1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiêu trò của bọn đạo chích chuyên nhòm ngó “báu vật quốc gia”

(Dân trí) - Để đạt được mục đích, nhiều tay săn cổ vật không ngần ngại kích động người dân xông vào các khu di tích vừa được khai lộ gây náo loạn, rồi lợi dụng sơ hở nhanh tay “cuỗm” luôn các hiện vật vừa khai quật được.


"Chảy máu" cổ vật là vấn nạn nhức nhối của ngành khảo cổ Việt Nam. Rất nhiều cổ vật quý đã bị giới buôn đồ cổ Việt Nam có được bằng nhiều cách thức và buôn lậu ra nước ngoài.

Đua nhau đào mộ cổ để tìm kho báu!

Từng tham gia nhiều cuộc khai quật mộ cổ và các di tích lịch sử, ông Chu Văn Vệ - Phó trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm cổ vật - Bảo tàng lịch sử quốc gia - ngậm ngùi cho biết bản thân ông thấy xót xa khi từng chứng kiến rất nhiều những cổ vật quý hiếm bị lấy trộm và rao bán trôi nổi trên thị trường. Dẫn chứng về điều này, ông Vệ kể, năm 2009 trong vụ khai quật hai ngôi mộ cổ ở khu vực Vườn Chuối, Hoài Đức, Hà Nội, khi các hố khai quật khảo cổ còn chưa kịp phát lộ, khu vực chưa được niêm phong trông coi thì đã xuất hiện những tên trộm mang theo thiết bị rà kim loại cày nát cả khu vực để tìm cổ vật.

Hàng trăm hiện vật quý như một số đồ đá, rìu đồng, mũi tên đồng... có niên đại từ hàng nghìn năm trước đã bị lấy mất. Với những người chuyên về khảo cổ, đó thực sự là những “báu vật quốc gia”.

Hay mới đây nhất vào tháng 8/2013, hai chiếc tàu cổ có niên đại hơn 400 năm bị chìm dưới đáy biển được phát hiện ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Do gần bờ, hàng chục ngư dân đưa ghe thuyền và phương tiện đến thi nhau lặn ngụp tìm cổ vật làm náo loạn cả một vùng biển. Nhiều cổ vật bị giành giật, lấy trộm gây thất thoát, vỡ vụn. Trong đó có những món hàng được coi là rất “độc” như: chén, đĩa có hoa văn lạ mắt, hàm răng ngựa... cũng bị những tay săn cổ vật vơ vét hết. Dù đã nhiều tháng trôi qua nhưng làng chài Bình Châu vẫn “nổi sóng” vì nhiều người lạ mặt đến nghe ngóng, tìm mua cổ vật. Thậm chí, trai tráng còn tạm gác việc đi biển để lặn tìm với hi vọng tìm thấy những cổ vật còn sót lại.

Theo ông Vệ, những khu vực hay xảy ra mất trộm cổ vật nhất là những di tích hay những ngôi mộ cổ: “Nhiều người quan niệm, người chết thời xưa thường được chôn theo kho báu, vàng bạc nên hễ khu vực nào phát hiện có mộ cổ là hàng trăm người dân địa phương và những người săn cổ vật lại kéo đến đào xới tanh bành, thậm chí có ngôi mộ chỉ còn trơ lại mảnh xương khô của người quá cố khi các nhà khoa học có mặt...”.

“Lật tẩy mánh khóe của những tên trộm cổ vật”

Vì giá trị của cổ vật là rất lớn nên nhiều tay săn đồ cổ không từ mọi cách để có được những món đồ này. Trong những vụ đào trộm, chúng không ngần ngại sắm cả máy dò kim loại hay vật dụng chuyên biệt phục vụ cho việc khai thác cổ vật dưới lòng đất.

Đồ cổ đẹp thường được các hoa tiêu nhanh chóng phát hiện, thăm dò, “bấm” giá. Đồ nghề được giới trộm cổ vật “ưa chuộng” là một chiếc xăm bằng sắt có chiều dài từ 1,5 – 2m để dò cổ vật. Với những tên trộm cổ vật chuyên nghiệp thì chỉ cần nghe tiếng chọc xăm là họ có thể biết chỗ đó có cổ vật hay không. "Khi khai quật, khảo cổ, rất nhiều lần chúng tôi phải chứng kiến những đau xót khi hàng trăm cổ vật quý bị chiếc xăm chọc thủ, phá nát", ông Vệ nhớ lại.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ đã phải chào thua giới đào trộm cổ vật vì độ chuyên nghiệp và nhanh nhạy. Để đạt được mục đích, nhiều tay săn cổ vật còn không ngần ngại kích động người dân xông vào các khu di tích vừa được khai lộ gây xáo trộn, rồi lợi dụng sơ hở là nhanh tay “cuỗm” luôn các hiện vật vừa khai quật được.

Có lần sau khi khai quật một ngôi mộ cổ tương đối hoàn tất, ông Vệ cùng đồng nghiệp bỗng nghe thấy hàng chục người dân kéo đến lăm lăm cầm cuốc, xẻng tự nhận là con cháu của ngôi mộ đang khai quật. Hỏi ra mới biết, những hộ dân sống gần khu vực khảo cổ thấy các nhà khoa học khuân ra hết thùng này đến thùng kia thì cho rằng đó là kho báu. Lại thêm nhiều đối tượng “cò mồi” kích động, thêm thắt thành ra câu chuyện vô cùng hấp dẫn, ly kỳ. Mặc dù chính quyền địa phương đã hết lời giải thích đây chỉ là một ngôi mộ cổ được các nhà khảo cổ khai quật phục vụ cho việc nghiên cứu nhưng nhiều người vẫn “ngùn ngụt” khí thế cho rằng các nhà khoa học đang biện minh để chia nhau vàng bạc, châu báu.

“Nhiều cán bộ móc ngoặc với những tên trộm cổ vật”

Lý giải cho việc mất trộm, thất thoát, chảy máu cổ vật, GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng hiện nay chế tài và luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở và chưa đồng bộ. Trong nhiều trường hợp, các cán bộ quản lý còn móc ngoặc với những tên “đạo chích” để buôn bán cổ vật ngay trên di tích vừa khai lộ.

Thêm vào đó việc xử lý các đối tượng trộm cổ vật cũng không phải việc đơn giản. Theo luật thì những tài sản có giá trị trên 2 triệu mới bị khởi tố, nhưng ở đây có sự khập khiễng trong việc định giá cổ vật giữa cơ quan nhà nước và trên thị trường.

Nhiều tài sản có giá trị về văn hóa, lịch sử nhưng hầu như lại không được đánh giá cao về mặt kinh tế hoặc ngược lại: “Việc xác định giá trị cổ vật tức là giám định cổ vật ở nước ta vẫn còn tù mù. Hiện nay, giá trị cổ vật hầu hết được những người sưu tầm đánh giá chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và cảm tính. Việc định giá mua bán gặp không ít trở ngại do chưa có những thước đo giá trị thực của cổ vật. Nhiều trường hợp người sở hữu cổ vật cứ tưởng món đồ của mình là “đồ cổ thật” nên đẩy giá nên rất cao... Để đánh lừa khách hàng, một số người phù phép cho đồ mới thành đổ cổ như: ngâm xác chè cho đồ gốm, axit cho đồ đồng, bôi hắc ín, đất cát cho đồ đá... Chính vì thế, thị trường đồ cổ ở nước ta vô cùng lộn xộn, khó xử lý”.

Luật Di sản mới chỉ khuyến khích người dân đi đăng ký cổ vật chứ chưa phải là chế tài bắt buộc. Một khi người sở hữu cổ vật không đăng ký thì không thể quản lý được sự trôi nổi, thất thoát của các cổ vật. “Phải đưa việc đăng ký cổ vật là bắt buộc. Nhà nước nên đưa ra một thời hạn nhất định để thi hành, tất cả các công dân có cổ vật đều phải đi đăng ký. Và những cổ vật đó phải được gắn chip để tránh việc bị đánh tráo hoặc vận chuyển ra nước ngoài. Sau ngày quy định, sở hữu cổ vật không có nguồn gốc hợp pháp là phạm pháp”.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, trong nhiều trường hợp những người thi hành luật của chúng ta còn quá cứng nhắc, dẫn đến người dân không mặn mà giao nộp các cổ vật tìm được cho các cơ quan chức năng.

“Trong luật Di sản có quy định rõ tất cả những tài sản dưới lòng đất, dưới nước đều là sở hữu nhà nước nhưng chúng ta lại chưa có hình thức khuyến khích thỏa đáng để người dân tự nguyện giao nộp hiện vật khai quật được. Tôi nhớ ở Huế từng rộ lên vụ việc người dân phát hiện thấy một khẩu súng thần công đã nhanh chóng phản ánh đến các cơ quan chức năng và đề nghị các cơ quan văn hóa mua lại. Nhưng thay vì thương lượng với người dân, cơ quan quản lý liền xuống tịch thu. Việc làm cứng nhắc này đã gây nên một hệ quả nghiêm trọng đó là sự bất hợp tác của người dân khi phát hiện thấy cổ vật...”, ông Thuyết nói.

Thực tế, rất nhiều đồ cổ quý hiếm có giá trị lớn về văn hóa, kiến trúc lại đang được các tay chơi đồ cổ nắm giữ chứ không phải là các bảo tàng hay cơ sở văn hóa của nhà nước: “Chúng ta đã có một thời gian quá dài để cổ vật trôi nổi trên thị trường và nếu không quyết liệt, khẩn trương thì sau này nhiều “báu vật quốc gia” sẽ chỉ còn là những huyền thoại được lưu truyền trong sách vở. Và con cháu chúng ta - thế hệ sau này sẽ vô cùng thiệt thòi khi không có cơ hội được chiêm ngưỡng tận mắt những giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử của dân tộc mình...”, GS Nguyễn Minh Thuyết khảng khái nói.

Hà Trang - Xuân Ngọc