Chống tham nhũng mà chưa khắc phục tình trạng bổ nhiệm người thân!

(Dân trí) - Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều công tác phòng chống tham nhũng. Nhiều biểu hiện được đề cập, từ chuyện tiền trăm, nghìn tỷ “vứt đi” trong những dự án thua lỗ lớn đến chuyện cán bộ tham nhũng vặt, lắt léo, tham nhũng trong công tác cán bộ...

XEM TRỰC TIẾP PHIÊN THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI:

Quy trách nhiệm cá nhân có ý nghĩa quan trọng

Nói về công tác phòng chống tham nhũng sáng 30/10, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) khái quát, cử tri và nhân dân rất phấn khởi trước kết quả chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Nhiều việc được phát hiện và xử lý nghiêm minh, kể cả cán bộ cao cấp.

Riêng năm 2019, theo báo cáo Chính phủ, cơ quan điều tra đã thụ lý, điều tra 423 vụ, 1.073 bị can phạm tội về tham nhũng.

Chống tham nhũng mà chưa khắc phục tình trạng bổ nhiệm người thân! - 1
Đại biểu Tô Văn Tám nêu con số, năm 2019, theo báo cáo Chính phủ, cơ quan điều tra đã thụ lý, điều tra 423 vụ, 1.073 bị can phạm tội về tham nhũng.

Kết quả này đã chứng minh sinh động thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và khẳng định không có vùng cấm trong chống tham nhũng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Qua đó, lòng tin của người dân ngày càng được củng cố nâng cao.

Tuy nhiên cử tri băn khoăn, chống tham nhũng đang được tiến hành mạnh mẽ, khẩn trương đạt được nhiều kết quả nhưng trong chống lãng phí còn nhiều bức xúc. Nhiều dự án đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng không đạt hiệu quả mong đợi, hoặc dở dang kéo dài, xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng đội vốn vẫn diễn ra.

Đại biểu dẫn số liệu cho thấy cả nước đưa vào khai thác 30.000 dự án đầu tư công nhưng có tới 245 dự án không hiệu quả. Nhận xét những con số thể hiện vấn đề “đáng kể”, ông Tám đặt câu hỏi: Phải suy nghĩ gì, giải thích như thế nào với dư luận và cử tri?

Ở khía cạnh khác, theo đại biểu, quốc gia là tài nguyên lớn nhất và cũng là nguồn lực chiến lược lâu dài của quốc gia nhưng việc quản lý sử dụng vẫn xảy ra thất thoát lãng phí. Nhiều cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ, kiểm tra của UB Kiểm tra Đảng đã chỉ ra sai phạm với nhiều diện tích đất được giao cho chủ đầu tư làm lỗ của nhà nước nhiều tỷ đồng.

Việc thu hồi đất của người dân với các dự án với giá đền bù bất hợp lý và kế sinh nhai chưa đảm bảo chắc chắn.

Vấn đề khác, theo đại biểu, cử tri đánh giá cao trăn trở, tâm huyết của Thủ tướng cũng như đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, cá nhân Thủ tướng trong quá trình xử lý 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu nhưng đồng thời, cử tri cũng mong muốn lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành địa phương tổng rà soát các dự án kém hiệu quả, không hiệu quả trong cả nước để xử lý, trong đó có quy trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần siết chặt quản lý sử dụng đầu tư công của quốc gia trong tất cả giai đoạn quá trình đầu tư, thu hồi đất, trong đó vấn đề quy trách nhiệm cá nhân có ý nghĩa quan trọng.

Ông Tám đề cập, Bộ Chính trị vừa ban hành quy định 205 về kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ trong đó quy định rõ trách nhiệm cá nhân. Người dân đánh giá cao quy định này và thiết nghĩ Chính phủ cần có quy định trong đầu tư công, quản lý sử dụng công thổ quốc gia gắn với trách nhiệm cụ thể như quy định 205.

Cán bộ cục, vụ, sở tham nhũng vặt, đùn đẩy trách nhiệm

Chống tham nhũng mà chưa khắc phục tình trạng bổ nhiệm người thân! - 2

Phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội diễn ra chiều 22/10

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ ít ngày trước, vấn đề phòng, chống tham nhũng cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập. Đánh giá chung của đại biểu, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan chức năng, công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến rõ nét, được thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực và thu được nhiều kết quả tích cực, được người dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng được ban hành kịp thời, quy định cụ thể, bám sát thực tiễn; tài sản tham nhũng được thu hồi tăng.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhận xét, các chế tài xử lý tham nhũng vẫn còn chưa đủ sức răn đe; còn nhiều vụ đại án, sai phạm trong quản lý nhà nước chưa được xử lý; việc giải quyết hậu quả kinh tế của các vụ án nghiêm trọng còn nhiều khó khăn; chưa khắc phục hiệu quả tình trạng bổ nhiệm người thân, người không đủ tiêu chuẩn; chưa có cơ chế, chính sách bảo vệ những người dám đấu tranh chống tham nhũng.

Công tác phòng chống tham nhũng cũng gắn liền với cải cách hành chính. Đáng tiếc là kết quả đạt được chưa thực chất. Tái cấu trúc dịch vụ công được triển khai mạnh nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa thật sự năng động, sáng tạo, theo kịp chuyển động của xã hội, thậm chí có tâm lý sợ sai nên không dám làm; quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực còn yếu kém, phản ứng đối với các vấn đề phát sinh còn chậm, chưa kịp thời.

Một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ cấp phòng thuộc các cục, vụ, sở, ban ngành còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, tham nhũng vặt, gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, làm giảm lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật.

Phương Thảo