Chênh lệch thu nhập tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

(Dân trí) - Theo những tính toán mới nhất đưa ra hồi tháng 8 vừa qua, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đã đạt mốc 3.000 USD/năm (tương đương 65-70 triệu đồng/người/năm). Khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập thực tế bình quân khoảng 13-14 triệu đồng/người/năm…

Như vậy, mức thu nhập của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số hiện mới chỉ bằng 1/5 mức thu nhập chung cả nước. Đây là một vấn đề được đề cập tại phiên thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn tại Quốc hội sáng 1/11.

Một trong những mục tiêu đáng chú ý của đề án là đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần so với năm 2020, đến năm 2030 tăng gấp 2,5 lần năm 2026.

Chênh lệch thu nhập tại Việt Nam hiện nay như thế nào? - 1
Bộ trưởng - Chủ nhiệm UB Dân tộc Đỗ Văn Chiến báo cáo một số vấn đề trước Quốc hội.

Theo đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu), mục tiêu này là rất cao, rất khó khả thi.

Khẳng định cần đưa mục tiêu này để thu hẹp mức sống của đồng bào dân tộc với các vùng khác đến năm 2030, song đại biểu Vương Văn Sáng (Lào Cai) cũng băn khoăn về mức độ tăng như đề án.

Mức độ tăng như vậy có nghĩa tốc độ tăng về thu nhập của vùng này ở giai đoạn năm 2020 đến năm 2025 phải tăng từ 14% đến 15%/năm. Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 tăng khoảng 20%/năm, đây là mức tăng trưởng gấp 2 lần so với mức bình quân của cả nước, đề án cần chỉ rõ nguồn lực và cơ chế chính sách để thực hiện, đại biểu Sáng nói.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng cho rằng cần hết sức cân nhắc mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần so với năm 2020, vì khó khả thi.

Bởi lẽ, đề án này nếu được thông qua, bắt đầu thực hiện từ năm 2021, sau đề án cần phải xây dựng hàng loạt các chính sách cụ thể, tuyên truyền, phổ biến, triển khai đến từng địa phương, từng địa bàn dân cư, từng người dân nhất định cần thời gian để đi vào cuộc sống. Đây là chính sách đòi hỏi nguồn lực lớn, thời gian triển khai dài nên không thể phát huy hiệu quả ngay trong một vài năm đầu mà có thể sẽ đến năm thứ ba, năm thứ tư mới có kết quả rõ nét, sau 5 năm mà mục tiêu đề ra thu nhập gấp đôi thì rất khó.

Sau phân tích trên, đại biểu đề nghị hạ mục tiêu này xuống 1,5 lần thì tính khả thi sẽ cao hơn.

Cùng quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng cần phải xem xét lại một số chỉ tiêu không phù hợp, trong đó có chỉ tiêu về thu nhập.

Báo cáo các nội dung tại phiên thảo luận, Bộ trưởng - Chủ nhiệm UB Dân tộc Đỗ Văn Chiến nói, qua khảo sát trực tiếp của Ban soạn thảo đề án, hiện nay thu nhập thực tế bình quân một người dân tộc thiểu số khoảng 1,1 đến 1,2 triệu đồng/tháng, tương đương với 13-14 triệu đồng một năm. Nếu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần thì sẽ đạt khoảng 26 đến 28 triệu đồng một năm. Mà dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến năm 2025 Việt Nam sẽ đạt 5.000 USD bình quân GDP trên đầu người.

Ông Chiến cho biết, UB Dân tộc đã nghiên cứu Văn kiện Đại hội Đảng bộ của các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi và thấy quyết tâm của các tỉnh rất cao về chỉ tiêu tăng thu nhập. Cụ thể, năm 2020 so với 2015 Cao Bằng đề nghị tăng 2,1 lần, Quảng Ninh 2,2 lần, Hà Giang 1,85 lần, Hòa Bình 2,1 lần, Quảng Bình 2,5 lần, Ninh Thuận 2 lần, Gia Lai 2,1 lần, Sóc Trăng 1,8 lần, Bạc Liêu 2,1 lần.

Mặt khác, chương trình Tam nông xác định thu nhập của cư dân nông thôn tại Nghị quyết 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau 10 năm tăng 2,5 lần nhưng vừa qua tổng kết là tăng 3,8 lần, bình quân là 1,9 lần trên 5 năm.

Do vậy, Ban soạn thảo trân trọng đề nghị cho giữ mức tăng khoảng hai lần để từng hộ, từng thôn, xã quyết tâm phấn đấu và hàng năm có kiểm điểm thì như vậy mới có thể thực hiện được” - ông Chiến phát biểu.

Thái Anh