Chánh án Trương Hoà Bình nói về những nghi án oan đang được “xét lại”

(Dân trí) - Báo cáo của Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình gửi tới UB Thường vụ Quốc hội trước phần đăng đàn trả lời chất vấn sáng 13/3 khẳng định, trong 3 năm 2011-2014 chỉ có 1 người bị kết án sau đó được tuyên vô tội. Các nghi án… oan khác đều từ các khoá trước…

Chánh án Trương Hoà Bình quả quyết, những năm qua, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án nói chung và giải quyết, xét xử các vụ án hình sự nói riêng tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án được đảm bảo và có những tiến bộ nhất định.

Tỷ lệ các bản án, quyết định hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án thời gian qua luôn ở mức thấp và giảm so với các năm trước. Chánh án Trương Hoà Bình dẫn số liệu thống kê chứng minh, trong các năm 2011-2014, tỷ lệ án hình sự bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán lần lượt là: 0,8% (năm 2011), 0,6% (năm 2012), 0,7% (năm 2013) và 0,6% (năm 2014). Với án dân sự, án hành chính, tỷ lệ này cao hơn (2 và 6%).
Chánh án Trương Hoà Bình nói về những nghi án oan đang được “xét lại”
Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình: Đang tiếp tục xem xét 11/35 trường hợp người bị án tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình có đơn kêu oan.

Người đứng đầu cơ quan xét xử khái quát: “Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội”.

Chánh án tối cao tiếp tục dẫn chứng, trong 3 năm (2012 – 2014) chỉ có 1 trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và tuyên bố bị cáo không phạm tội.

Ngoài ra, có 6 trường hợp toà cấp sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội, toà phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại và sau đó cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, với các trường hợp này, các Tòa án đang kiến nghị liên ngành xem xét lại căn cứ đình chỉ để phục hồi điều tra cũng như xác định trách nhiệm của cơ quan phải bồi thường.

Chánh án Trương Hoà Bình cũng trình bày thêm, sau phiên chất vấn về án oan tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 (tháng 11/2013), TAND tối cao đã tham gia tổ công tác liên ngành xem xét một số vụ án có đơn kêu oan gửi các cơ quan trung ương.

Cụ thể, các cơ quan đã thụ lý xem xét 35 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII này có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình (chiếm 1,6% số bị cáo có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình trong 03 năm 2012, 2013 và 2014). Trong số 35 trường hợp đó, cơ quan tố tụng đã xem xét, giải quyết 24 trường hợp.

Ông Bình khẳng định, thông qua kết quả giải quyết cho thấy về cơ bản, việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật (có 21 trường hợp đã trả lời không có căn cứ kháng nghị). Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 3 trường hợp để làm rõ thêm các căn cứ xác định tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Đối với 11 trường hợp còn lại, TAND tối cao đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Chánh án Trương Hoà Bình cũng thông tin, trong năm 2014, TAND tối cao đã xem xét một số vụ án xét xử từ nhiệm kỳ trước, mà bị cáo có đơn kêu oan như vụ án Lê Bá Mai tại Bình Phước bị xét xử về các tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”; vụ án Hồ Duy Hải tại Long An bị xét xử về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”; vụ án Huỳnh Văn Nén tại Bình Thuận bị xét xử về các tội “Giết người”, “Cố ý hủy hoại tài sản” và “Cướp tài sản”; vụ án Nguyễn Văn Chưởng tại Hải Phòng bị xét xử về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”…

Từ thực tiễn việc xem xét, giải quyết bồi thường do việc kết án oan người không có tội xảy ra từ các năm trước đây, Chánh án tối cao phân trần, bên cạnh nguyên nhân là do một số Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân còn hạn chế về năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp, thì việc xét xử các vụ án hình sự chủ yếu được thực hiện theo mô hình xét hỏi, dẫn tới Hội đồng xét xử bị phụ thuộc phần lớn vào các tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập. Một số trường hợp, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa kỹ, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, trong khi đó việc tranh tụng chưa thật sự được quan tâm, chưa phát huy hết được vài trò của những người tham gia tố tụng, dẫn đến sai sót trong việc giải quyết vụ án.

Trong số các giải pháp đưa ra để nâng cao hơn chất lượng xét xử, tránh xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, Chánh án Trương Hoà Bình nhấn mạnh việc tăng cường công tác giám sát việc xét xử của toà án cấp trên đối với các toà án cấp dưới. Theo đó, tất cả các vụ án hình sự lớn, trọng điểm dư luận xã hội quan tâm, các vụ án về tham nhũng, các vụ án mà bị cáo bị kết án với mức hình phạt cao nhất, quá trình giải quyết có khiếu nại, tranh chấp kép dài, ông Bình quán triệt, phải được Tòa án chủ động kiểm tra, tự rà soát theo trình tự kiểm tra việc xét xử, không đợi có đơn đề nghị của đương sự thì mới xem xét.
 

Nói về việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, Chánh án Trương Hoà Bình cho biết đã quán triệt xuống lãnh đạo các cấp toà việc phải đảm bảo các căn cứ theo quy định tại Điều 60 BLHS và hướng dẫn ban hành năm 2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Chánh án TAND tối cao năm 2005 về công tác đấu tranh phòng, chống một số tội phạm hình sự trong tình hình hiện nay và chỉ đạo về tăng cường kiểm tra việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Đối với các vụ án về tham nhũng mà có bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ, Chánh án tối cao lưu ý, tòa án đã xét xử phải gửi bản án về TAND tối cao để giám đốc kiểm tra nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ công tác xét xử đối với loại tội phạm này.

P.Thảo