“Chính phủ đã thấy bất cập của bộ đa ngành”

(Dân trí) - "Bộ đa ngành cũng là điểm mới, ý tưởng thì rất tốt đẹp nhưng trong quá trình vận hành cũng bộc lộ bất cập... Tôi được biết là Chính phủ đã nhìn thấy các bất cập đó".

Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Quảng Nam Ngô Văn Minh trao đổi trước khi QH bàn về việc tổ chức cơ cấu, bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Có thông tin nội dung báo cáo của Thủ tướng về cơ cấu tổ chức Chính phủ gửi đại biểu lần này, cơ quan chuẩn bị có đề cập phương án tách nhập, hình thành bộ ngành mới?  

Trong một số ý kiến cũng có đặt vấn đề bộ này nhập vào, ngành kia tách ra thì sẽ tốt hơn. Cũng có ý kiến đề nghị lập bộ mới về kinh tế biển cho tương xứng tầm quan trọng của vấn đề.

Ý kiến của riêng ông, có nên lập Bộ kinh tế biển như một số người đề xuất?

Vấn đề này đặt ra nhưng trước mắt là chưa hình thành bộ máy. Việc này phải chờ sửa đổi bổ sung Hiến pháp.

Tới đây sẽ tăng cường vai trò của Tổng cục biển đảo thuộc Bộ TN-MT, làm sao để triển khai được chiến lược kinh tế biển của Đảng. Nhất là trong điều kiện phức tạp hiện nay, việc bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền… phải tính hết.
 
“Chính phủ đã thấy bất cập của bộ đa ngành” - 1
Đại biểu Ngô Văn Minh nhiều lần phát biểu về vấn đề trách nhiệm thủ trưởng tại QH khóa XII (ảnh: Việt Hưng).

Nhưng Hiến pháp dự kiến cuối khóa XIII mới sửa trong khi bộ máy Chính phủ vẫn phải hình thành ngay trong kỳ họp này, trong một vài ngày tới. Hướng tổ chức bộ máy thế nào để đáp ứng những yêu cầu đặt ra?

Hướng là vẫn giữ nguyên, cả về số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Trước khi xem xét việc trình bộ máy mới, chúng ta sẽ có đánh giá về bộ máy Chính phủ khóa XII. So với khóa XI, Chính phủ khóa XII có gọn lại, sắp xếp lại một số bộ, sáp nhập một số bộ lại theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với chủ trương giảm đầu mối, thực hiện cải cách hành chính theo hướng thu gọn bộ máy, minh bạch, chuyên nghiệp, dân chủ, khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.

Nhưng bên cạnh mặt được, vẫn có mặt chưa được thấy rõ. Việc sáp nhập vừa rồi chỉ mang tính cơ học, một số bộ ngành chỉ là phép cộng lại, biên chế không giảm. Bộ nhập vào nhưng tổng cục, cục lại tăng lên nên bộ máy cũng không tinh giản được đáng kể.

Vấn đề nữa là chức năng, nhiệm vụ vẫn chưa minh bạch. Ví dụ như về giao thông thì thì lòng đường do Bộ GTVT quản lý, lề đường lại thuộc Bộ Xây dựng. Làm một nhà máy thủy điện liên quan đến rất nhiều bộ ngành nhưng không rõ ai chịu trách nhiệm chính, việc ảnh hưởng đến rừng thì trách nhiệm Bộ TN-MT thế nào, khi xả lũ vai trò của Bộ Công thương ra sao …

Tổ chức bộ máy lần này phải khắc phục những bất cập này. Phải tính tiếp xem sắp xếp ra sao, khắc phục cho được.

Vì sao việc nhập bộ ngành như ông nói chỉ là cộng cơ học? Sao việc vận hành  không thể trở nên trơn tru, thông suốt trong các bộ đa ngành?

Bộ đa ngành cũng là điểm mới, ý tưởng thì rất tốt đẹp nhưng trong quá trình vận hành cũng bộc lộ bất cập. Vậy nên cần phải điều chỉnh. Mà điều chỉnh dựa trên cơ chế pháp luật.

Chính phủ có nhận được những đánh giá, phân tích như ông nói cũng như hướng khắc phục?

Tôi được biết là Chính phủ đã nhìn thấy các bất cập đó. Nhưng Quốc hội cũng nên kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ thật rõ ràng. Điều quan trọng là làm sao tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và thực hiện nghiêm quy chế này. Lâu nay ta vẫn nói nếu trong cơ quan, đơn vị có người tham nhũng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nhưng trong quá trình xử lý vẫn chưa thấy kiên quyết, chặt chẽ, triệt để.

Nhưng cơ cấu, tổ chức kỳ này vẫn không có gì thay đổi, làm sao khắc phục những hạn chế, bất cập đó?

Tôi đề nghị Chính phủ khóa mới rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hết sức chặt chẽ để phân vai lại cho đúng. Phải làm thật tốt việc này, làm thành chương trình tổng thể về cải cách hành chính. Sau đó mới tính đến việc tổ chức lại các cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương, rồi tổ chức chính quyền đô thị, chính quyền địa phương, nơi có HĐND thế nào, nơi không có thế nào. Đó là những việc trước mắt…

Còn về lâu dài thì trong nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, sẽ phải tính một cách căn cơ. Nên xây dựng Chính phủ hay Nội các? Thủ tướng  là người đứng đầu cơ quan hành chính cao nhất, hay là cơ quan chấp hành? Phải làm rõ những điểm đó, làm căn cứ sửa đổi.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)