Chia lửa với chiến trường từ trong ngục tù: Nước mắt ngày trở về

(Dân trí) - Từ trên thuyền, họ nhào xuống sông, bơi về phía bờ Bắc, những người đồng chí của họ cũng nhào xuống sông ra đón. Những nụ cười, những cái ôm, những cái siết tay thật chặt, nước mắt ai cũng giàn giụa, rưng rưng. Họ biết rằng, ngày sum họp Bắc – Nam thống nhất sẽ không còn xa nữa…

Cựu chiến binh Lê Văn Long kể khoảnh khắc được trao trả sau hơn 2 năm bị địch giam cầm

Cuộc đấu tranh của người lính Lê Văn Long (SN 1950, quê xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An) và các đồng đội, đồng chí của mình trong nhà lao kéo dài cho đến khi Hiệp định Pari được ký kết. Theo nội dung đã được thống nhất trong Hiệp định Pari, những tù nhân sẽ được trao trả cho hai bên. Tuy vậy, cuộc đấu tranh của những người lính sa vào tay giặc vẫn chưa kết thúc.

Cựu chiến binh Lê Văn Long có hơn 2 năm chiến đấu trong nhà ngục của Mỹ - Ngụy
Cựu chiến binh Lê Văn Long có hơn 2 năm chiến đấu trong nhà ngục của Mỹ - Ngụy

Trước thời điểm được trao trả, các tù nhân được chuyển về nhà giam Biên Hòa. Tại đây, họ được tổ chức cho đi tham quan, thay quần áo mới, được ăn uống thịnh soạn. Nhận định đây chỉ là thủ đoạn nhằm che mắt các tổ chức quốc tế giám sát việc thực hiện Hiệp định Paris của địch nên các tù nhân nhất quyết không thực hiện. Họ tiếp tục với chuỗi ngày nhịn đói, mặc rét chờ đến ngày trở về đã đến rất gần.

Một ngày tháng 3/1973, họ được chở bằng máy bay từ trại giam Biên Hòa ra Huế, tiếp tục một chặng đường ô tô đến bờ nam sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Từ đây, họ có thể nhìn thấy ở bờ bên kia những đồng đội, đồng chí, đồng bào của mình và những lá cờ đỏ sao vàng tung bay đang đón chờ.

Những chiến sĩ bị địch bắt tù đày được trao trả vào ngày 9/3/1973 tại sông Thạch Hãn (ảnh Chu Trí Thành)
Những chiến sĩ bị địch bắt tù đày được trao trả vào ngày 9/3/1973 tại sông Thạch Hãn (ảnh Chu Trí Thành)

Thuyền ra giữa dòng, cách điểm phân giới vài mét, những người tù rút lá cờ nửa xanh, nửa đỏ có ngôi sao vàng (cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) kỳ công chuẩn bị và giấu trong người ra vẫy lên trời. Nhiều người không thể chờ đợi hơn được nữa, từ trên thuyền, họ nhào xuống sông, bơi về phía bờ Bắc. Trên bờ, những người đồng chí của họ cũng nhào xuống sông, ra đón.

Riêng ông Long và một số người bị thương nặng không thể nhảy xuống sông bơi, đành phải chờ thuyền cập bờ và được cõng lên. Những nụ cười, những cái ôm, những cái siết tay thật chặt, nước mắt ai cũng giàn giụa, rưng rưng. Họ biết rằng, cuộc sum họp Bắc – Nam như Bác Hồ mong mỏi sẽ không còn xa nữa. Và đúng 2 năm sau, non sông Việt Nam đã liền một dải sau cuộc tổng tấn công nổi dậy Mùa xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ông Long và đồng đội, đồng chí của mình được các chị, các mẹ Quảng Trị đưa về nhà nuôi nấng, chăm sóc. Một thời gian ngắn sau, họ được chuyển ra Thanh Hóa an dưỡng. Tại đây, người thương binh mất một chân ấy gặp và bén duyên với một nữ cựu thanh niên xung phong. Họ đến với nhau bằng tình yêu, bằng sự cảm phục và thấu hiểu…

Những chiến sĩ bị địch bắt tù đày trở về trong vòng tay của đồng chí, đồng đội và nhân dân (ảnh Chu Trí Thành)
Những chiến sĩ bị địch bắt tù đày trở về trong vòng tay của đồng chí, đồng đội và nhân dân (ảnh Chu Trí Thành)

Hai năm sau, ông đưa vợ về quê. Cuộc sống sau ngày giải phóng khó khăn trăm bề, đặc biệt là với một thương binh nặng như ông. Bản lĩnh người lính thêm một lần nữa được thử thách trong cuộc chiến chống đói nghèo.

4 người con lần lượt ra đời, cố quên nỗi đau vết thương tái phát và nỗi ám ảnh những năm tháng bị tra tấn trong ngục tù, ông quần quật đào đất san hố gạch làm ruộng, chống nạng đi xây để kiếm tiền lo cho các con ăn học. Ở cái tuổi này, ông có thể tự hào vì những gì mình đã sống, đã cống hiến cho Tổ quốc, đã có thể yên tâm khi các con đã phương trưởng, có vị trí ổn định trong xã hội.

Hiện ông Lê Văn Long là Phó Chủ tịch Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Hưng Nguyên. Bằng uy tín và nhiệt huyết trong công tác, ông kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ cho các hội viên. Thỉnh thoảng, từ những đóng góp của các mạnh thường quân, ông Long tổ chức cho các hội viên trở về thăm các trại giam.


Cựu chiến binh Lê Văn Long (bên trái, hàng thứ 2) cùng các đồng chí, đồng đội về thăm nhà tù Phú Quốc (ảnh nhân vật cung cấp)

Cựu chiến binh Lê Văn Long (bên trái, hàng thứ 2) cùng các đồng chí, đồng đội về thăm nhà tù Phú Quốc (ảnh nhân vật cung cấp)

Mọi thứ ở đó vẫn được giữ nguyên, tố cáo tội ác của Mỹ - Ngụy đối với những người bị giam cầm. Những hình ảnh đó cứ xoáy mãi vào tim ông, gợi nhắc về những cuộc đấu tranh cam go, không khoan nhượng với kẻ thù, gợi nhắc về những người đã ngã xuống, ngay trong nhà giam…

“Trong các nhà tù, do yêu cầu của chiến đấu, nhiều người không được giữ đúng cái tên của mình. Chúng tôi cũng chỉ biết nhau bằng cái tên ở trong trại giam nhưng tất cả anh em đã đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt qua những giây phút cam go nhất trong đấu tranh với kẻ thù. Những cuộc chiến đấu khốc liệt đã diễn ra, nhiều người trong số họ đã ngã xuống, như những người lính vô danh… Đau lắm!”, người lính già nghẹn ngào.

Hoàng Lam