Chống tham nhũng: Không tiếng súng nhưng đầy nguy hiểm

Cán bộ làm công tác chống tham nhũng phải có bản lĩnh, dám đương đầu với những chuyện gài bẫy, vu khống, hãm hại…

“Chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Trong lĩnh vực này dù không có tiếng súng nhưng cũng đầy nguy hiểm. Dù khó nhưng vẫn có lời giải của nó. Kiên nhẫn mà tìm cho ra lời giải, đừng để mất tinh thần sớm. Phải cố gắng tìm tòi nghiên cứu, tìm cách để làm chứ cứ ngồi than vãn thì không bao giờ đạt được kết quả”. Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã động viên như thế tại Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng dành cho những cán bộ chủ chốt của Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy ở 32 tỉnh, thành phía Nam, tổ chức ngày 29-8 tại TP.HCM.
 
Chống tham nhũng: Không tiếng súng nhưng đầy nguy hiểm
Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh cho rằng cái khó nhất trong chống tham nhũng là đụng chạm đến người thân, bạn bè, thậm chí cấp trên của mình. Ảnh: MC

Theo ông Thanh, cái khó nhất trong việc này là đụng chạm trực tiếp đến người thân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và không loại trừ cả cấp trên của mình. “Nếu gặp chuyện như thế thì các đồng chí có động lòng không? Có buông không, vì đụng đến đủ thứ phức tạp và nhiều sự chi phối…” - ông Thanh đặt vấn đề. Ông Thanh nói tiếp: “Muốn làm tốt công tác chống tham nhũng thì người làm công tác nội chính phải giữ gìn, nhắc cả vợ con phải giữ gìn. Chuyện này không phải là không có, vì khi tấn công trực tiếp không được thì đối tượng đi đường vòng qua người thân”.

Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng nhấn mạnh cán bộ làm công tác này phải có bản lĩnh, phải dám đương đầu với những thế lực bao che cho tham nhũng, những nhóm lợi ích; những việc dựng chuyện; vu khống; gài bẫy; hãm hại, trả thù… chứ không bình yên đâu.

Theo ông Thanh, ngoài việc giữ gìn bản thân thì người làm công tác nội chính cần phải có năng lực, như bác sĩ vậy, nhìn hiện trạng là có thể đoán bệnh, “vì vậy phải nỗ lực nâng cao kiến thức và sử dụng lực lượng tham mưu giúp việc giỏi trong công việc này”.

Mặt khác, phương pháp làm việc rất quan trọng. Cần chủ động đề xuất với tỉnh ủy, thành ủy để đôn đốc chỉ đạo vụ việc. Bên cạnh việc phải đôn đốc đưa ra xét xử những vụ án cũ thì cán bộ ngành nội chính phải sát cánh với các cơ quan chức năng để theo dõi tình hình, phát hiện sớm các sai phạm để chấn chỉnh. “Nếu nơi nào báo cáo “không có chi hết” nhưng khi về kiểm tra mà có chuyện thì bản thân những người trong ban nội chính ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm” - ông Thanh nêu rõ.

Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng cho rằng ta đang trong giai đoạn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vì thế cần làm theo bằng những việc thiết thực, nói ít làm nhiều. “Hiện vẫn còn không ít cán bộ còn vô cảm với dân, không biết lo toan cho cuộc sống của dân. Điều đó dẫn đến những bức xúc trong xã hội. Cho nên trong công tác chống tham nhũng hiện nay, đã nói là phải làm, đừng để dân mất niềm tin hơn. Trước mắt chúng ta là nhiệm vụ nặng nề, nhiều chông gai thử thách” - ông Thanh nói.

Theo M.Cường

Pháp luật Tp HCM