1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Choáng với kình ngư một chân ở bảy ngã sông

“Không tin hả, để tui biểu diễn cho anh coi” - vừa nói dứt câu, anh Tân ngậm cái ống thở vào miệng nhảy ùm xuống sông và mất dạng theo con nước. Độ hơn nửa tiếng sau, tôi bắt đầu sốt ruột, anh Tân bỗng ngoi lên, miệng cười nói: “Sợ anh đợi lâu thôi, chứ bình thường tui có thể lặn cả ngày dưới nước”.

Choáng với kình ngư một chân ở bảy ngã sông

“Kình ngư một chân” xả hơi sau khi ngụp lặn dưới nước trên chiếc ghe nhỏ là nơi trú thân của anh bao năm qua.

 

Người tôi đang tiếp chuyện là anh Hồ Tân (khu vực 1, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang). Dù bị thương tật từ nhỏ, chỉ còn có một chân, nhưng anh lại là một “kình ngư” nức tiếng khắp vùng. Hơn 30 năm qua, bất kể mưa nắng đêm ngày, anh đã không quản khó khăn để trục vớt tài sản cho hàng ngàn ghe tàu bị nạn…

 

Nặng nợ với sông nước

 

Trước mặt tôi là người đàn ông có thân hình vạm vỡ, trên mình vận chiếc quần tà lỏn, đầu đội nón bo, nước da sạm đen vì cháy nắng. Ít ai nghĩ năm nay anh đã ngoài 50 tuổi. Dù phải dùng đến chiếc nạng gỗ thay thế cho cái chân bị tật nguyền, nhưng trông dáng đi của anh rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Tôi ngỏ ý muốn vào nhà nói chuyện, anh Tân phân trần: “Tui cũng muốn lắm, chỉ sợ chú em không chịu thôi”.

 

Rồi anh Tân chỉ tay về chiếc ghe nhỏ đang neo đậu cặp bờ sông Ngã Bảy và cho biết đó là nơi trú thân của anh mấy chục năm qua. Tôi quan sát thật kỹ chiếc ghe, bên trong chẳng có gì hơn ngoài một bình nước lọc và một số vật dụng cá nhân nho nhỏ. Anh Tân nói như đùa: “Đó là tất cả gia tài của tui, đến áo còn không có để mặc. Nói vui vậy thôi chứ tui làm nghề thợ lặn, quanh năm chỉ mặc có cái quần tà lỏn, mỗi khi có chuyện thì nhảy ùm xuống nước, lúc lên bờ cứ mình trần phơi nắng, riết rồi da mới đen như vầy nè”.

 

Anh Hồ Tân sinh năm 1960 (tại khu vực 1, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy) trong một gia đình có đến 9 anh chị em.

 

Nhà nghèo, lại đông con, không đất đai, nhà cửa, nhiều người đã phải sống lay lắt qua ngày nơi vỉa hè, xóm chợ. Năm lên 4 tuổi, anh Tân mắc phải căn bệnh sốt bại liệt quái ác. Sau lần đó, anh bị liệt cái chân trái. Sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước, hằng năm phải chống chọi với lũ, anh Tân hiểu rõ điều tiên quyết đối với mình cũng như người dân nơi đây là phải biết bơi thành thạo. Và bằng nỗ lực phi thường, đến năm 18 tuổi, anh Tân đã có thể một mình vượt sông và lặn dưới nước như một con rái cá… Theo lời kể của người dân địa phương, Ngã Bảy là nơi giao nhau của nhiều con sông lớn với nhiều điểm nước xoáy mạnh, không ít ghe tàu qua lại đã bị nước đánh chìm...

 

Chứng kiến những cảnh ấy, anh Tân xót xa cho những người không may, nên đã nhiều lần ra tay “nghĩa hiệp”, ngụp lặn dưới lòng sông trục vớt tài sản cho các ghe tàu bị nạn. Rồi ngày qua ngày, cái nghề thợ lặn đã gắn bó với anh lúc nào không biết. “Nhà tui nghèo không có cái ăn cái mặc thì nói gì đến chuyện học hành, lại thêm bị tật nguyền từ nhỏ nên tui chẳng biết làm nghề gì để mưu sinh. Có lẽ thấy mình tội nghiệp, nên ông trời ban cho cái tài bơi lặn ở dưới nước để làm kế sinh nhai” - anh Tân tâm sự.

 

Dù bị liệt một chân, nhưng anh Tân lại có khả năng lặn phi thường dưới nước.
Dù bị liệt một chân, nhưng anh Tân lại có khả năng lặn phi thường dưới nước.

 

Nổi danh “kình ngư”

 

Những ngày đầu đến với nghề thợ lặn, gần như chẳng ai biết anh Tân. Đến khoảng năm 2006, anh được một chủ tàu tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng “hợp đồng” trục vớt chiếc tàu sắt nặng mấy chục tấn đã nằm dưới đáy sông gần một tuần. Hồi đó, nhìn cái thân hình chỉ cao hơn 1,5m, lại liệt mất một chân, ai cũng cho rằng ông chủ tàu làm chuyện “dở hơi” vì mướn một người như thế. Anh Tân không để bụng những lời dị nghị đó và tập trung vào công việc của mình. Sau khi xem xét vị trí, độ sâu nơi chiếc tàu bị chìm, anh lặn dưới lòng sông nhấn chìm ba cái thùng phuy vào các vị trí đã định sẵn, cột dây vào bánh lái, hầm tàu. Tiếp đến, anh đưa vòi hơi vào các thùng phuy, đẩy nước trong thùng ra ngoài, thùng phuy đầy hơi tạo lực đẩy từ từ đưa con tàu ngoi lên mặt sông. Tất cả chỉ diễn ra trong 2 ngày, mọi người ai cũng ngỡ ngàng, thán phục, rồi từ đó tài bơi lặn của anh được truyền tụng khắp nơi... Tính đến thời điểm hiện tại, anh Tân đã trục vớt tài sản cho hàng ngàn ghe tàu bị nạn…

 

Tôi đã từng chứng kiến không ít vụ trục vớt ghe tàu bị chìm. Thông thường sẽ có khoảng vài ba người lặn xuống nước, được trang bị đầy đủ các dụng cụ, thậm chí có cả bình khí thở. Trên ghe lúc nào cũng có sẵn vài người túc trực để sẵn sàng ứng cứu khi có trường hợp nguy cấp xảy ra. Thế nhưng, anh Tân thì chỉ cần một ống thở và một chiếc máy bơm nhỏ để trên ghe và cứ thế trầm xuống đáy nước… “Hồi trước, đồ nghề của tui chỉ có cái máy bơm cũ rích, nên mỗi khi đi lặn, được chừng vài phút, tui lại phải ngoi lên mặt nước để thở. Nhờ sự giúp đỡ của một người tốt bụng, tui sắm được cái máy lốp hơi. Từ đó tui có thể lặn cả buổi dưới đáy sông” - anh Tân kể.

 

Câu chuyện của chúng tôi càng thú vị hơn khi anh Trần Hoàng Sáu (người dân địa phương) xen vào: “Nếu chú đến sớm một chút sẽ thấy, mới hồi nãy có một chiếc ghe đi qua đoạn sông ở đây, chẳng biết nguyên do gì mà làm rớt cả chiếc máy đuôi tôm xuống nước. Mọi người liền kêu thằng Tân ra sông tìm giúp, chỉ khoảng nửa tiếng nó đã vớt được chiếc máy lên bờ, ông chủ ghe không ngớt lời thán  phục và cảm ơn rối rít”.

 

Người xưa có câu “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, làm cái nghề “hạ bạc”, thậm chí phải bỏ mạng chứ nói gì đến làm giàu. Nếu có một thống kê nói về các ngành nghề nguy hiểm nhất ở nước ta, chắc chắn trong số đó sẽ không thể thiếu nghề thợ lặn. Anh Tân cũng không tránh khỏi những lần “thập tử nhất sinh”. Lần đầu tiên cách nay chưa lâu, hôm đó, anh Tân đang trục vớt tài sản cho một chiếc ghe bị chìm tại bến tàu lớn sông Ngã Bảy.

 

Anh Tân trong một lần lặn dưới nước.
Anh Tân trong một lần lặn dưới nước.

 

Lặn dưới nước gần 2 tiếng đồng hồ với độ sâu hơn 30m, bỗng dưng anh cảm thấy đuối sức, đầu óc choáng váng, anh vội bơi lên mặt nước, nhưng tay vừa bám vào ghe đã bị tuột ra và rơi trở lại xuống sông. Rất may khi đó, những người đứng trên bờ đã kịp thời đến ứng cứu. “Lên được bờ, tui nằm lăn ra đất, người không còn chút sức lực, miệng thở phào nhẹ nhõm giống như vừa trở về từ cõi chết” - anh Tân nhớ lại. Một lần khác, anh Tân đang trục vớt ghe tàu bị chìm ngay tại điểm giao bảy ngã sông. Lúc này, có một chiếc ghe đi ngang qua, làm ống thở của anh Tân bị cuốn vào chân vịt. Biết ngay có chuyện chẳng lành, anh Tân liền dùng hết sức bơi vào bờ và một lần nữa thoát nạn…

 

Giúp đời, giúp người…

 

Với những số tiền ít ỏi kiếm được từ công việc ngụp lặn dưới đáy sông, đến giờ, cuộc sống của anh Tân vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo khó. Thế nhưng, anh chưa bao giờ có ý định bỏ nghề để tìm công việc khác khá hơn. Đối với anh, làm nghề thợ lặn là để giúp đời, giúp những người không may bị nạn. “Những hôm không có gì làm cũng buồn lắm, nhưng nghĩ lại thấy rất vui vì mình thất nghiệp đồng nghĩa với việc không có ghe tàu bị nạn” - anh Tân bộc bạch. Cứ thế, mỗi khi có ghe, tàu bị chìm, mọi người đều tìm đến anh. Anh Tân chia sẻ: “Có lần, một chiếc ghe bị chìm, tài sản đều mất hết, tui chỉ vớt lên được vài thứ lặt vặt. Nhìn chủ ghe ngồi khóc mà thấy xót, mình khổ một, người ta gặp nạn khổ đến mười. Nghĩ vậy, nên tui trở về không lấy tiền công”.

 

Anh Trần Hoàng Sáu cho biết, dân địa phương ở đây vẫn thường đi lại bằng ghe tàu, không ít trường hợp bị sóng đánh chìm, lần nào cũng nhờ anh Tân lặn xuống sông để vớt dùm đồ đạc. “Những lần như thế, mọi người nài nỉ mãi, nhưng thằng Tân nhất quyết không chịu lấy tiền công, nó chỉ cười rồi quay trở về ghe” - anh Sáu kể.

 

Do sống có tình có nghĩa nên anh Tân được mọi người xung quanh thương mến. Thỉnh thoảng, họ mang biếu anh chút gạo hay gói thuốc lá... Hôm nào kiếm được năm, bảy chục ngàn đồng, anh Tân hay tự thưởng cho mình một bữa cơm… bình dân kèm theo một xị rượu đế, ngồi nhâm nhi nhìn sông nước mà suy ngẫm sự đời. Hiện tại, tất cả số tiền kiếm được từ nghề thợ lặn, ngoài việc lo thuốc thang cho mẹ già (đang sống ở khu vực 1, phường Ngã Bảy), còn lại anh Tân đều dành cho đứa con gái nhỏ học lớp 7 đang sống cùng mẹ ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng. “Tui nghèo, lại mù chữ nên mới khổ như vầy, chỉ mong con mình được ăn học đàng hoàng để sau này có cuộc sống tốt đẹp” - anh Tân nói…

 

Buổi chiều bên bờ sông Ngã Bảy, bỗng có tiếng kêu la thất thanh từ đâu vọng đến. Anh Tân liền nhỏm dậy nhìn ra sông: “Hình như có ghe bị chìm”. Nói dứt câu, “kình ngư một chân” nhanh tay cho ghe tiến về phía trước…

 

Theo Song Thương
 Lao Động