trong đó thì mức độ nghiêm trọng còn hơn là sự cố vỡ một đập thủy lực (chỉ tổn thất tài sản).

Đồng tính hướng phân tích này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng quả quyết, luật được sửa lần này là để khắc phục những lỗ hổng đó, để tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực, tăng trách nhiệm bảo vệ nguồn vốn, nguồn lực xã hội của công chức cũng như lãnh đạo ngành nhưng không làm thay việc của các tổ chức xã hội. Ông Dũng ví dụ về vấn đề tư vấn giám sát.

Trước đây cơ quan quản lý nhà nước thường không chú tâm vào hoạt động tư vấn giám sát nhưng quy định mới sẽ nêu rõ quy trình theo dõi ngay từ đầu. Khi có vấn đề xảy ra, nếu phát hiện tiêu cực, thông đồng giữa nhà thầu và tư vấn giám sát để… làm cho có, cán bộ quản lý nhà nước phụ trách phần việc này cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.

Người đứng đầu ngành xây dựng bức xúc: “Công trình nào thực hiện cũng có tư vấn giám sát nhưng cứ động đến, kiểm tra là có vấn đề. Vừa rồi chúng tôi đã buộc phải làm lại khâu tư vấn đối với một số công trình. Chuyện xây thủy điện mà bị động, không lường hết được khả năng động đất, rung chấn… cũng nằm ở chỗ này”.

Hiện luật Xây dựng sửa đổi cơ bản đã xong khâu lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, đang được hoàn thiện để đưa ra Chính phủ thảo luận trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2013.

P.Thảo