TPHCM:

Chống ngập - Phải biết “liệu cơm gắp mắm”

(Dân trí) - Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM Trương Trung Kiên cảnh báo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP sự khó khăn về nguồn vốn thi công các dự án chống ngập. Ông Kiên cho rằng, chống ngập cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, không thể làm tất cả các dự án chống ngập theo quy hoạch khi không đủ tiền.

Chiều 17/8, Ban Đô thị và Ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM đã làm việc với Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP (gọi tắt là Trung tâm) về việc cân đối vốn cho các dự án chống ngập trên địa bàn TP.

Người dân cần biết ngập ở đâu để đối phó


Đường ngập là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM.

Đường ngập là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM.

Ông Trương Trung Kiên – Trưởng ban Đô thị HĐND TPHCM cho rằng, thời gian qua Trung tâm đã có nhiều dự án chống ngập nhưng người dân không biết hiệu quả như như thế nào vì nhiều nơi vẫn còn ngập.

Ông Kiên đề nghị Trung tâm phải “vẽ” cho người dân thấy quá trình giải quyết chống ngập để họ biết những chỗ đã hết ngập mà tính toán việc ăn ở, sinh hoạt, chọn địa điểm kinh doanh... Trung tâm cần phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường để đưa ra cao trình chính xác đưa vào dữ liệu vùng nào thấp và sẽ ngập như thế nào để người dân được rõ trong “bức tranh” tổng thể chống ngập của TP.

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP cũng cảnh báo Trung tâm sự khó khăn về nguồn vốn thi công các dự án chống ngập. Ông Kiên cho rằng chống ngập cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, Trung tâm không thể làm tất cả các dự án của 2 chương trình chống ngập theo quy hoạch của TP khi không đủ tiền.

Trong khi đó, Phó Ban Kinh tế ngân sách Phan Thanh Bình cho rằng, tiến độ thi công các dự án chống ngập còn chậm, các đơn vị liên quan phối hợp chưa tốt. Tình trạng này dẫn đến hiệu quả xã hội của công trình chống ngập không cao… “Bài toán cứ loay hoay mãi ở chỗ chống ngập chứ không có giải pháp tổng thể thoát nước cho chiến lược phát triển của TP”, ông Bình nói.

Trước đánh giá của đại biểu HĐND TP, ông Nguyễn Ngọc Công – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng chứng minh, giải thích cùng các chuyên gia hàng đầu để làm rõ cụm từ “loay hoay” mà mọi người nói”.

Ông Công phân trần rằng, điều cần để chống ngập cho TP vẫn chưa thể thực hiện được, đó là nguồn vốn. Mỗi năm Trung tâm được cấp 575 tỷ đồng để duy tu khoảng 2.100 km ống cống thoát nước thì không “ăn thua”.

Cũng theo ông Công, trong giai đoạn 2016-2020 TP cần hơn 97.000 tỷ đồng để triển khai các dự án chống ngập, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhưng hiện TP mới xác định được nguồn khoảng 63.000 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa xác định nguồn.

Ông Công cho biết, dự kiến trong năm 2016 sẽ triển khai các dự án xóa ngập trên các tuyến đường Gò Dầu, Tân Quý, Trương Vĩnh Ký (quận Tân Phú); An Dương Vương, Mễ Cốc, Lưu Hữu Phước (quận 8); Nguyễn Xí, quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh) và Lương Định Của (quận 2).

Hạ cốt nền khi nâng đường chống ngập

Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP Nguyễn Ngọc Công cho rằng hiện nay TP thiếu vốn để thực hiện các dự án chống ngập
Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP Nguyễn Ngọc Công cho rằng hiện nay TP thiếu vốn để thực hiện các dự án chống ngập

Liên quan đến việc nâng đường khiến nhà dân biến thành hầm, ông Nguyễn Ngọc Công cho rằng chọn giải pháp nâng đường chống ngập là làm theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Cốt nền xây dựng tối thiểu phải ở mức 2 m, thậm chí một số khu vực còn cao hơn. “Nếu không làm theo cốt nền quy định đến lúc bị thanh tra tuýt còi, xử lý ngay”, ông Công nói.

Tuy nhiên, ông Công thừa nhận khi có hệ thống đê bao rồi (TP đang triển khai quy hoạch 1547 để kiểm soát mực nước triều trong sông, rạch – PV) thì có thể giảm cao độ cốt nền xuống mức 1,3-1,5 m. Ông Công dẫn chứng rằng, từ khi cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè đi vào hoạt động thì khu vực bên trong gần như không còn ngập do triều cường nữa.

Theo ông Công, hiện UBND TPHCM chỉ đạo các sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc rà soát vấn đề cốt nền, trên cơ sở đó kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh ở những khu vực đô thị hiện hữu, khu đô thị mới để cốt nền xây dựng phù hợp với tình hình thực tế. Việc này giúp hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, giảm chi phí sửa chữa, xây dựng nhà cửa khi nâng đường chống ngập cũng như giảm chi phí thi công dự án.

Liên quan đến vấn đề cốt nền, ông Lê Thanh Liêm – Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP cũng chia sẻ về những bất cập khi nâng đường, hẻm quá cao. Ông Liêm cho biết, nhiều dự án nâng đường, hẻm mức 2 m khiến người dân phản ứng vì gây xáo trộn, ảnh hưởng đến kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày, chi phí sửa chữa nhà cửa quá cao. Sau khi lấy ý kiến người dân đã phải hạ cao độ mặt đường xuống còn 1,7-1,8 m.

Ông Liêm cho rằng, nếu TP có nguồn quỹ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm thì việc triển khai các dự án này sẽ được sự đồng thuận cao hơn, triển khai nhanh hơn.

Quốc Anh